Pháp luật là gì? Bản chất pháp luật như thế nào? Pháp luật có những đặc trưng cơ bản nào? Các hình thức thực hiện pháp luật hiện nay ra sao? Tất cả sẽ được Luật Nguyễn Hưng giải đáp cụ thể trong bài viết sau đây.
Pháp luật là gì?
Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo mục đích, định hướng của nhà nước. Cụ thể, định nghĩa về pháp luật gồm các yếu tố sau:
– Pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc chấp nhận đối với những tập quán ban đầu có sẵn.
– Là hệ thống các quy tắc xử sự chung, được áp dụng với quy mô cả nước, đối với mọi chủ thể trong xã hội.
– Pháp luật mang tính bắt buộc áp dụng, bởi vậy các chủ thể sẽ không có quyền thực hiện hay không thực hiện pháp luật.
– Nội dung của pháp luật thể hiện ý chí, bản chất của giai cấp thống trị.
Nói chung, pháp luật là các quy tắc xử sự bắt buộc được đặt ra cho toàn xã hội.
Bản chất pháp luật
Hệ thống pháp luật của quốc gia nào cũng mang hai bản chất cơ bản của pháp luật là tính giai cấp và tính xã hội:
Tính giai cấp của pháp luật:
Pháp luật sẽ phản ánh ý chí nhà nước của giai cấp thống trị, nội dung của ý chí do được quy định bởi điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp thống trị. Nhờ nằm trong tay quyền lực nhà nước, giai cấp thông trị đã thông qua nhà nước để thể hiện ý chí của giai các minh một cách tập trung thống nhất, hợp pháp hoa ý chí của nhà nước, được nhà nước bảo hộ thực hiện bằng sức mạnh của nhà nuoc
Ngoài ra, tính giai cấp của pháp luật còn được thể hiện ở các điều sau:
- Tính giai cấp của pháp luật còn thể hiện ở mục đích điều chỉnh của pháp luật.
- Mục đích của pháp luật trước hết nhằm điều chỉnh quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội
- Pháp luật là nhân tố để điều chỉnh về mặt giai cấp các quan hệ xã hội nhằm hướng các quan hệ xã hội phát triển theo một trật tự phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị, bảo vệ củng cố địa vị của giai cấp thống trị với ý nghĩa đó pháp luật luôn là công cụ để thực hiện sự thống trị giai cấp.
Tính xã hội của pháp luật:
Tính xã hội của pháp luật được thể hiện qua thực tiễn pháp luật là kết quả của sự “chọn lọc tự nhiên” trong xã hội. Các quy phạm pháp luật mặc dù do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, tuy nhiên chỉ những quy phạm nào phù hợp với thực tiễn mới được thực tiễn giữ lại thông qua nhà nước, đó là những quy phạm hợp lý “khách quan được số đông trong xã hội chấp nhận phù hợp với lợi ích của đa số trong xã hội.
Các đặc trưng cơ bản của pháp luật
Nhìn tổng quan, pháp luật có những đặc trưng sau:
Pháp luật có tính quyền lực nhà nước
Pháp luật do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện. Nói một cách khác, pháp luật được hình thành và phát triển bằng con đường nhà nước chứ không thể bằng bất kỳ một con đường nào khác. Với tư cách của mình, nhà nước là một tổ chức hợp pháp, công khai và có quyền lực bao trùm loàn xã hội. Vì vậy, khi pháp luật được nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, nó sẽ có sức mạnh của quyền lực nhà nước và có thể tác động đến tất cả mọi người. Đặc trưng này chỉ có ở pháp luật. Các loại quy tắc xử sự khác chỉ có thể tác động trong một phạm vi hẹp, dưới những phương thức “nhẹ nhàng” hơn và được bảo đảm bằng dư luận xã hội, chứ không phải bằng quyền lực nhà nước như đối với pháp luật (trừ những trường hợp đặc biệt được nhà nước quan tâm).
Pháp luật có tính quy phạm phổ biến
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự đó là những khuôn mẫu, những mực thước được xác định cụ thể, không trừu tượng, chung chung. Tính quy phạm của pháp luật nói lên giới hạn cần thiết mà nhà nước quy định để mọi người (chủ thể) có thể xử sự một cách tự do trong khuôn khổ cho phép. Vượt quá giới hạn đó là trái luật. Giới hạn đó được xác định ở nhiều khía cạnh khác nhau như cho phép, cấm đoán, bắt buộc…
Về nguyên tắc, pháp luật phải cụ thể, khuôn phép, mực thước, không thể lạm dụng hoặc tùy tiện. Vì vậy, nói đến pháp luật suy cho cùng là phải xét đến các quy phạm cụ thể. Nếu không có quy phạm pháp luật được đặt ra thì cũng không thể quy kết một hành vi nào là vi phạm, là trái pháp luật. Những nguyên tắc: “Mọi người được làm tất cả mọi việc trừ những điều mà pháp luật nghiêm cấm”, “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” được hình thành là dựa trên cơ sở của đặc trưng về tính quy phạm của pháp luật. Chính đặc trưng cơ bản này đã làm cho pháp luật ngày càng có “tính trội”, hơn hẳn đối với các loại quy phạm xã hội trong xã hội văn minh, hiện đại.
