Chỉ thị là gì, thẩm quyền ban hành là ai? Một chỉ thị có hiệu lực và chấm dứt hiệu lực khi nào? Chỉ thị có phải là văn bản quy phạm pháp luật không? Hãy cùng Luật Nguyễn Hưng đi giải đáp các vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Chỉ thị là gì?
Chỉ thị là văn bản thể hiện lệnh cấp trên truyền đạt xuống cho cấp dưới thực hiện, chỉ thị thường được dùng trong hoạt động quản lý nhà nước, tùy vào chủ thể ban hành, mục đích ban hành mà nội dung sẽ khác nhau.
Chỉ thị được dùng để làm gì?
Chỉ thị được dùng để tuyên truyền, phổ biến hay thực hiện các văn bản của cấp trên, đưa ra các biện pháp thực hiện hay được dùng để chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho cấp dưới, đôn đốc cấp dưới thực hiện công việc.
Chỉ thị được ban hành bởi ai?
Hiện nay, không có văn bản quy định cụ thể về chủ thể ban hành chỉ thị, nhưng có thể thấy ở thực tế thì chỉ thị được ban hành bởi: Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân các cấp. Chỉ thị được ban hành để chỉ đạo, điều hành các hoạt động của nhà nước.
Chỉ thị có phải là văn bản quy phạm pháp luật không?
Căn cứ vào Điều 4 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì chỉ thị không có trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay và tại khoản 2 Điều 14 luật này cũng quy định cấm “ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 của luật này nhưng có chứa quy phạm pháp luật”
Do đó có thể khẳng định, hiện nay Chỉ thị không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ thị chỉ là một văn bản có hình thức giống với văn bản quy phạm pháp luật, được ban hành bởi nhiều chủ thể với mục đích quản lý, điều hành, triển khai thực hiện công việc của các cấp, các cơ quan hành chính hoặc một phạm vi nhất định.
Hiệu lực của chỉ thị?
Hiện nay, chưa có văn bản quy định cụ thể về hiệu lực của chỉ thị. Do đó, có thể hiểu hiệu lực của chỉ thị bắt đầu kể từ khi chỉ thị được ban hành bởi chủ thể ban hành và phụ thuộc vào nội dung chỉ thị thể hiện hoặc trên thực tế có thể thấy một số chỉ thị quy định luôn ngày có hiệu lực trên chỉ thị đó.
Một chỉ thị hết hiệu lực khi nào?
Chỉ thị không phải là một văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy hiệu lực của chỉ thị còn phụ thuộc vào nội dung mà nó thể hiện, mối quan hệ cần được điều chỉnh và mục đích chỉ thị hướng đến.
Ví dụ một chỉ thị có nội dung hướng dẫn cụ thể cho một văn bản luật, khi văn bản luật đó hết hiệu lực thì chỉ thị đó cũng sẽ hết giá trị thực hiện.
Nếu chỉ thị được ban hành để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện một hay một số nhiệm vụ có thời hạn nhất định thì khi các nhiệm vụ được hoàn thành cũng là lúc chỉ thị đó hết hiệu lực.
Xem thêm: Quyết định là gì?
Ví dụ về chỉ thị
- Chỉ thị số 16/CT – TTg ngày 14/6/2021 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, chỉ thị về đảm bảo việc làm bên vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
- Chỉ thị số 19/CT – UBND ngày 20/12/2021 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành, chỉ thị về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
- Chỉ thị số 11 – CT/TW ngày 08/12/2021 của Ban chấp hành trung ương, chỉ thị của Ban bí thư về việc tổ chức tết Nhâm dần năm 2022.
- Chỉ thị số 36/CT – TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ thị về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19.
Hy vọng qua bài viết này của Luật Nguyễn Hưng có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn khái niệm về chỉ thị là gì và phân biệt được các loại văn bản quy phạm pháp luật. Mong rằng bài viết mang lại những thông tin hữu ích cho quý đọc giả.