Những trường hợp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động cần lưu ý như: hết hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp; có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an; hưởng lương hưu hàng tháng; đi học tập từ 12 tháng trở lên; ra nước ngoài định cư; bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp; mất tích; bị phạt tù; chết… Luật Nguyễn Hưng sẽ tư vấn giải đáp chi tiết về 13 trường hợp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong bài viết sau đây.
Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp
Thời hạn người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Khi hết thời hạn trên thì NLĐ sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp nữa (điểm a khoản 1 Điều 21 NĐ 28/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp).
>> Xem thêm: Hưởng trợ cấp thất nghiệp được pháp luật quy định thế nào?
Có việc làm
Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 21 NĐ 28/2015/NĐ-CP, Người lao động được xác định là có việc làm thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp:
– Đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ đủ 03 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực theo quy định của pháp luật;
– Có quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày có việc làm trong trường hợp này được xác định là ngày bắt đầu làm việc của người đó ghi trong quyết định tuyển dụng;
– Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.
Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an
Theo điểm c, Khoản 1, Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP thì ngày mà người lao động được xác định thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an là ngày người lao động nhập ngũ, cũng chính là ngày NLĐ chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Có 02 khả năng xảy ra:
- Nếu NLĐ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hồ sơ đã được giải quyết mà chưa nhập ngũ thì vẫn có thể nhận tiền trợ cấp thất nghiệp cho đến ngày nhập ngũ;
- Nếu NLĐ nộp hồ sơ và chưa được nhận tiền mà đến ngày nhập ngũ thì trường hợp này bạn không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hưởng lương hưu hằng tháng
NLĐ chỉ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi xảy ra trường hợp thất nghiệp. Nghỉ hưu không phải là mất việc làm, không nằm trong điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, do đó không thuộc đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Thêm vào đó là diểm d khoản 1 Điều 21 NĐ 28/2015/NĐ-CP quy định NLĐ khi được hưởng lương hưu sẽ ko còn nhận tiền trợ cấp thất nghiệp nữa, Ngày mà người lao động được xác định nghỉ hưu là ngày đầu tiên tính hưởng lương hưu được ghi trong quyết định hưởng lương hưu hằng tháng của cơ quan có thẩm quyền.
Sau 02 lần NLĐ từ chối việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm mà không có lý do chính đáng
Trường hợp này NLĐ chắc chắn sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo điểm đ khoản 1 Điều 21 NĐ 28/2015/NĐ-CP. Hơn nữa, điều 6 Thông tư 52/2015/TT-BLĐTBXH sẽ hướng dẫn rõ về vấn đề này hơn.
Điều 6. Từ chối nhận việc làm theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được xác định là từ chối nhận việc làm mà không có lý do chính đáng khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người lao động được trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm phù hợp với ngành nghề, trình độ được đào tạo mà người lao động đã ghi theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này nhưng không đến tham gia dự tuyển lao động.
- Người lao động được trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm mà người lao động đó đã từng làm nhưng không đến tham gia dự tuyển lao động.
- Người lao động đã tham gia dự tuyển lao động theo giới thiệu của trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và có thông báo trúng tuyển của người sử dụng lao động nhưng không nhận việc làm đã trúng tuyển, trừ trường hợp việc làm đó không đúng như thông báo tuyển lao động của người sử dụng lao động.
03 tháng liên tục không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm
Theo điểm e khoản 1 Điều 21 NĐ 28/2015/NĐ-CP, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, 03 tháng liên tục không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định thì sẽ mất quyền lợi hưởng trợ cấp thất nghiệp đó. Nếu muốn tiếp tục được hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ cần trực tiếp thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm về việc tìm kiếm việc làm, để được tư vấn, hỗ trợ.
Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên
Căn cứ vào điểm h khoản 1 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì NLĐ đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên sẽ bị chấm dứt nhận trợ cấp thất nghiệp. Ngày mà NLĐ được xác định đi học tập có thời hạn 12 tháng trở lên là ngày nhập học được ghi trong giấy báo nhập học đối với học tập trong nước. Trường hợp học tập ở nước ngoài thì ngày người lao động được xác định đi học tập có thời hạn 12 tháng trở lên là ngày xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.
Nếu NLĐ đi học có thời hạn dưới 12 tháng thì sẽ vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hoặc tính đến thời điểm ghi trên giấy nhập học vẫn có khoảng thời gian thì bạn có thể làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp trong khoảng thời gian này cho đến lúc nhập học.
Ra nước ngoài để định cư, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng
NLĐ sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu người đó ra nước ngoài để định cư, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngày mà người lao động được xác định ra nước ngoài định cư, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là ngày người lao động xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh( theo điểm g khoản 1 Điều 21 NĐ 28/2015/NĐ-CP).
Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp
Đối với trường hợp này thì điểm i khoản 1 Điều 21 NĐ 28/2015/NĐ-2015 sẽ chấm dứt quyền được hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ nếu họ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp.
Điều 21. Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
Các trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:
- Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp.
- Ngày mà người lao động được xác định bị xử phạt vi phạm hành chính nêu trên là ngày người lao động bị xử phạt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Thêm vào đó, tùy vào mức độ mà NLĐ sẽ phải chịu phạt theo NĐ 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chết
Khi người lao động chết, thân nhân sẽ được hưởng một số khoản trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất theo quy định nếu đủ điều kiện nhưng sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Điều 21. Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
Các trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:
- Chết.
- Ngày xác định người lao động chết là ngày ghi trong giấy chứng tử.
Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc
Cũng như bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp, khi NLĐ bắt buộc bị đưa vào truờng giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện thì sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp. Ngày mà người lao động được xác định chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc là ngày bắt đầu thực hiện biện pháp xử lý hành chính được ghi trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền. ( điểm l khoản 1 Điều 21 NĐ 28/2015/NĐ-CP)
Bị tòa án tuyên bố mất tích
NLĐ đang trong thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp mà bị Tòa án tuyên bố mất tích thì họ sẽ mất quyền lợi hưởng trợ cấp đó theo điểm m khoản 1 Điều 21 NĐ 28/2015/NĐ-CP. Ngày mà người lao động mất tích được xác định trong quyết định của tòa án.
Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù
Khi bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì một người sẽ bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, quyền được hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng ko ngoại lệ. Theo điểm n khoản 1 Điều 21 NĐ 28/2015/NĐ-CP thì NLĐ trong trường hợp này sẽ không được nhận trợ cấp đó. Ngày mà người lao động được xác định bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù là ngày bắt đầu thực hiện quyết định tạm giam, chấp hành hình phạt tù của cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là bài viết chia sẻ của Luật Nguyễn Hưng về “13 trường hợp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp”. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để được giải đáp.