090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Gải đáp nhanh các câu hỏi về tố tụng hình sự và bào chữa án hình sự

Luật sư bào chữa cho ai?

Theo Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.”

Người bào chữa có thể là: Luật sư, Người đại diện của người bị buộc tội, Bào chữa viên nhân dân, Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Theo quy định trên, Luật sư là một trong những người pháp luật cho phép tham gia bào chữa cho người bị buộc tội.

Theo điểm đ khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giam, bị can, bị cáo.

Như vậy, theo quy định pháp luật tố tụng hình sự, Luật sư được quyền bào chữa cho người bị bắt, người bị tạm giam, bị can, bị cáo. Tùy thời điểm phát hiện hành vi phạm tội, bị tố giác, người bị buộc tội sẽ có những tư cách khác nhau khi tham gia tố tụng.

Luật sư bào chữa có nhiệm vụ gì?

Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý. Theo Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì không ai được xem là người phạm tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, khi tham gia tố tụng để bào chữa cho người bị buộc tội, Luật sư vận dụng kỹ năng nghề nghiệp và các quy định pháp luật tố tụng hình sự (về quyền và nghĩa vụ của Luật sư) để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội như sau:

  • Thu thập chứng cứ tài liệu và đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản.
  • Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội.
  • Nghiên cứu hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ đó đưa ra luận cứ vững chắc nhằm bảo vệ người bị buộc tội.
  • Kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng để phát hiện các sai phạm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ của người bị buộc tội, từ đó có các biện pháp phù hợp để ngăn chặn.
  • Góp phần xác định, bảo vệ sự thật khách quan của vụ án.

Đối với các trường hợp người bị buộc tội mà có căn cứ bị kết án là người phạm tội nhưng có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì Luật sư bào chữa sẽ lập luận và cung cấp chứng cứ chứng minh theo quy định pháp luật.

Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Luật sư được tham gia tố tụng khi nào?

Theo Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì thời điểm Luật sư tham gia tố tụng để bào chữa được pháp luật quy định như sau:

  • Khi bị can bị khởi tố;
  • Trường hợp chưa bị khởi tố nhưng bị bắt, tạm giữ: Khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
  • Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia: Khi kết thúc điều tra.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội về quyền được nhờ Luật sư bào chữa khi rơi vào các trường hợp nêu trên.

Người bị buộc tội được coi là có tội khi nào?

Theo Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Người bị buộc tội được coi là có tội khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Theo quy định tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Luật sư biện hộ là gì?

Trong các văn bản quy phạm pháp luật không đề cập hay định nghĩa về “Luật sư biện hộ”. Luật sư biện hộ là tên gọi bắt nguồn từ các nước Châu Âu (nước Anh) khi pháp luật quốc gia quy định Luật sư được chia thành Luật sư biện hộ (Barrister) và Luật sư tư vấn (Solicitor) khi hành nghề.

Luật sư biện hộ là người tranh tụng tại phiên tòa, được quyền bào chữa cho thân chủ. Luật sư tư vấn chỉ tư vấn, soạn thảo, thực hiện công việc như một cố vấn pháp lý. Luật sư biện hộ không được thực hiện công việc của Luật sư tư vấn và ngược lại. Cụm từ “Luật sư biện hộ” được du nhập vào Việt Nam thông qua sách báo, các bộ phim nước ngoài,… được dịch chuyển ngữ.

Theo từ điển tiếng Việt, biện hộ là việc nêu lí lẽ hoặc chứng cứ nhằm chứng minh một kiến giải hay hành vi nào đó là đúng đắn, và nếu có sai lầm thì mức độ không nghiêm trọng (để bảo vệ người nào đó hoặc tự bảo vệ). Do vậy, tại Việt Nam, Luật sư biện hộ là tên gọi khác để chỉ những Luật sư bào chữa cho người bị buộc tội.

Những ai có quyền bào chữa?

Theo các Điều 4, Điều 16, Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về quyền tự bào chữa của người bị buộc tội, trong trường hợp không tự bào chữa thì tùy trường hợp có thể nhờ những người sau đây bào chữa:

  • Luật sư;
  • Người đại diện của người bị buộc tội;
  • Bào chữa viên nhân dân;
  • Trợ giúp viên pháp lý.

