Pháp luật luôn hướng tới bảo vệ cho những đối tượng yếu thế trong xã hội như người già, phụ nữ, trẻ em,… để đảm bảo họ được những quyền bình đẳng như những đối tượng khác trong xã hội. Trong luật hôn nhân và gia đình có quy định về quyền lợi của người phụ nữ được hưởng khi ly hôn cụ thể như: quyền yêu cầu ly hôn; quyền được chia tài sản chung sau ly hôn; quyền được nuôi con dưới 36 tháng tuổi; quyền lưu cư khi ly hôn. Hãy cùng Luật Nguyễn Hưng đi tìm hiểu chi tiết về 4 quyền lợi của phụ nữ khi ly hôn trong bài viết sau đây.
Quyền yêu cầu ly hôn
Không phải chỉ khi nào cả hai vợ chồng đồng ý ly hôn thì mới được ly hôn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình về quyền yêu cầu ly hôn: “1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.”
Như vậy, khi muốn ly hôn, người vợ vẫn có thể tự mình yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn mà không cần sự đồng ý của người chồng.
Nếu quý khách đang cần tìm luật sư chuyên về ly hôn giỏi tại TPHCM. Xem ngay dịch vụ ly hôn nhanh trọn gói tại Luật Nguyễn Hưng. Chỉ cần 1 lần duy nhất lên tòa, cam kết tỷ lệ thành công 100%.
Quyền được chia tài sản chung sau ly hôn (phụ nữ ở nhà nội trợ vẫn là lao động có thu nhập)
Căn cứ theo Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, trong thời kỳ hôn nhân (được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân), hai vợ chồng có quyền thỏa thuận phân chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung. Tòa án sẽ tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng trước, nếu hai vợ chồng không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Do đó, khi ly hôn, người vợ có quyền được chia tài sản chung trong quá trình hôn nhân của hai vợ chồng.
Căn cứ Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:
“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”
Như vậy, tài sản chung của vợ, chồng được chia đôi nhưng có tính đến công sức đóng góp.
Vậy, vợ chỉ ở nhà nội trợ thì xác định công sức đóng góp của vợ như thế nào để phân chia tài sản chung?
Theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.
Do đó, với trường hợp vợ ở nhà nội trợ, người vợ thực hiện công việc nội trợ, trông nom con cái, chăm sóc gia đình, lo công việc nội trợ. Người vợ không đi làm và không có thu nhập hàng tháng thì vẫn được tính là có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng mình và vẫn được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Không phải là không đi làm, không trực tiếp tạo lập tài sản trong gia đình thì sẽ không được phân chia tài sản.
Quyền được nuôi con dưới 36 tháng tuổi và yêu cầu cấp dưỡng
Trường hợp hai vợ chồng ly hôn và có tranh chấp về quyền nuôi con, thì quyền nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi của người vợ được ưu tiên hơn, cụ thể:
Căn cứ khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình về việc chăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục sau khi ly hôn:
“3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy, khi ly hôn, đối với con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện nuôi dưỡng hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác.
Cùng với việc được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người vợ còn có quyền yêu cầu người chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho việc nuôi con chưa trưởng thành:
Theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình 2014, cấp dưỡng được hiểu là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình 2014, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Từ đó, có thể xác định nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn thuộc về người không trực tiếp nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng này sẽ kéo dài đến khi người con đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình.
Quyền lưu cư khi ly hôn
Sau khi ly hôn, nếu có khó khăn trong việc tìm kiếm chổ ở mới thì người vợ có thể lưu cư theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể:
Theo Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền lưu cư sau khi ly hôn:
“Điều 63. Quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn
Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
Theo quy định trên, địa điểm lưu cư là nhà ở thuộc sở hữu của một bên vợ hoặc chồng.
Thông thường thời hạn lưu cư là 06 tháng, nhưng hai bên có thỏa thuận khác về thời gian lưu cư.
Thời gian lưu cư cũng cần được Tòa án ghi nhận trong bản án để tránh trường hợp lưu cư quá ngắn hoặc quá dài ảnh hưởng đến quyền lợi của vợ hoặc chồng.
Trên đây là những chia sẻ của Luật Nguyễn Hưng về “4 quyền lợi của người phụ nữ được hưởng khi ly hôn”. Nếu còn bất cứ vấn đề gì thắc mắc bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ.