Án lệ là gì? Giá trị pháp lý của án lệ được áp dụng trong hoạt động xét xử như thế nào? Quy trình hình thành và bãi bỏ của án lệ ra sao? Có tất cả bao nhiêu án lệ đã được công bố đang có hiệu lực hiện nay? Xem hết bài viết dưới đây của Luật Nguyễn Hưng để hiểu rõ hơn nhé.
Án lệ là gì?
Án lệ có thể hiểu đơn giản là vụ án đã được giải quyết xong, được chọn làm căn cứ để giải quyết, xét xử các vụ án sau, nếu có những sự kiện hoặc vấn đề pháp lý tương tự. Tại Việt Nam, trước đây án lệ không được xem là nguồn để giải quyết vụ án , nhưng những năm gần đây án lệ đã dần được đưa vào quá trình xét xử.
Tại Điều 1 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP giải thích án lệ như sau:
Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.
Xem thêm: Án treo là gì?
Giá trị pháp lý của án lệ
Trong quá trình xét xử, trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo luật định thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng.
Văn bản luật mang tính ổn định cao, không thể thay đổi trong thời gian ngắn nhưng xã hội thì ngày càng phát triển và luôn luôn đổi mới. Dẫn đến các sự việc, sự vật, các mối quan hệ xã hội mới xuất hiện nhưng chưa có điều chỉnh của luật.
Án lệ được áp dụng trong xét xử để giải quyết sự thiếu hụt của văn bản pháp luật một cách kịp thời, mang tính khách quan, công bằng. Để được công nhận là một án lệ thì bản án, quyết định phải có hiệu lực pháp luật và được lấy ý kiến theo luật định, án lệ là kết quả của quá trình đề xuất, xem xét lâu dài cân nhắc của các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền, được đăng công khai để các Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, nhà khoa học thực tiễn,… tham gia ý kiến.
Án lệ được áp dụng trong hoạt động xét xử như thế nào?
Thời gian được phép áp dụng án lệ
Án lệ sau khi được thông qua bởi kết quả biểu quyết của Hội đồng Thẩm phán thì sẽ được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố bằng việc ban hành quyết định công bố án lệ.
Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.
Nguyên tắc áp dụng án lệ
Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.
Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.
Cơ sở pháp lý về áp dụng án lệ
– Nghị quyết 04/2019/ND-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
– Văn bản được hướng dẫn: Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014.
– Văn bản được căn cứ: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Quy trình hình thành án lệ
Án lệ được hình thành theo các bước được quy định tại Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP như sau:
Đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ (Điều 3)
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.
- Các Tòa án có trách nhiệm tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này và gửi cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.
Lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ (Điều 4)
- Bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, cá nhân, cơ quan, tổ chức quan tâm tham gia ý kiến, trừ trường hợp hướng dẫn tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết này.
- Ý kiến góp ý được gửi về Tòa án nhân dân tối cao. Thời gian lấy ý kiến góp ý là 30 ngày kể từ ngày đăng tải.
- Trên cơ sở kết quả lấy ý kiến rộng rãi đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ. Việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 của Nghị quyết này.
Thành lập Hội đồng tư vấn án lệ và lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ (Điều 5)
- Hội đồng tư vấn án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thành lập gồm có ít nhất 09 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao, 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao, các thành viên khác là đại diện Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia về pháp luật và 01 đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao (đồng thời là Thư ký Hội đồng).
- Trường hợp tư vấn án lệ về hình sự thì thành phần của Hội đồng tư vấn án lệ phải có đại diện Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Hội đồng tư vấn án lệ có trách nhiệm thảo luận cho ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ.
- Việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ được thực hiện thông qua phiên họp thảo luận trực tiếp hoặc bằng văn bản. Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ quyết định phương thức lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kết quả tư vấn.
Thông qua án lệ (Điều 6)
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ.
Án lệ được xem xét thông qua khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Được phát triển từ bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và đã được lấy ý kiến theo hướng dẫn tại Điều 4 và Điều 5 của Nghị quyết này;
b) Được Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đề xuất;
c) Được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất;
d) Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Phiên họp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.
Kết quả biểu quyết phải được ghi vào biên bản phiên họp lựa chọn, thông qua án lệ của Hội đồng Thẩm phán và là căn cứ để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố án lệ.
Công bố án lệ (Điều 7)
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành quyết định công bố án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua.
Nội dung công bố bao gồm:
a) Số, tên án lệ;
b) Số, tên bản án, quyết định của Tòa án có nội dung được phát triển thành án lệ;
c) Tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý của án lệ;
d) Quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ;
đ) Từ khóa về những tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ;
e) Các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Tòa án có liên quan đến án lệ;
g) Nội dung của án lệ.
Án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Tòa án, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và được đưa vào Tuyển tập án lệ để xuất bản.
Quy trình bãi bỏ án lệ
Án lệ bị bãi bỏ trong các trường hợp:
– Bị bãi bỏ đương nhiên trong trường hợp án lệ không còn phù hợp do có sự thay đổi của pháp luật.
– Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định, việc bãi bỏ án lệ khi án lệ không còn phù hợp do chuyển biến tình hình; bản án, quyết định có nội dung được lựa chọn phát triển thành án lệ bị hủy, sửa toàn bộ hoặc phần liên quan đến án lệ.
Thủ tục bãi bỏ án lệ được quy định tại Điều 10 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP như sau:
Thủ tục bãi bỏ án lệ
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức, Tòa án kiến nghị với Tòa án nhân dân tối cao xem xét việc bãi bỏ án lệ khi phát hiện án lệ thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết này.
- Tòa án đã hủy, sửa bản án, quyết định thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết này phải gửi báo cáo kèm theo quyết định đã hủy, sửa về Tòa án nhân dân tối cao để xem xét việc bãi bỏ án lệ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, báo cáo theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Điều này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét việc bãi bỏ án lệ.
- Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao họp biểu quyết thông qua việc bãi bỏ án lệ theo nguyên tắc hướng dẫn tại khoản 3 Điều 6 của Nghị quyết này.
- Trên cơ sở kết quả biểu quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành thông báo bãi bỏ án lệ, trong đó xác định rõ thời điểm án lệ bị bãi bỏ. Thông báo bãi bỏ án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Tòa án, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư hình sự uy tín tại TPHCM
Danh mục 52 án lệ đã được công bố hiện nay
Án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Tòa án, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và được đưa vào Tuyển tập án lệ để xuất bản.
Tổng số án lệ đang có hiệu lực là 52 án lệ, trong đó:
– Dân sự: 27 án lệ.
– Hình sự: 10 án lệ.
– Hôn nhân và gia đình: 01 án lệ.
– Kinh doanh, thương mại: 10 án lệ.
– Lao động: 01 án lệ.
– Hành chính: 03 án lệ.
Tóm lại, án lệ Án lệ có thể hiểu đơn giản là vụ án đã được giải quyết xong, được chọn làm căn cứ để giải quyết, xét xử các vụ án sau, nếu có những sự kiện hoặc vấn đề pháp lý tương tự. Vì vậy vai trò của án lệ trong hoạt động xét xử là hết sức quan trọng. Hy vọng qua bài viết này của Luật Nguyễn Hưng quý đọc giả đã hiểu hơn khái niệm về án lệ.