Pháp luật có tính hệ thống
Bản thân pháp luật là một hệ thống các quy phạm hay các quy tắc xử sự chung, các nguyên tắc, các khái niệm pháp lý… Pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội bằng cách tác động lên cách xử sự của các chủ thể tham gia quan hệ xã hội đó, làm cho quan hệ phát triển theo chiều hướng nhà nước mong muốn. Mặc dù điều chỉnh các quan hệ xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau, song các quy định của pháp luật không tồn tại biệt lập mà giữa chúng có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau, tạo nên một chỉnh thể thống nhất.
Pháp luật có tính xác định về hình thức
Pháp luật được thể hiện trong những hình thức xác định như tập quán pháp, tiền lệ pháp, văn bản quy phạm pháp luật. Ở dạng thành văn, các quy định của pháp luật được thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể, không trừu tượng, chung chung, bảo đảm có thể được hiểu và thực hiện thống nhất trên toàn xã hội.
Ngày nay, sự giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, sự tác động qua lại, ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng lớn. Để điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế cũng cần có pháp luật, gọi là pháp luật quốc tế. Pháp luật quốc tế được hiểu là hệ thống quy phạm do các quốc gia, các tổ chức quốc tế thỏa thuận xây dựng nên để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống quốc tế. Bên cạnh những điểm tương đồng với pháp luật quốc gia, pháp luật quốc tế có những nét đặc thù riêng.
Các hình thức thực hiện pháp luật hiện nay
Thực hiện pháp luật là hành vi của chủ thể (hành động hoặc không hành động) được tiến hành phù hợp với quy định, với yêu cầu của pháp luật, tức là không trái, không vượt quá khuôn khổ mà pháp luật đã quy định.
Sử dụng pháp luật
Sử dụng pháp luật là hình thức các chủ thể thực hiện pháp luật sử dụng các quyền mà pháp luật cho phép. Đây là hình thức thực hiện pháp luật chủ động và tích cực bằng các hành vi cụ thể của các chủ thể quan hệ pháp luật.
Việc sử dụng pháp luật không mang tính bắt buộc thực hiện và phụ thuộc vào ý chí, sự lựa chọn của từng chủ thể do hình thức thực hiện pháp luật này là việc sử dụng các quyền năng pháp lý được pháp luật trao quyền, nên các chủ thể quan hệ pháp luật có quyền thực hiện hoặc không thực hiện các quyền của mình, pháp luật không bắt buộc các chủ thể phải thực hiện như hai hình thức tuân thủ pháp luật và thi hành pháp luật.
Ví dụ: Nguyên đơn A dùng quyền khởi kiện bị đơn B yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng đất vì thấy quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm.
Tuân thủ pháp luật
Tuân thủ pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật một cách thụ động, thể hiện ở sự kiểm chế của chủ thể để không vi phạm các quy định cấm đoán của pháp luật.
Ví dụ: uống rượu thì không lái xe, không sử dụng chất ma túy, không gây rối trật tự công cộng,..
Thi hành pháp luật
Thi hành pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật một cách chủ động. Chủ thể pháp luật phải thực hiện một thao tác nhất định mới có thể thực hiện pháp luật được.
Ví dụ: đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, thực hiện báo cáo thuế, đóng thuế đầy đủ, đúng thời hạn,..
Áp dụng pháp luật
Áp dụng pháp luật là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa trên các quy định của pháp luật để giải quyết, xử lí những vấn để cụ thể thuộc trách nhiệm của mình.
Ví dụ: Quyết định xử phạt hành chính của Trưởng Công an quận X đối với ông A vi phạm pháp luật giao thông, quyết định của chủ tịch tỉnh Y bổ nhiệm ông X làm hó giám đốc sở tư pháp.
Dưới góc độ khoa học pháp lí, chỉ những xử sự phù hợp với những quy định của pháp luật, được tiến hành bởi những chủ thể có đủ khả năng nhận thức được yêu cầu của pháp luật, có khả năng tự mình xác lập, thực hiện hành vi do pháp luật quy định… thì mới được coi là biểu hiện thực tế của việc thực hiện pháp luật.
Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Nguyễn Hưng về vấn đề “Pháp luật là gì? Các hình thức thực hiện pháp luật hiện nay”. Hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích dành cho bạn. Trong quá trình tìm hiểu thông tin, nếu bạn còn những thắc mắc nào cần được giải đáp. Hãy liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.