090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Sở hữu riêng là gì? Chủ thể và khách thể của sở hữu riêng

Sở hữu riêng là gì? Chủ thể và khách thể của sở hữu riêng được pháp luật quy định như thế nào? Tất cả sẽ được Luật Nguyễn Hưng tư vấn giải đáp cụ thể ngắn gọn dễ hiểu trong bài viết này.

Sở hữu riêng là gì?

Theo Điều 205 BLDS 2015 thì sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc pháp nhân, tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về giá trị và số lượng. Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng định đoạt của mình nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái với quy định pháp luật. Việc thực hiện quyền đối với tài sản thuộc sở hữu riêng không được ảnh hưởng hoặc gây hại đến lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, dân tộc, quốc gia…

Ví dụ: Anh A là nông dân trồng khoai mì trên mảnh đất là tài sản riêng của anh A, hoa lợi thu được từ việc trồng khoai mì là tài sản thuộc sở hữu riêng của anh A.

Sở hữu riêng là gì? Chủ thể và khách thể của sở hữu riêng
Sở hữu riêng là gì? Chủ thể và khách thể của sở hữu riêng

Xem thêm: Sở hữu chung là gì?

Chủ thể của sở hữu riêng

Chủ thể của sở hữu riêng là từng cá nhân hoặc từng pháp nhân. Mọi cá nhân dù đã trưởng thành hay chưa, có hay không có năng lực hành vi dân sự hoặc năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ đều có quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.

Trường hợp công dân không có năng lực hành vi dân sự hoặc có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ, khi thực hiện quyền sở hữu (sử dụng hay định đoạt tài sản ) phải thông qua hành vi của người giám hộ khi định đoạt tài sản như bán, cho, trao đổi,.. phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật.

Pháp nhân khi thành lập phải phù hợp với các yêu cầu của luật và mỗi pháp nhân được xác định phạm vi năng lực chủ thể rõ ràng, theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, việc sở hữu tài sản của pháp nhân cũng như thực hiện các quyền năng thuộc quyền sở hữu của pháp nhân cũng phải phù hợp với năng lực pháp luật của pháp nhân đó.

Như vậy, muốn trở thành chủ thể của quan hệ sở hữu riêng được toàn quyền tự mình hành xử những quyền năng của chủ sở hữu thì cá nhân, pháp nhân phải đáp ứng điều kiện nhất định.

Khách thể của sở hữu riêng

Khách thể của sở hữu riêng là những tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân. Tài sản đó có thể là những tư liệu sản xuất hoặc tư liệu tiêu dùng.

Phạm vi khách thể của sở hữu riêng không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành nghề có lợi cho quốc kế dân sinh, tài sản hợp pháp không bị hạn chế về số lượng, giá trị (khoản 2 Điều 205 bộ luật dân sự năm 2015).

Những thu nhập hợp pháp

Thu nhập hợp pháp là khoản tiền hoặc hiện vật có được do kết quả của lao động hợp pháp đem lại. Ví dụ: Các khoản tiền thù lao, tiền thưởng do có các công trình nghiên cứu khoa học, các sáng chế, sáng kiến cải tiến kĩ thuật, các giải pháp hữu ích được đem ra sử dụng, các khoản tiền nhuận bút do có tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học kĩ thuật được xuất bản, triển lãm…

Của cải để dành

Của cải để dành là tiền hoặc hiện vật (vàng, bạc, kim khí quý, đá quý…) do thu nhập hợp pháp của cá nhân mà có nhưng chi tiêu sử dụng không hết. Của cải để dành có thể dưới nhiều hình thức khác nhau như cho vay, cho thuê, chôn giấu… Nói tóm lại là những tài sản mà cá nhân thu nhập hợp pháp chưa dùng đến.

Nhà ở

Nhà ở là tư liệu sinh hoạt nhằm thoả mãn nhu cầu thiết yếu về chỗ ở của cá nhân hoặc gia đình. Nhà ở là công trình được công dân xây dựng, mua, được thừa kế, được tặng cho hoặc do đổi chác. Nhà ở có thể là công trình kiến trúc kiên cố, bán kiên cố, hoặc đơn sơ… nhưng chính là nơi công dân dùng để ở, nghỉ ngơi, là nơi sinh sống chính của công dân.

Nhà ở là tư liệu tiêu dùng đặc biệt vì nó biểu hiện rõ khả năng kinh tế, văn hoá, thẩm mĩ của công dân và trong quá trình sử dụng có thể phát sinh lợi nhuận về tài sản. Cơ cấu nhà ở được thể hiện diện tích chính, diện tích phụ… nhưng đều nhằm thoả mãn nhu cầu sinh hoạt và mục đích để ở của công dân. Nhà và các công trình xây dựng cũng là tài sản có giá trị của các pháp nhân được sử dụng làm văn phòng, trụ sở, kho bãi hoặc mục đích khác.

Tư liệu sinh hoạt

Tư liệu sinh hoạt là những tài sản phục vụ cho nhu cầu đi lại, giải trí, vui chơi, nghỉ ngơi… thoả mãn nhu cầu về mặt vật chất và tinh thần của cá nhân.

Tư liệu sản xuất

Tư liệu sản xuất bao gồm vốn (tiền, vàng, đá quý…) và các tài sản khác như nhà kho, nhà xưởng, máy móc thiết bị… mà cá nhân, pháp nhân được quyền sử dụng và sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Cá nhân, pháp nhân có toàn quyền sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình để đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp tiến hành sản xuất kinh doanh.

Nội dung sở hữu riêng

Nội dung quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân được thể hiện ở việc làm chủ, chi phối tài sản thông qua các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản theo Điều 206 BLDS. Cá nhân, pháp nhân có thể tự mình thực hiện quyền chiếm hữu tài sản hoặc thông qua hợp đồng dân sự giao cho người khác thực hiện quyền chiếm hữu (gửi giữ) hoặc cả quyền sử dụng (cho thuê, mượn).

Cá nhân, pháp nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Sở hữu riêng của vợ, chồng

Sau khi kết hôn ngoài tạo dựng và đồng sở hữu khối tài khoản chung, vợ chồng còn có quyền sở hữu những tài rản của riêng mình đó là những tài sản mỗi người có trước khi kết hôn, là các loại tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định.

Theo Điều 44 Luật Hôn nhân gia đình quy định rõ về quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, cụ thể: Cả vợ và chồng đều có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, cả hai có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng của mình vào tài sản chung.

Nếu vợ hoặc chồng không thể tự quản lý tài sản riêng của mình và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên còn lại có quyền quản lý tài sản đó. Tuy nhiên, việc quản lý đó phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.

Trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà lợi nhuận từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của người còn lại.

Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Nguyễn Hưng về các vấn đề pháp lý liên quan đến sở hữu riêng. Hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích dành cho bạn. Trong quá trình tìm hiểu thông tin, nếu bạn còn những thắc mắc nào cần được giải đáp. Hãy liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.

Đánh giá

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00