Bán hàng online có phải đăng ký kinh doanh và đóng thuế hay không? Đây là vấn đề được khá nhiều độc giả quan tâm và gửi về nhờ Luật Nguyễn Hưng tư vấn giải đáp. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cụ thể và dễ hiểu cho câu hỏi trên và các mức phạt chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân bán hàng online.
Hoạt động thương mại điện tử là gì?
Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Phương tiện điện tử là phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin hoặc phương tiện khác hoạt động dựa trên công nghệ thông tin, công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ khác tương tự. Môi trường điện tử là môi trường mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin.
Như vậy, hoạt động thương mại điện tử là hoạt động mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác trên môi trường điện tử, thông qua các phương tiện điện tử. Khác với hoạt động thương mại truyền thống là các bên xác lập giao dịch không cần gặp mặt trực tiếp, ký hợp đồng bằng văn bản mà sử dụng các phương tiện điện tử để giao dịch và lưu trữ thông tin.
Bán hàng online có cần phải đăng ký kinh doanh không?
Việc bán hàng online không cần đăng ký kinh doanh và phải đăng ký kinh doanh tùy thuộc vào quy mô và hình thức mà bạn kinh doanh. Dưới đây là các tiêu chí, bạn đối chiếu với nhu cầu kinh doanh của mình để thực hiện cho đúng – việc có hay không có đăng ký kinh doanh với cơ quan Nhà nước:
Căn cứ Nghị định 39/2007/NĐ-CP và Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định một số hoạt động không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, cụ thể:
- Buôn bán nhỏ lẻ, không thường xuyên, mặt hàng bán là các đồ thủ công, tái chế, đồ cũ, thực phẩm nhà làm,… với số lượng ít, tự làm tay.
- Không sản xuất bằng dây chuyền máy móc, nhân công, không mở cửa hàng, kho bãi để chứa hàng hóa.
- Tổng doanh thu của nhiều kênh bán hàng dưới 100 triệu đồng/năm.
- Không xây dựng trang web, trang tiếp thị sản phẩm và không có các hình thức quảng bá sản phẩm chuyên nghiệp.
Nếu việc bán hàng online của bạn có quy mô lớn hơn những gì liệt kê nêu trên thì bạn phải tiến hành đăng ký kinh doanh, cụ thể:
- Bán hàng thường xuyên, là nguồn thu nhập chính, có tổ chức (có người hỗ trợ, thuê dịch vụ chạy quảng cáo, livestream, xây dựng fanpage, website,…).
- Có thuê mặt bằng, địa điểm kinh doanh, kho hàng với số lượng lớn.
- Thuê người bán hàng.
- Tổng doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
- Mở cửa hàng online.
Tùy quy mô kinh doanh mà bạn có thể lựa chọn đăng ký mô hình kinh doanh cho phù hợp: Hộ kinh doanh (cá nhân kinh doanh độc lập) hoặc hợp tác mở công ty (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, công ty cổ phần).
Nếu việc kinh doanh là công việc chính, thu nhập chính thì bạn nên đăng ký kinh doanh ngay từ ban đầu và thực hiện các thủ tục đầy đủ theo luật định. Lợi ích của việc đăng ký là để củng cố xây dựng thương hiệu, sau này phát triển, mở rộng kinh doanh, kêu gọi góp vốn sẽ dễ dàng hơn.
Các loại thuế phải nộp khi bán hàng online trên website
Kê khai và nộp thuế bán hàng online theo mô hình hộ kinh doanh
Khi đăng ký kinh doanh theo mô hình Hộ kinh doanh thì người bán hàng online cần lưu ý đóng đầy đủ các loại nghĩa vụ tài chính sau đây:
- Lệ phí môn bài;
- Thuế thu nhập cá nhân;
- Thuế giá trị gia tăng.
Thứ nhất, lệ phí môn bài: Lệ phí môn bài sẽ được tính dựa trên doanh thu hàng năm (năm đầu thành lập được miễn phí)
- Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm.
- Doanh thu trên 300 – 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm.
- Doanh thu trên 100 – 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
Thứ hai, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT): Doanh thu trong năm dương lịch dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải nộp.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.
* Doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì thuế TNCN, GTGT tính như sau:
- Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN.
- Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT.
* Việc kê khai và nộp thuế của hộ kinh doanh được tính theo các phương pháp tính thuế như sau:
– Phương pháp kê khai;
– Phương pháp khoán;
– Phương pháp tính thuế đối với trường hợp tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân (các sàn giao dịch thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo…).
