Đăng ký đất đai là gì, đăng ký ở đâu, có bắt buộc không? Không đăng ký đất đai có bị xử phạt không? Thời hạn và hình thức đăng ký đất đai như thế nào? Tất cả sẽ được Luật Nguyễn Hưng giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây.
Đăng ký đất đai là gì?
Theo khoản 15 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định đăng ký đất đai, nhà ở, tài sản gắn liền với đất là việc kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính.
Đăng ký đất đai ở đâu?
– Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
– Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng nộp hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nếu có nhu cầu.
Đăng ký đất đai có bắt buộc không?
Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai 2013.
Không đăng ký đất đai có bị xử phạt không?
Không đăng ký đất đai thì sẽ bị xử phạt theo khoản 1, 2, 3 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP như sau:
– Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 95 của Luật Đất đai tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
+ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu;
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu.
– Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, h, I, k và l khoản 4 Điều 95 của Luật Đất đai tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật Đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động;
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật Đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động.
– Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định tại các khoản 1 và 2 của Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Phân loại đăng ký đất đai
Đăng ký đất đai lần đầu
Khoản 3 Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định về đăng ký biến động lần đầu đối với các trường hợp như sau:
– Thửa đất được giao, cho thuê để sử dụng;
– Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;
– Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký;
– Nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa đăng ký.
Đăng ký biến động đất đai
Đối với đăng ký biến động đất đai quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 về trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
– Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
– Người sử dụng đất, chủ tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
– Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;
– Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;
– Chuyển mục đích sử dụng đất;
– Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;
– Chuyển đổi từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thue tiền sử dụng đất theo quy định của Luật này;
– Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;
– Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
– Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hoà giải thành về tranh chấp đất đai được Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thoả thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Toà án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;
– Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;
– Có thay đổi về những hạn chế của quyền sử dụng đất.
Thời hạn đăng ký đất đai
Tại khoản 6 Điều 95 Luật Đất đai 2013 có quy định rõ về thời hạn đăng ký đất đai bao gồm các trường hợp đăng ký biến động quy định tại các điểm a, b, h, i, k và l tại khoản 4 Điều này thì trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động; trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.
Hình thức đăng ký đất đai
Đăng ký đất đai bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử, và cả hai hình thức này đều có giá trị pháp lý như nhau.
Thời điểm có hiệu lực của việc đăng ký đất đai
Việc đăng ký đất đai có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính, khoản 7 Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định về vấn đề này.
Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Nguyễn Hưng về vấn đề đăng ký đất đai. Hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích dành cho bạn. Trong quá trình tìm hiểu thông tin, nếu bạn còn những thắc mắc nào cần được giải đáp. Hãy liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.