Nhiều người thản nhiên nuôi các loại thú cưng như chó, mèo,… trong căn hộ chung cư gây rất nhiều phiền hà về tiếng ồn, mùi hôi, mất an toàn,… cho người xung quanh. Vậy có quy định nào về cấm nuôi chó mèo trong căn hộ chung cư không? Những quy định về nuôi chó mèo tại khu dân cư hiện nay như thế nào? Luật Nguyễn Hưng sẽ giải đáp cụ thể về vấn đề này trong bài viết bên dưới.
Các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư là gì?
Nhà chung cư là nhà có nhiều tầng, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung có các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức…
Căn cứ Điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở quy định các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư như sau:
“Điều 35. Các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư
Sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung không đúng quy định của Luật Nhà ở, Nghị định này và Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành.
Gây thấm, dột; gây tiếng ồn quá mức quy định của pháp luật hoặc xả rác thải, nước thải, khí thải, chất độc hại không đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc không đúng nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư.
Sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định về thiết kế, kiến trúc.
Tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong nhà chung cư có mục đích hỗn hợp so với thiết kế đã được phê duyệt hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Cấm kinh doanh các ngành nghề, hàng hóa sau đây trong phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư:
a) Vật liệu gây cháy nổ và các ngành nghề gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy;
b) Kinh doanh vũ trường; sửa chữa xe có động cơ; giết mổ gia súc; các hoạt động kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, karaoke, quán bar thì phải bảo đảm cách âm, tuân thủ yêu cầu về phòng, chống cháy nổ, có nơi thoát hiểm và chấp hành các điều kiện kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Thực hiện các hành vi nghiêm cấm khác liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư quy định tại Điều 6 của Luật Nhà ở.”
Xem thêm: Thời hạn chung cư là bao lâu? Hết niên hạn có mất nhà chung cư?
Có được nuôi chó mèo trong chung cư không?
Pháp luật hiện hành chỉ cấm việc chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư. Chó, mèo không phải là gia súc, gia cầm nên pháp luật không cấm việc nuôi chó mèo trong chung cư.
Quy định về nuôi chó, mèo ở chung cư như thế nào?
Nuôi chó mèo ở chung cư không bị cấm nhưng người nuôi chó mèo phải tuân thủ các quy định cơ bản theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT như:
– Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư;
– Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;
– Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh;
– Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định;
– Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 cũng có quy định về việc quản lý nuôi chó mèo như sau:
– Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y;
– Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y;
– Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y;
– Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Câu hỏi thường gặp?
Chó cắn người thì chủ nuôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Người nuôi chó phải tuân thủ việc đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt, nếu không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng thì có thể bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Chủ chó để xảy ra việc chó cắn người có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chủ chó còn phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bị chó của mình cắn.
Chó thả rông gây tai nạn thì chủ nuôi bị xử lý như thế nào?
Như đã giải thích ở trên, người nuôi chó phải tuân thủ các quy định pháp luật, không được thả rông. Hành vi chó thả rông gây tai nại là hành vi trái pháp luật mà chủ chó phải có trách nhiệm liên đới.
Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại điể c khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự và có thể bị truy cứu theo các Điều quy định tại Bộ luật Hình sự tùy vào mức độ và hậu quả.
Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Nguyễn Hưng về quy định cấm nuôi chó mèo trong căn hộ chung cư. Hy vọng bài viết mang lại những thông tin hữu ích dành cho bạn. Trong quá trình tìm hiểu thông tin, nếu bạn còn những thắc mắc nào cần được giải đáp. Hãy liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ Luật sư.