Tại sao cần có luật sư?

Những vụ án hình sự thường có tính chất phức tạp, hình thức xử phạt nặng nề và có tính răn đe cao, liên quan đến danh dự, uy tín và thậm chí là sức khỏe, tính mạng của con người. Việc có luật sư tham gia xuyên suốt quá trình vụ án từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn xét xử sẽ đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội không bị xâm phạm.

Khi tham gia vụ án hình sự, việc nắm rõ quy trình tố tụng cũng như quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng là vô cùng quan trọng bởi vì khi nói đến “hình sự” chúng ta buộc phải nhắc đến việc bị hạn chế một số quyền công dân, quyền con người. Luật sư là người có chuyên môn về pháp luật, giúp bảo vệ và phát huy tối đa các quyền còn lại không bị hạn chế của người bị buộc tội và giải thích cho người bị buộc tội hiểu các quyền bị hạn chế mà người tiến hành tố tụng áp dụng có đúng theo quy định pháp luật hay không.

Bào chữa là gì?

Theo giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam của Trường Đại học luật Hà Nội và các văn bản pháp luật, có thể rút ra các khái niệm bào chữa như sau:

  • Bào chữa là tổng thể các quyền pháp luật quy định cho phép người bị buộc tội sử dụng nhằm bác bỏ một phần hoặc toàn bộ sự buộc tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với họ.
  • Bào chữa còn có thể là công việc do người bị buộc tội và người bào chữa thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật nhằm loại bỏ một phần hoặc toàn bộ sự buộc tội, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người bị buộc tội.
  • Bào chữa là phương diện hoạt động của tố tụng hình sự do người bị buộc tội và người bào chữa thực hiện nhằm bác bỏ một phần hoặc toàn bộ sự buộc tội, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người bị buộc tội.

Biện hộ là gì?

Pháp luật tố tụng hình sự không có định nghĩa “Biện hộ”. Tuy nhiên, theo từ điển tiếng Việt, biện hộ là việc nêu lí lẽ hoặc chứng cứ nhằm chứng minh một kiến giải hay hành vi nào đó là đúng đắn, và nếu có sai lầm thì mức độ không nghiêm trọng (để bảo vệ người nào đó hoặc tự bảo vệ). Biện hộ khi được đề cập trong khoa học pháp lý được thay thế bằng “bào chữa”.

Biện hộ và bào chữa khác nhau như thế nào?

Về ý nghĩa và bản chất thì biện hộ và bào chữa là giống nhau.

Điểm khác nhau: Biện hộ không là từ ngữ được sử dụng trong các văn bản pháp luật, khoa học pháp lý Việt Nam mà được sử dụng trong giao tiếp đời thường. Chỉ khi nghiên cứu, so sánh với pháp luật nước ngoài, cần tôn trọng và dịch sát nghĩa đối với các cụm từ thì “biện hộ” mới được sử dụng.

Người nào không được làm chứng?

Theo khoản 2 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, những người sau đây không được làm chứng:

  • Người bào chữa của người bị buộc tội.
  • Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là gì?

Trong tố tụng hình sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được phân thành hai loại: (1) người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự và (2) người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, theo đó:

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người được bị hại, đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể là:

  • Luật sư;
  • Bào chữa viên nhân dân;
  • Người đại diện;
  • Trợ giúp viên pháp lý;

Cơ sở pháp lý: Điều 55, Điều 83, Điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Luật sư của bị hại gọi là gì?

Luật sư của bị hại được gọi là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, căn cứ Điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Người đại diện của bị hại là ai?

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chỉ có những quy định chung về người đại diện. Do đó, cần căn cứ vào quy định pháp luật dân sự để xác định người đại diện trong tố tụng hình sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền.

Theo Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người đại diện theo pháp luật của cá nhân bao gồm:

  • Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
  • Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
  • Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
  • Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Theo Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền là việc cá nhân ủy quyền cho cá nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch.

Luật sư tham gia tố tụng với tư cách gì?

