090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Ai được mua nhà ở xã hội, điều kiện thủ tục như thế nào?

Nhà ở xã hội là gì? Tiêu chuẩn của nhà ở xã hội được quy định như thế nào? Ai được mua nhà ở xã hội? Nếu bạn đang cần tìm hiểu các thông tin về điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện vay mua nhà ở xã hội; thời gian chuyển nhượng, mua bán nhà ở xã hội. Hãy xem ngay bài viết sau đây của Luật Nguyễn Hưng để có thêm thông tin tham khảo nhé!

Nhà ở xã hội là gì?

Tại khoản 7 Điều 3 Luật Nhà ở có định nghĩa “Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật này.”

Tiêu chuẩn của nhà ở xã hội được quy định như thế nào?

Đối với nhà chung cư

Nhà ở xã hội là chung cư thì phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định về kiểu dáng thiết kế, diện tích tối thiểu và tối đa, bên cạnh đó còn phải phù hợp với quy hoạch xây dựng. Cụ thể tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP và sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định về loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội như sau:

“Nhà ở xã hội là chung cư thì căn hộ phải được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn diện tích mỗi căn hộ tối thiểu là 25m2 sàn, tối đa là 70m2 sàn,  đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư dự án được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần so với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành do cơ quan có thẩm quyền ban hành;

Căn cứ vào tình hình cụ thể tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được điều chỉnh tăng tiêu chuẩn diện tích căn hộ tối đa, nhưng mức tăng không quá 10% so với diện tích căn hộ tối đa là 70 m2 và bảo đảm tỷ lệ số căn hộ trong dự án xây dựng nhà ở xã hội có diện tích sàn trên 70 m2 không quá 10% tổng số căn hộ nhà ở xã hội trong dự án.”

>> Xem thêm: Thời hạn chung cư là bao lâu? Hết niên hạn có mất nhà chung cư?

Ai được mua nhà ở xã hội, điều kiện thủ tục như thế nào?
Ai được mua nhà ở xã hội, điều kiện thủ tục như thế nào?

Đối với nhà liền kề thấp tầng

Nhà ở xã hội là nhà liền kề thấp tầng cũng được quy định về diện tích tối đa và phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP và sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định về loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội như sau:

“Trường hợp nhà ở xã hội là nhà liền kề thấp tầng thì tiêu chuẩn diện tích đất xây dựng của mỗi căn nhà không vượt quá 70m2, hệ số sử dụng đất không vượt quá 2,0 lần và phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

Trường hợp dự án xây dựng nhà ở xã hội liền kề thấp tầng thì phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Đối với dự án xây dựng nhà ở xã hội tại các đô thị loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo và xin ý kiến Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định chủ trương đầu tư.”

Ai được mua nhà ở xã hội?

Có 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, gồm:

– Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;

– Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;

– Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;

– Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;

– Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;

– Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;

– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

– Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật nhà ở;

– Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;

– Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Các đối tượng trên cũng cần phải đáp ứng điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội thì mới được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

– Đối với trường hợp hỗ trợ giải quyết cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội theo khoản 1 Điều 50 Luật nhà ở thì phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập theo quy định sau:

+ Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực;

+  Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này, trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 49 của Luật nhà ở;

+ Đối với đối tượng quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật này thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với đối tượng quy định tại các khoản 1, 8, 9 và 10 Điều 49 của Luật nhà ở thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập theo quy định tại điểm này.

– Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 50 của Luật nhà ở thì phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu về nhà ở tương ứng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 50 của Luật nhà ở thì phải đáp ứng điều kiện về nhà ở, cư trú theo quy định sau đây:

+ Có đất ở nhưng chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng nhà ở bị hư hỏng, dột nát;

+ Có đăng ký thường trú tại địa phương nơi có đất ở, nhà ở cần phải xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa.

Đối tượng và điều kiện vay mua nhà ở xã hội

– Các đối tượng được hỗ trợ vay để mua nhà ở xã hội gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

– Để được vay ưu đãi thì các đối tượng trên phải thỏa mãn các điều kiện sau: Có đất ở nhưng chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng nhà ở bị hư hỏng, dột nát; Có đăng ký thường trú tại địa phương nơi có đất ở, nhà ở cần phải xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa; Ngoài ra, khi thực hiện mua nhà ở xã hội, công dân phải thanh toán lần đầu 20% giá trị căn nhà, đối với các lao động thu nhập thấp được miễn trừ thuế thu nhập thì cần thêm giấy công nhận đạt chuẩn nghèo từ Thủ tướng Chính phủ,….

Thời gian chuyển nhượng, mua bán nhà ở xã hội

Căn cứ khoản 4, 5 Điều 62 Luật nhà ở quy định về nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội thì nhà ở xã hội được chuyển nhượng lại sau 05 năm và thời điể sau 05 năm được xác định kể từ thời điểm thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và được cấp Giấy chứng nhận, kèm theo phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế.

Những rủi ro khi lách luật mua nhà ở xã hội trái phép

Có nhiều trường hợp chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng nhà ở xã hội mà các cá nhân thực hiện “lách luật” để chuyển nhượng thông qua các hình thức hợp đồng ủy quyền, di chúc, vi bằng,….người mua sẽ gặp nhiều rủi ro khi xảy ra tranh chấp, có thể bị mất tiền cọc vì các hình thức hợp đồng trên không phải là giao dịch đảm bảo. Trường hợp bị cơ quan chứng năng phát hiện có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Nguyễn Hưng về những vấn đề liên quan tới nhà ở xã hội. Hy vọng bài viết mang lại những thông tin hữu ích dành cho bạn. Trong quá trình tìm hiểu thông tin, nếu bạn còn những thắc mắc nào cần được giải đáp. Hãy liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ Luật sư.

Đánh giá

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00