Hiến pháp là gì? Lịch sử hình thành và sự phát triển của hiến pháp qua các thời kỳ ra sao? Đặc trưng cơ bản của hiến pháp và vai trò của hiến pháp như thế nào? Hãy cùng Luật Nguyễn Hưng giải đáp chi tiết các vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Khái niệm Hiến pháp
Hiến pháp là thuật ngữ được dùng ở nhiều nước trên thế giới, hiến pháp là đạo luật gốc của nhà nước, thể hiện tinh thần và đường lối chính trị của một quốc gia, được ban hành để điều chỉnh và tổ chức bộ máy nhà nước, quy phạm bắt buộc trong các mối quan hệ xã hội và bảo vệ các quyền con người.
Hiến pháp là nền tảng để xây dựng các bộ luật, luật và các văn bản pháp luật quy phạm.
Tại Điều 119 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2013 quy định và giải thích:
Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp.
Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định.
Lịch sử và sự phát triển
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại có tất cả 05 Hiến pháp. Hiến pháp đang có hiệu lực là Hiến pháp 2013.
Hiến pháp năm 1946
Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội khóa I thông qua ngày 9/11/1946 với 7 chương và 70 điều ngắn gọn, chặt chẽ. Hiến pháp 1946 ra đời trong bối cảnh đất nước trải qua Cuộc cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp năm 1964 phản ảnh hoàn cảnh thực tế của đất nước thời bấy giờ, chú trọng khẳng định sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh nên bản Hiến pháp này chưa được công bố chính thức nhưng vẫn là nền tảng đầu tiên cho các Hiến pháp sau này.
Hiến pháp năm 1959
Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 31/12/1959 với 10 chương và 112 điều. Hiến pháp năm 1959 ra đời thay thế cho Hiến pháp năm 1946, ghi nhận những thắng lợi mà nước ta đã đạt được và đưa ra những mục tiêu chúng ta cần phấn đấu hướng đến trong giai đoạn sắp tới. Tại chương 3, Hiến pháp đã nêu cụ thể quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, nhằm phát huy được sức mạnh của quần chúng và thể hiện sự đóng góp to lớn của công dân trong quá trình xây dựng nhà nước. Hiến pháp năm 1959 cho thấy sự dân chủ, công bằng và đề cao sự đóng góp của nhân dân.
Hiến pháp năm 1980
Hiến pháp năm 1980 được Quốc hội thông qua ngày 18/12/1980, Hiến pháp có 12 chương và 147 điều, được ra đời sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Tại lời nói đầu của bản Hiến pháp cũng đã nhấn mạnh nội dung “Hiến pháp này tổng kết và xác định những thành quả đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, bảo đảm bước phát triển rực rỡ của xã hội Việt Nam trong thời gian tới.”
Hiến pháp năm 1992
Hiến pháp năm 1992 được Quốc hội thông qua ngày 15/4/1992 và được sửa đổi, bổ sung ngày 25/12/2001.
Hiến pháp năm 1992 gồm 12 chương và 147 điều, “quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, thể chế hóa mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý.”
Hiến pháp năm 2013
Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013, là Hiến pháp đang được nhà nước Cộng hòa xã hội Việt nam áp dụng hiện hành.
Hiến pháp bao gồm 11 chương, 120 điều, nội dung của Hiến pháp thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân và bộ máy nhà nước, kế thừa các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992, nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Các đặc trưng cơ bản của Hiến pháp là gì?
Là luật cơ bản (basic law)
Hiến pháp là đạo luật của một quốc gia, có thể xem là luật gốc, luật cơ bản. Những bộ luật, luật hay những văn bản quy phạm pháp luật đều phải được xây dựng trên nên tảng của Hiến pháp, không được trái với Hiến pháp.
Là luật tổ chức (organic law)
Nội dung của Hiến pháp luôn có các chương quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, Hiến pháp thể hiện quan điểm chính trị, đường lối phát triển và phương thức vận hành các cơ quan nhà nước và xác lập các mối quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị hành chính.
Là luật bảo vệ (protective law)
Hiến pháp quy định về các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân để đảm bảo được tính công bằng, dân chủ.
Là luật có hiệu lực pháp lý tối cao (highest law)
Hiến pháp là văn bản quy phạm có tính pháp lý cao nhất, tất cả các văn bản khác đều phải xây dựng dựa trên Hiến pháp và không được trái với Hiến pháp, nếu đi ngược với Hiến pháp sẽ bị hủy bỏ và không có hiệu lực pháp luật.
Vai trò của Hiến pháp
- Hiến pháp được Quốc hội ban hành, quy định cơ cấu và trao quyền hạn, nghĩa vụ cho bộ máy nhà nước.
- Hiến pháp cũng xác định phạm vi, giới hạn của các cơ quan nhà nước, các cơ quan được phân chia theo các cấp và nhiệm vụ khác nhau, thiết lập các cơ quan giám sát, kiểm tra, xử lý nếu phát hiện việc lạm dụng quyền lực.
- Quyền con người, quyền công dân phải đề cao và được đặt lên hàng đầu, được tôn trọng và đảm bảo thực hiện bởi nhà nước.
Danh sách Hiến pháp Việt Nam
- Hiến pháp năm 1946.
- Hiến pháp năm 1959.
- Hiến pháp năm 1980.
- Hiến pháp năm 1992.
- Hiến pháp năm 2013.
Qua bài viết này của Luật Nguyễn Hưng, quý đọc giả đã hiểu rõ hơn về khái niệm hiến pháp là gì và các vấn đề liên quan tới hiến pháp rồi. Hy vọng nội dung bài viết đem lại những kiến thức hữu ích dành cho mọi người. Mọi thắc mắc liên quan tới pháp luật cần được giải đáp vui lòng gửi câu hỏi về email: vplsnguyenhung@gmail.com.