Khởi kiện là gì? Quyền khởi kiện vụ án dân sự bao gồm những ai? Những điều kiện khởi kiện vụ án dân sự như thế nào? Cách viết mẫu đơn khởi kiện làm sao cho đúng? Tất cả sẽ được Luật Nguyễn Hưng tư vấn giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây.
Khởi kiện là gì?
Khởi kiện là một trong những quyền của công dân. Khi một cá nhân, tổ chức nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, bị ảnh hưởng bởi cá nhân, tổ chức khác thì có quyền thực hiện việc tố tụng của mình là gửi đơn khởi kiện tại Tòa án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình khởi kiện hoặc thông qua đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền.
Quyền tố tụng của công dân được pháp luật quy định và hướng dẫn tại các Bộ luật tố tụng hoặc những luật liên quan.
Xem thêm: Tố tụng là gì?
Quyền khởi kiện vụ án dân sự?
Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật tố tụng dân sự quy định đều có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp cảu mình hoặc của người khác.
Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự
Chủ thể khởi kiện phải có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự
Tại Điều 69 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự “Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự”
- Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì năng lực hành vi tố tụng dân sự của họ được xác định theo quyết định của Tòa án.
- Người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự và người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi thì người đại diện hợp pháp của họ sẽ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự này, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ tại Tòa án.
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Ngoài 02 trường hợp trên thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của những đương sự này tại Tòa án vẫn do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
Ngoài ra, tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự cũng quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.” Và Điều187 Bộ luật này cũng quy định về các chủ thể có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của nhà nước.
Xem thêm: Tranh tụng là gì?
Vụ án được khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Những vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại các Điều 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Thẩm quyền của Tòa án được phân theo các cấp, mỗi cấp tòa sẽ có những phạm vi và thẩm quyền giải quyết khác nhau như:
- Tòa án nhân dân cấp huyện (Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự);
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh (Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự);
- Các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh (Điều 36, 38 Bộ luật tố tụng dân sự);
- Tòa án theo lãnh thổ (Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự).
Nếu vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì sẽ bị trả lại đơn hoặc được chuyển vụ án sang Tòa án khác có thẩm quyền. Tại Điều 4 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp “Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là trường hợp mà theo quy định của pháp luật thì các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác hoặc đang do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác giải quyết.”
Xem thêm: Khởi tố là gì?
Vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện được quy định tại Bộ luật dân sự là thời hạn mà đương sự có quyền được khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. Thời hiệu cũng là một trong những điều kiện để khởi kiện, nếu vụ án đã hết thời hiệu thì mất quyền khởi kiện.
Tuy nhiên, có những vụ án không áp dụng thời hiệu khởi kiện như: Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản; yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai; trường hợp khác do luật quy định.
Sự việc chưa được giải quyết
Để đảm bảo tính hiệu lực cho bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền thì một vụ án, vụ việc đã được giải quyết sẽ không được giải quyết lại. Trừ những vụ án, vụ việc được pháp luật cho phép khởi kiện lại.
Tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự quy định cụ thể hơn về trường hợp trả lại đơn:
Tòa án sẽ trả lại đơn nếu sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhà mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.
Ý nghĩa của việc khởi kiện vụ án dân sự
Mọi công dân đều có các quyền con người, quyền công dân, mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác, đều bình đẳng trước pháp luật. Khi một người thực hiện khởi kiện là đang thực hiện quyền tố tụng của mình. Các chủ thể được tham gia trực tiếp vào quá trình tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Ý nghĩa của của việc khởi kiện chính là ngăn chặn kịp thời những quan hệ xã hội trái pháp luật, những giao dịch bị cấm và đảm bảo được quyền lợi chính đáng cho công dân, cho xã hội. Xây dựng niềm tin của công dân đối với pháp luật, với cơ quan tố tụng, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong nhân dân, củng cố các quy tắc xử sự của con người để xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
Mẫu đơn khởi kiện mới nhất và cách viết
Mẫu đơn khởi kiện mới nhất được ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.
Mẫu số 23-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP
ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
……(1), ngày….. tháng …… năm…….
ĐƠN KHỞI KIỆN
Kính gửi: Toà án nhân dân (2)…………………………………………………………………………………………………………………………………
Người khởi kiện: (3)……………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
Địa chỉ: (4) ………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
Số điện thoại: ……………………..………(nếu có); số fax: …………………………….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: …………………………………………………. (nếu có)
Người bị kiện: (5)………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….
Địa chỉ (6) ………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
Số điện thoại: ………………………..……(nếu có); số fax: ………………………..…….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: …………………………………………………………… (nếu có)
Người có quyền, lợi ích được bảo vệ (nếu có)(7)…………………………………………………………………………………………………..
Địa chỉ: (8)………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
Số điện thoại: ……………………….………(nếu có); số fax: ……………………………(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử : …………………………………………(nếu có)
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có) (9)…………………………………………………………………………………………….
Địa chỉ: (10) …………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….
Số điện thoại: ……………………………(nếu có); số fax: ………………………..….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ..………………………..………………. (nếu có)
Yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau đây:(11)………………………………………………………………………………………….
………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….
Người làm chứng (nếu có) (12)……………………………………………………………………………………………………………………………………
Địa chỉ: (13) …………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….
Số điện thoại: ………………………..……(nếu có); số fax: …………………………..….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ……………………………….………… (nếu có).
Danh mục tài liệu, chứng kèm theo đơn khởi kiện gồm có: (14)……………………………………………………………………….
1……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….
2……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….
(Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án) (15) …………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
Người khởi kiện (16)
Tham khảo: Chi phí thuê luật sư khởi kiện uy tín chuyên nghiệp tại TPHCM.
Thủ tục tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện của Tòa án
Có 03 giai đoạn:
- Đương sự có thể gửi đơn trực tiếp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền hoặc gửi qua đường bưu điện. Bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện và ghi vào sổ nhận đơn và cấp cho đương sự giấy xác nhận đã nhận đơn hoặc thông báo nhận đơn.
- Chánh án Tòa án sẽ phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện, Thẩm phán được phân công sẽ xem xét và ra một trong các quyết đinh: yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; tiến hành thủ tục thụ lý theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác; Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền.
- Khi có kết quả xử lý đơn của Thẩm phán thì thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Hy vọng qua bài viết về Khởi kiện là gì? Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự như thế nào? sẽ mang lại những kiến thức hữu ích dành cho bạn đọc. Mọi vướng mắc pháp lý về khởi kiện vụ án dân sự cũng như các vấn đề khác liên quan. Vui lòng gửi câu hỏi về Luật Nguyễn Hưng qua email vplsnguyenhung@gmail.com. Hoặc liên hệ qua điện thoại: (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để được tư vấn trực tiếp.
Trân trọng ./.