Luật sư có thể tham gia tố tụng với những tư cách sau:

  • Người bào chữa;
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

Cơ sở pháp lý: Điều 72, Điều 83, Điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Giai đoạn khởi tố vụ án hình sự bắt đầu và kết thúc khi nào?

Giai đoạn khởi tố vụ án hình sự bắt đầu từ khi: (1) cơ quan điều tra/viện kiểm sát có thẩm quyền nhận được tố giác của cá nhân, tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng, kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước hoặc (2) cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc (3) người phạm tội tự thú.

Giai đoạn khởi tố vụ án hình sự kết thúc khi cơ quan có thẩm quyền ban hành một trong ba quyết định sau:

  • Quyết định khởi tố vụ án hình sự.
  • Quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
  • Quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Cơ sở pháp lý: Điều 143, Điều 145, Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Ai được bào chữa cho bị can?

Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

Người bị buộc tội bao gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Do đó, người được bào chữa cho bị can gồm: Luật sư; Người đại diện của người bị buộc tội; Bào chữa viên nhân dân; Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Cơ sở pháp lý: Điều 4, Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Chỉ định người bào chữa là gì?

Chỉ định người bào chữa là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ yêu cầu/đề nghị cơ quan/tổ chức có thẩm quyền cử người tham gia tố tụng để bào chữa cho những trường hợp sau đây nếu họ, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa:

  • Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự 2015 quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
  • Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

Tổ chức có trách nhiệm cử người bào chữa là các tổ chức sau:

  • Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;
  • Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;
  • Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

Cơ sở pháp lý: Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Những người nào có thể trở thành người bào chữa?

Theo Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

Người bào chữa được quy định là những người được liệt kê như sau: Luật sư, Người đại diện của người bị buộc tội, Bào chữa viên nhân dân, Trợ giúp viên pháp lý. Tuy nhiên, không phải người bị buộc tội nào cũng được lựa chọn một trong những người bào chữa nêu trên mà tùy theo đối tượng (người bị buộc tội) được bào chữa là ai thì sẽ có người bào chữa tương ứng (khi đáp ứng đủ điều kiện luật định).

Bị can, bị cáo là gì?

Theo khoản 1 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.

Theo khoản 1 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.

Khi nào thì được gọi là bị can?

Theo Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, một người hoặc pháp nhân bị xem là bị can khi và chỉ khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ban hành Quyết định khởi tố bị can.

Người bị kiện gọi là gì?

Pháp luật tố tụng hình sự không có khái niệm người bị kiện. Người bị kiện phát sinh trong pháp luật tố tụng dân sự.

Ai được mời luật sư bào chữa cho bị can?

Người bào chữa có thể do chính bị can, người đại diện hoặc người thân thích của bị can lựa chọn.

Trường hợp bị can là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận từ huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương trở lên, thì bị can, người đại diên hoặc thân thích của bị can có thể đề nghị các tổ chức trên cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho mình.

Ngoài ra, nếu bị can thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Bị can về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
  • Bị can có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

Nếu bị can, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ.

Cơ sở pháp lý: Điều 75, Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Tại phiên tòa luật sư bào chữa cho ai nghe?

Tại phiên tòa, Luật sư sẽ trình bày bản luận cứ bào chữa cho Hội đồng xét xử xem xét và tranh tụng với đại diện Viện kiểm sát khi đại diện Viện kiểm sát luận tội về các tình tiết chứng minh bị cáo (khách hàng) vô tội hoặc phạm một tội khác có hình phạt nhẹ hơn, không đúng như đại diện Viện kiểm sát truy tố hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ hình phạt.

Thế nào là tự bào chữa?

Tự bào chữa là việc người bị buộc tội không nhờ người bào chữa tham gia vào quá trình tố tụng mà chính bản thân sẽ tự trình bày, đưa ra các quan điểm, chứng cứ chứng minh theo quy định pháp luật để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tư cách bị can chấm dứt khi nào?

Tư cách tố tụng của bị can sẽ chấm dứt khi Cơ quan điều tra đình chỉ điều tra, Viện kiểm sát đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật đối với bị can hoặc khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án.

Cơ sở pháp lý: Điều 60, Điều 230, Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Đánh giá

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00