090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp mới nhất năm 2022

Tai nạn lao động là gì? Bệnh nghề nghiệp là gì? Chế độ tại nạn lao động và bệnh nghề nghiệp hiện nay như thế nào? Điều kiện được hưởng, mức hưởng và những đối tượng nào được áp dụng các chế độ tai nạn lao động và bênh nghề nghiệp ra sao? Tất cả sẽ được Luật Nguyễn Hưng tư vấn giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

Chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp
Chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

Khái niệm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp khác nhau như thế nào?

Tai nạn lao động

Tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động giải thích “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.” Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và chăm sóc chu đáo.

Bệnh nghề nghiệp

Khoản 9 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động định nghĩa “Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.” Người bị bệnh nghề nghiệp phải được điều trị chu đáo, khám sức khỏe định kỳ và có hồ sơ khám sức khỏe riêng biệt.

Đối tượng được áp dụng chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

Theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật An toàn vệ sinh lao động thì đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gồm những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các trường hợp sau:

– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

– Cán bộ, công chức, viên chức;

– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

– Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

– Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

– Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động như sau:

Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây

  • Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
  • Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
  • Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định trên

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi đủ điều kiện quy định tại Điều 46 Luật An toàn vệ sinh lao động như sau:

  • Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này;
  • Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định trên.

Nguyên tắc bồi thường tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

Tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định về nguyên tắc bồi thường tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp như sau:

– Tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện bồi thường lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó;

– Việc bồi thường đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định sau:

  • Lần thứ nhất căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động (tỷ lệ tổn thương cơ thể) trong lần khám đầu;
  • Từ lần thứ hai trở đi căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch mức (%) suy giảm khả năng lao động so với kết quả giám định lần trước liền kề.

Mức hưởng chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

Mức hưởng từ người sử dụng lao động

Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được người sử dụng lao động thanh toán các khoản như sau:

– Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định;

– Tiền lương nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

– Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

  • Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
  • Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

– Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định bồi thường trên với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

Mức hưởng từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động

Trợ cấp 1 lần

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần với mức trợ cấp là:

  • Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
  • Ngoài ra, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

Trợ cấp hằng tháng

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng với mức trợ cấp như sau:

  • Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
  • Bên cạnh đó, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trongtháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

Trợ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình

Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật.

Trợ cấp phục vụ

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hằng tháng ở trên, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị

Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe và được hưởng 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Trợ cấp 1 lần khi chết

Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Người lao động bị chết trong thời gianđiều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Bài viết trên Luật Nguyễn Hưng đã gửi đến bạn đọc những thông tin cơ bản và cần thiết về chế độ tai nạn lao động và bênh nghề nghiệp của BHXH. Người lao động nếu có nhu cầu xin hưởng chế độ này thì cần phải xác định rõ bản thân có đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên hay chưa? Nếu bạn đọc còn vấn đề gì vướng mắc cần được hỗ trợ, vui lòng liên hệ Luật Nguyễn Hưng để được giải đáp nhé.

Đánh giá

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00