Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới hiện nay được pháp luật quy định như thế nào? Những dấu hiệu cấu thành tội phạm tội xâm phạm quyền bình đẳng giới là gì? Tội phạm xâm phạm quyền bình đẳng giới hoàn thành khi nào? Hình phạt đối với tội xâm phạm quyền bình đẳng giới theo Bộ luật hình sự mới nhất ra sao? Tất cả sẽ được Luật Nguyễn Hưng tư vấn cụ thể trong bài viết dưới đây.
Quy định về Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới
Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới được quy định trong bộ luật hình sự năm 1999
Bộ luật Hình sự 1999 quy định về tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ tại Điều 130, điều này được quy định như sau: “Người nào dung vũ lực hoặc có hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.
Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới theo quy định mới nhất
Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về quyền bình đẳng giới rộng hơn, không còn giới hạn về mặt hành vi của tội phạm này, cụ thể: “Người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế,…”
Dấu hiệu cấu thành tội phạm tội xâm phạm quyền bình đẳng giới
Về mặt khách quan
Hành vi
Người phạm tội có bất kỳ hành vi, bất kỳ hình thức nào với mục đích cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế.
Người phạm tội có thể trực tiếp thực hiện hành vi hoặc không hành động, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.
Hậu quả
Hậu quả là tất cả những thiệt hại về vật chất và tinh thần của nạn nhân khi bị người phạm tội xâm phạm trực tiếp, đặc biệt là các quyền về con người, quyền bình đẳng,….
Mặt khách thể
Người phạm tội xâm phạm trực tiếp đến quyền bình đẳng giới, quyền bình đẳng về mọi mặt của nam và nữ, đối xử kỳ thị dẫn đến sự bất công cho người phụ nữ.
Xâm phạm đến các quy định pháp luật. các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là nước thành viên.
Về mặt chủ quan
Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới được người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức được hành vi của mình đang cản trở người khác thực hiện việc tham gia vào các lĩnh vực, hoạt động khác nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Mặt chủ thể
Chủ thể của tội xâm phạm quyền bình đẳng giới là bất kì ai đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự mà có các hành vi cấu thành tội phạm này thì đều có thể là chủ thể.
Tội phạm xâm phạm quyền bình đẳng giới hoàn thành khi nào?
Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra, người phạm tội chỉ cần có các hành vi cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
>> Xem thêm: Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân bị xử lý thế nào?
Hình phạt đối với tội xâm phạm quyền bình đẳng giới theo Bộ luật hình sự mới nhất
Căn cứ Điều 165 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định thì tội xâm phạm quyền bình đẳng giới có hai khung hình phạt chính và một khung hình phạt bổ sung, cụ thể:
“Điều 165. Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới
Người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Trên đây là nội dung tư vấn về Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách vui lòng liên hệ với Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ Luật sư.