Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu được quy định thế nào tại điều 383 Bộ luật Hình sự? Dấu hiệu pháp lý và các khung hình phạt chi tiết ra sao? Luật Nguyễn Hưng sẽ giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.
Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu được quy định thế nào tại điều 383 Bộ luật Hình sự?
Từ chối khai báo được hiểu là hành vi của người làm chứng, người bị hại trong vụ án hình sự đã không đồng ý thực hiện nghĩa vụ khai báo trước cơ quan tiến hành tố tụng hoặc trốn tránh để không thực hiện việc khai báo đó.
Từ chối kết luận giám định được hiểu là hành vi của người giám định đã không đồng ý tiến hành việc giám định hoặc trốn tránh thực hiện việc giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Từ chối cung cấp tài liệu được hiểu là hành vi không đồng ý chuyển giao tài liệu cho các cơ quan tiến hành tố tụng theo yêu cầu của các cơ quan đó.
Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu được quy định tại Điều 383 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:
“Điều 383. Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu
Người làm chứng nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
>> Xem thêm: Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối (điều 382)
Các dấu hiệu pháp lý của tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu
Các yếu tố cấu thành tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu:
Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu là hành vi xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Mặt khách quan
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng.
Hành vi từ chối khai báo là hành vi có thể là im lặng (không hành động), nhưng cũng có thể bằng lời nói, bằng những biểu hiện khước từ việc khai báo về những tình tiết của vụ án. Tài liệu mà người có trách nhiệm phải cung cấp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm các giấy tờ, đồ vật liên quan đến việc xác định sự thật của vụ án.
Hành vi từ chối cung cấp tài liệu là hành vi của người có trách nhiệm trong các cơ quan, tổ chức hoặc của cá nhân đang lưu giữ tài liệu có liên quan đến việc chứng minh sự thật vụ án mà cố tình không giao nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng. Hiện nay tình trạng từ chối cung cấp tài liệu đối với một số người có trách nhiệm trong các cơ quan tổ chức xảy ra khá phổ biến, họ lấy lý do đó là tài liệu mật hoặc theo quy định của ngành; mặt khác Nhà nước cũng chưa có quy định hoặc hướng dẫn việc cung cấp tài liệu cho các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện như thế nào, nên việc xác định hành vi từ chối cung cấp tài liệu có thuộc trường hợp là tội phạm hay không gặp nhiều khó khăn.
Đối với người giám định đã trốn tránh việc kết luận giám định như: cáo bệnh, lấy cớ đi công tác, đi nước ngoài hoặc tạo ra những nguyên cớ để không phải thực hiện việc giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Hậu quả của hành vi từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm hành vi khách quan của tội phạm xảy ra.
Chủ thể của tội phạm
Chỉ có người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp.
Các khung hình phạt của tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu
Điều 383 Bộ luật Hình sự quy định 01 khung hình phạt và 01 hình phạt bổ sung đối với người phạm tội như sau:
Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với người làm chứng nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật Hình sự, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nguyễn Hưng về “Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu“. Trong quá trình tìm hiểu thông tin, nếu bạn còn những thắc mắc nào cần được giải đáp. Hãy liên hệ Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ Luật sư.