Theo quy định của pháp luật thì Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế (Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết). Do đó, người lập di chúc thường băn khoăn về việc có thể gửi giữ di chúc ở đâu, như thế nào để thuận tiện cho việc công bố di chúc sau này. Về vấn đề này pháp luật quy định cụ thể ra sao, hãy xem ngay bài tư vấn dưới đây của Luật Nguyễn Hưng nhé!
Gửi giữ di chúc ở đâu?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 641 Bộ luật Dân sự thì Người lập di chúc có 02 cách để gửi giữ di chúc:
– Yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng lưu giữ;
– Gửi người khác giữ bản di chúc.
Di chúc được lưu giữ trong bao lâu?
Pháp luật không quy định cụ thể về thời gian lưu giữ di chúc.
Tuy nhiên di chúc có hiệu lực từ thời điểm người để lại di chúc chết. Do đó, người giữ di chúc có thể lưu giữ di chúc đến khi công bố di chúc theo quy định của pháp luật.
Người giữ bản di chúc có nghĩa vụ như thế nào?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, Người giữ bản di chúc có nghĩa vụ sau đây:
– Giữ bí mật nội dung di chúc;
– Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc;
– Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của ít nhất hai người làm chứng.
Thủ tục thực hiện nhận lưu giữ di chúc của tổ chức hành nghề công chứng
Hồ sơ nhận lưu giữ di chúc
Người có yêu cầu cần chuẩn bị các hồ sơ sau:
– Bản chính di chúc cần lưu giữ;
– Bản sao y giấy tờ tùy thân (CMND/CCCD/Hộ chiếu);
– Phiếu yêu cầu lưu giữ di chúc (Mẫu phiếu có sẵn ở tổ chức hành nghề công chứng).
Trình tự các bước thực hiện
Lưu giữ di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng được thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người yêu cầu lưu giữ di chúc nộp bộ hồ sơ quy định tại mục 4.1 nêu trên cho công chứng viên tại tổ chức hành nghề công chứng.
Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ của di chúc và tiến hành niêm phong bản di chúc trước mặt người lập di chúc.
Bước 3: Ký giấy chứng nhận lưu giữ di chúc và Trả kết quả
Sau khi hoàn thành bước 1 và bước 2 nêu trên, Công chứng viên ghi giấy lưu giữ và giao cho người lập di chúc.
>> Xem thêm: Quyền của người lập di chúc là gì theo pháp luật hiện hành?
Cách thức thực hiện nhận lưu giữ di chúc đối với trường hợp không thể đến tổ chức hành nghề công chứng.
Căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng quy định: Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Như vậy, trường hợp tình trạng sức khỏe hoặc một vài lý do khác mà cá nhân không tự mình đến tổ chức hành nghề công chứng để yêu cầu lưu giữ di chúc thì có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện thủ tục lưu giữ di chúc ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật.
Bài viết trên là nội dung mà Luật Nguyễn Hưng muốn chia sẻ về vấn đề “Gửi giữ di chúc được pháp luật quy định như thế nào?“. Hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin và kinh nghiệm hữu ích dành cho bạn. Trong quá trình tìm hiểu thông tin, nếu bạn còn những thắc mắc nào cần được giải đáp. Hãy liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.