Tảo hôn là gì? Thực trạng tảo hôn ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Nguyên nhân và những hệ lụy của tảo hôn? Hành vi tảo hôn bị xử lý như thế nào? Luật Nguyễn Hưng sẽ giải đáp cụ thể các vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Tảo hôn là gì?
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình quy định độ tuổi kết hôn: “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”.
Thực trạng tảo hôn ở Việt Nam hiện nay
Hiện nay, tình trạng tảo hôn ở nước ta vẫn còn đang là vấn đề chưa khắc phục được, nạn tảo hôn ở rải rác các tỉnh thành trên cả nước nhưng đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao nhất ở Việt Nam là: Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái,….
Nguyên nhân tảo hôn
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tảo hôn, trong đó có thể liệt kê một số nguyên nhân phổ biến như:
- Việc giáo dục, tuyên truyền về giáo dục giới tính còn hạn chế;
- Khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách xã hội, quy định của pháp luật;
- Quan niệm kết hôn bị ảnh hưởng từ những phong tục tập quán tồn tại từ rất lâu đời, có những hủ tục lạc hậu hoặc những tư tưởng đã bị ăn sâu vào trong lối sống;
- Do sự thiếu hiểu biết, trình độ học vấn còn hạn chế;
- Chính quyền địa phương chưa có những biện pháp xử lý phù hợp….
Hậu quả pháp lý của tảo hôn
Hành vi tảo hôn là hành vi trái pháp luật, vi phạm điều cấm trong Luật Hôn nhân và gia đình. Do đó, bất kỳ chủ thể nào có hành vi tảo hôn đều sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo luật định. Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng. Các quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ được giải quyết theo quy định của pháp luật; các quyền về tài sản, nghĩa vụ hợp đồng giữa các bên cũng sẽ dựa vào quy định của pháp luật để giải quyết.
Hành vi tảo hôn có thể bị xử phạt hành chính hoặc chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Ví dụ về tảo hôn
Ví dụ cụ thể về trường hợp tảo hôn
Vừ A Pứa năm nay 21 tuổi, người dân tộc thiểu số ở Lai Châu. Trong một lần đi chơi hội thì gặp cô bé Hờ Y Nia, thấy cô bé xinh đẹp vừa mắt nên Pứa bắt Nia về làm vợ nhưng Nia hiện chỉ mới tròn 15 tuổi. Việc kết hôn trong trường hợp này là trái với quy định của pháp luật, Nia chưa đủ 18 tuổi và việc kết hôn này gọi là tảo hôn.
>> Xem thêm: Vì sao pháp luật Việt Nam cấm kết hôn trong phạm vi 3 đời?
Hành vi tảo hôn bị xử lý như thế nào?
Xử lý hành chính
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn được quy đinhj tại Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 58. Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
Có thể thấy, người nào tổ chức cho người khác kết hôn khi chưa đủ tuổi cũng sẽ bị phạt hành chính với mức cao nhất là 3.000.000 đồng. Khi đã có bản án, quyết định về việc hôn nhân trái pháp luật mà còn cố gắng duy trì cũng sẽ bị xử phạt hành chính.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Tại Điều 183 Bộ luật Hình sự quy định về tội tổ chức tảo hôn như sau:
Điều 183. Tội tổ chức tảo hôn
Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Người tổ chức tảo hôn có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự nếu vẫn còn tiếp tục thực hiện hành vi.
Hệ lụy của tảo hôn
Độ tuổi kết hôn mà pháp luật quy định là kết quả của quá trình nghiên cứu về sự phát triển của cơ thể con người. Phải đến một độ tuổi nhất định thì sức khỏe, tâm lý mới được phát triển một cách hoàn thiện và khi đó mới sẵn sàng bước vào đời sống hôn nhân.
Việc kết hôn quá sớm sẽ dẫn đến nhiều hệ luy, những “bà mẹ trẻ” chưa được phát triển đầy đủ sẽ không đảm bảo được sức khỏe trong quá trình mang thai, nuôi dưỡng thai nhi và sinh con, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người mẹ đó. Trẻ em gái mang thai sớm sẽ có nguy cơ chết do mang thai và sinh đẻ, xuất hiện nhiều biến chứng do mang thai khi cơ thể chưa hoàn thiện, gây sảy thai, sinh non, khó chuyển dạ,…. Những đứa con được sinh ra bởi những đứa trẻ vị thành niên phần lớn sẽ dễ mắc các dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng, suy giảm sức khỏe, tỷ lệ tử vong cao hơn so với những đứa trẻ bình thường khác.
Trường hợp nào tảo hôn vẫn được công nhận là vợ chồng
Nam, nữ kết hôn không đảm bảo điều kiện về độ tuổi sẽ bị Tòa án ra quyết định về việc hủy kết hôn trái pháp luật. Tuy nhiên, nếu tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định và có yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án sẽ công nhân quan hệ hôn nhân đó.
Tức là, nếu tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái luật mà vợ, chồng đã đủ tuổi kết hôn theo quy định và hai bên có yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì sẽ được Tòa án công nhận.
Ai có quyền hủy kết hôn trái pháp luật từ việc tảo hôn
Theo quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định về việc hủy kết hôn trái pháp luật là Tòa án. Tòa án có thẩm quyền sẽ ra quyết định này và khi quyết định này có hiệu lực thì quan hệ hôn nhân sẽ chấm dứt và các quyền, nghĩa vụ của các chủ thể được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nếu bạn đang có nhu cầu tìm luật sư tư vấn luật hôn nhân và gia đình vui lòng liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.