Cầm cố tài sản là gì? Có những hình thức cầm cố tài sản nào? Hiệu lực và thời hạn cầm cố tài sản như thế nào? Tất cả sẽ được Luật Nguyễn Hưng giải đáp cụ thể trong bài viết sau đây.
Cầm cố tài sản là gì?
Căn cứ Điều 309 Bộ luật dân sự 2015 thì cầm cố tài sản được hiểu như sau: Cầm cố tài sản là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, theo đó bên có nghĩa vụ giao tài sản là động sản thuộc sở hữu của mình cho bên có quyền và các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản (nếu có) để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Ví dụ về cầm cố tài sản:
Cô X cầm cố 1 chiếc xe ô tô cho dịch vụ cầm đồ Y để lấy 200 triệu đồng.
Anh A vay chị B 50 triệu đồng, do không trả được nợ mà đã quá hạn, anh A cầm cố chiếc xe SH của mình cho chị B để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Xem thêm: Thế chấp tài sản là gì?
Quy định chung về cầm cố tài sản
Việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính.
Cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố, thời hạn cầm cố tài sản do các bên thỏa thuận.Trong trường hợp không có thoả thuận thì thời hạn cầm cố được tính cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố.
Sau khi nhận chuyển giao tài sản cầm cố, bên nhận cầm cố trực tiếp giữ tài sản hoặc uỷ quyền cho người thứ ba giữ tài sản; trường hợp uỷ quyền cho người thứ ba giữ tài sản thì bên nhận cầm cố vẫn phải chịu trách nhiệm trước bên cầm cố về việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Dân sự năm 2015 và nghĩa vụ khác theo thoả thuận với bên cầm cố.
Xem thêm: Cầm giữ tài sản là gì?
Có những hình thức của cầm cố tài sản nào?
Theo Điều 310 BLDS có thể hiểu, nếu cầm cố tài sản là động sản thì có thể bằng hình thức miệng hoặc hình thức văn bản, còn trường hợp cầm cố bất động sản thì bắt buộc phải bằng văn bản. Văn bản cầm cố không nhất thiết phải công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định.
Cầm cố tài sản là động sản có thể hình thức miệng hoặc hình thức văn bản.
Đối tượng của cầm cố tài sản
Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Đối tượng của cầm cố tài sản là các loại tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Mặc dù pháp luật hiện hành không có quy định về tài sản cầm cố nhưng xét theo bản chất của cầm cố là việc bên cầm cố phải giao tài sản cho bên nhận cầm cố giữ nên tài sản cầm cố chỉ có thể là vật có sẵn vào thời điểm giao dịch cầm cố được xác lập. Giấy tờ có giá chỉ có thể là tài sản cầm cố nếu bản thân giấy tờ đó là một loại tài sản.
Vật dùng để cầm cố có thể là động sản hoặc bất động sản (nếu pháp luật có quy định) nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Vật cầm cố phải thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố.
– Vật cầm cố phải là vật được phép chuyển giao.
Thứ nhất, vật cầm cố phải thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố
Khi người có nghĩa vụ giao tài sản cầm cố cho người có quyền, từ thời điểm đó họ bị hạn chế một số quyền năng đối với tài sản của mình. Bên nhận cầm cố chiếm hữu tài sản đó đồng thời có quyền định đoạt nó khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên cầm cố không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ (nếu có thỏa thuận).
Vì vậy, tài sản là đối tượng của cầm cố phải thuộc sở hữu của người cầm cố. Nếu tài sản thuộc sở hữu chung của nhiều người thì việc cầm cố tài sản đó phải được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu.
Thứ hai, vật cầm cố phải là vật được phép chuyển giao
Khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp cầm cố đến thời hạn mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ thì bên cầm cố được quyền bán tài sản cầm cố. Tuy nhiên, bên cầm cố chỉ có thể bán tài sản nếu tài sản đó là tài sản được phép chuyển giao trong giao dịch dân sự. Vì vậy, nếu tài sản cầm cố là tài sản mà pháp luật cấm giao dịch thì không chỉ giao dịch cầm cố đó vô hiệu mà người nhận cầm cố còn không thể xử lý được tài sản đó.
Chủ thể của cầm cổ tài sản
Bên cầm cố
Bên cầm cố là bên phải giao tài sản để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Thông thường, bên cầm cố là bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp cầm cố đó. Chẳng hạn, B giao tài sản của mình cho A giữ để vay tiền của A. Trong nhiều trường hợp khác người cầm cố có thể là người thứ ba. Người thứ ba cầm cố tài sản là người không thuộc các bên chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm giao tài sản của mình cho bên có quyền để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ đó. Chẳng hạn, C giao tài sản của mình cho A để bảo đảm việc B trả khoản tiền mà B đã vay của A.
Bên nhận cầm cố
Bên nhận cầm cố là bên nhận tài sản từ bên cầm cố để bảo đảm cho quyền và lợi ích của mình trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố bao giờ cũng là bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp cầm cố đó.
Hiệu lực và thời hạn của cầm cố tài sản
Hợp đồng cầm cố có hiệu lực đối với các bên trong hợp đồng từ thời điểm giao kết và có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố. Trong trường hợp tài sản cầm cố là bất động sản và việc cầm cố được đăng ký giao dịch bảo đảm thì có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
Thời hạn cầm cố tài sản do các bên thỏa thuận. Nếu các bên không có thoả thuận thì thời hạn cầm cố tài sản được tính từ thời điểm bên cầm cố nhận tài sản cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố.
Trên đây là nội dung chia sẻ của về “Cầm cố tài sản là gì? Có những hình thức của cầm cố tài sản nào?“. Hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích dành cho bạn. Trong quá trình tìm hiểu thông tin, nếu bạn còn những thắc mắc nào cần được giải đáp. Hãy liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.