Để biết mình nộp thuế theo phương pháp nào thì liên hệ cơ quan thuế hoặc chúng tôi để có thêm thông tin chi tiết.
Kê khai và nộp thuế bán hàng online theo mô hình doanh nghiệp
Nếu bán hàng online theo mô hình doanh nghiệp thì bạn phải đóng các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước như sau:
- Lệ phí môn bài;
- Thuế thu nhập cá nhân;
- Thuế giá trị gia tăng;
- Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ nhất, lệ phí môn bài: Được tính dựa trên vốn điều lệ của doanh nghiệp mà bạn đăng ký thành lập. Được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập.
- Doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm.
- Doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm.
- Đơn vị phụ thuộc và các tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.
Thứ hai, thuế thu nhập cá nhân: Phát sinh khi doanh nghiệp có trả lương cho người lao động và thu nhập tính thuế của người lao động > 0. Sau khi trừ các khoản được giảm trừ và được miễn thuế theo luật định cho người lao động thì doanh nghiệp trích số tiền thuế thu nhập cá nhân mà người lao động phải đóng (nếu có) trước khi chi trả lương thực nhận cho người lao động.
Tùy vào dạng cư trú của người lao động và loại hợp đồng lao động mà người lao động ký với doanh nghiệp thì sẽ có cách tính thuế thu nhập cá nhân khác nhau (lũy tiến từng phần hoặc thuế suất toàn phần 10%).
Thứ ba, thuế giá trị gia tăng: Được tính trên doanh thu hàng năm theo hai phương pháp cụ thể như sau:
- Doanh thu từ 01 tỷ đồng trở lên: Thuế GTGT được tính theo phương pháp khấu trừ.
- Doanh thu dưới 01 tỷ đồng: Thuế GTGT được tính theo phương pháp trực tiếp.
Tùy vào hàng hóa, dịch vụ kinh doanh cụ thể mà có thuế suất, cách tính khác nhau nên khi kinh doanh cái gì, bạn cần tìm hiểu trước để tránh trường hợp nộp thiếu, nộp sai thuế này.
Thứ tư, thuế thu nhập doanh nghiệp: Sau khi trừ hết các khoản chi phí hợp lý theo luật, số tiền còn lại (gọi là thu nhập tính thuế) sẽ được nhân với thuế suất để tính ra số thuế thu nhập doanh nghiệp cần phải đóng.
- Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác.
- Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển).
- Thuế TNDN = (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)) x Thuế suất.
Doanh thu là gì, những chi phí nào được trừ, thu nhập nào miễn thuế, phần trích lập quỹ như thế nào là đúng thì bạn cần đối chiếu quy định pháp luật. Những gì bạn thắc mắc vì luật chưa quy định rõ hoặc ngành nghề bạn kinh doanh đặc thù mới, bạn cần gửi văn bản hỏi ý kiến của cơ quan thuế.
Riêng đối với hộ kinh doanh, doanh nghiệp nào kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (Tiki, Shopee, Lazada, Sendo… ) thì ủy quyền cho sàn thương mại điện tử thực hiện thay việc kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế.
Mức phạt chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp, HKD, cá nhân bán hàng online
Việc chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân bán hàng online sẽ bị xử phạt hành chính, được tính theo thời gian chậm nộp, cụ thể:
- Từ 1 – 5 ngày : Phạt cảnh cáo;
- Từ 1 – 30 ngày: 2.000.000 đồng – 5.000.000 đồng;
- Từ 31 – 60 ngày: 5.000.000 đồng – 8.000.000 đồng;
- Từ 61 – 90 ngày: 8.000.000 đồng – 15.000.000 đồng;
- Trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn hồ sơ: 15.000.000 đồng – 25.000.000 đồng.
Việc kê khai và nộp thuế là sự chủ động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân bán hàng online, cam kết thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Nếu để cơ quan thuế thanh tra thì sẽ bị xử phạt thêm các hành vi vi phạm tương ứng (kê khai thiếu, kê khai không đúng,…) bên cạnh hành vi chậm nộp, tức là truy xét nguyên nhân và xử lý hậu quả.
Nếu các hành vi (có dấu hiệu) cấu thành tội trốn thuế thì cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền để điều tra, truy tố theo quy định pháp luật tố tụng hình sự.
Trên đây là tư vấn giải đáp của Luật Nguyễn Hưng về vấn đề “Bán hàng online có phải đăng ký kinh doanh và đóng thuế không?”. Hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích dành cho bạn. Trong quá trình tìm hiểu thông tin, nếu bạn còn những thắc mắc nào cần được giải đáp. Hãy liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.