090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng mới nhất năm 2022

Mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng là hai khái niệm trong lĩnh vực lao động mà không phải ai cũng đã biết. Hai mức lương này khác nhau thế nào? Mục đích dùng để làm gì? Luật Nguyễn Hưng sẽ giải đáp chi tiết và dễ hiểu trong bài viết này.

Mức lương cơ sở và lương tối thiểu vùng năm 2022
Mức lương cơ sở và lương tối thiểu vùng năm 2022

Mức lương cơ sở là gì?

Theo khoản 1 điều 3 của Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, mức lương cơ sở được hiểu là mức căn cứ để:

– Tính các khoản trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác đối với các đối tượng được quy định theo nghị định;

– Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí;

– Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Lương cơ sở là gì?
Lương cơ sở là gì?

Mức lương tối thiểu vùng là gì?

Mức lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội (khoản 1 Điều 91 BLLĐ 2019).

Mức lương tối thiểu vùng 2022
Mức lương tối thiểu vùng 2022

Mức lương tối thiểu vùng dùng để làm gì?

Căn cứ chi trả mức lương tối thiểu cho người lao động

Căn cứ vào khoản 3 Điều 91 BLLĐ 2019 mức lương tối thiểu chi trả cho người lao động sẽ được xác định dựa trên 7 tiêu chí:

– Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ;

– Tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường;

– Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế;

– Quan hệ cung, cầu lao động;

– Việc làm và thất nghiệp;

– Năng suất lao động;

– Khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Theo quy định tại điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 thì mức lương tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động như sau:

– Đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.

– Đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng;

– Đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Căn cứ để trả lương ngừng việc

Mức lương tối thiểu sẽ được dùng làm căn cứ để trả lương ngừng việc nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế. Cả hai bên sẽ thỏa thuận tiền lương ngừng việc đối với các trường hợp sau( khoản 3 Điều 99 BLLĐ 2019):

– Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

– Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Căn cứ tính thiệt hại mà người lao động phải bồi thường cho người sử dụng lao động

Theo khoản 1 Điều 129 BLLĐ 2019 thì nếu người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất, cùng với đó giá trị thiệt hại không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định về khấu trừ tiền lương.

Căn cứ tính tiền lương khi người sử dụng lao động chuyển công việc khác cho người lao động so với hợp đông lao động

Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu( khoản 3 Điều 29 BLLĐ 2019).

Mức lương tối thiểu vùng năm 2022 tăng hay giảm so với năm 2021

Mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022 được Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt đề xuất tăng để trình lên Chính phủ xem xét, quyết định. Với đề xuất này, mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2022 cụ thể như sau:

Mức lương tối thiểu vùng được đề xuất 01/7/2022 Mức lương tối thiểu hiện hành
Vùng I 4.680.000 đồng/tháng 4.420.000 đồng/tháng
Vùng II 4.160.000 đồng/tháng 3.920.000 đồng/tháng
Vùng III 3.640.000 đồng/tháng 3.430.000 đồng/tháng
Vùng IV 3.250.000 đồng/tháng 3.070.000 đồng/tháng

Vậy so với hiện tại thì dự kiến từ ngày 01/7/2022 mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% (tăng thêm từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng tùy vùng).

Những đối tượng được áp dụng mức lương tối thiểu vùng

Mức lương tối thiểu vùng sẽ áp dụng đối với các đối tượng sau( điều 2 Nghị định 90/2019/NĐ-CP):

– Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động;

– Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động;

– Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho doanh nghiệp được quy định tại Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP:

– 4.420.000 đồng / tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I;

– 3.920.000 đồng / tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II;

– 3.430.000 đồng / tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III;

– 3.070.000 đồng / tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Người sử dụng lao động trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu, mức lương cơ sở thì có bị vi phạm pháp luật không?

Theo khoản 3 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về tiền lương:

– Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

– Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

– Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

– Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

– Mức phạt tiền vừa nêu là áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức thì phạt gấp đôi.

Như vậy, trường hợp người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định thì tùy mức độ vi phạm mà có thể bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 150 triệu đồng.

Hy vọng bài viết trên của Luật Nguyễn Hưng đã giúp bạn nắm rõ được khái niệm và ý nghĩa của mức lương cơ sở và lương cơ bản. Nếu bạn còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật qua số điện thoại: (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để được giải đáp.

Đánh giá

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00