090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Làm CCCD gắn chip cho người tạm trú tại TPHCM như thế nào?

Làm căn cước công dân (CCCD) gắn chip cần những gì? Người dân ngoại tỉnh có thể làm CCCD gắn chip ở TPHCM có được không? Quy trình thủ tục làm CCCD gắn chip tại nơi cư trú như thế nào? Đổi từ CCCD cũ qua CCCD gắn chip có phải đổi số không? Có bắt buộc phải làm CCCD không? Tất cả những câu hỏi của mọi người sẽ được Luật Nguyễn Hưng giải đáp cụ thể trong bài viết này. Cùng theo dõi nhé!

Người dân ngoại tỉnh có thể làm CCCD gắn chip ở TPHCM được không?

Theo khoản 1 Điều 13 Thông tư số: 59/2021/TT-BCA, cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện, cấp tỉnh bố trí nơi thu nhận và trực tiếp thu nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại địa phương mình. Như vậy, người ngoại tỉnh vẫn có thể làm CCCD gắn chip ở TP.HCM.

Người tạm trú tại TP.HCM khi đi làm CCCD gắn chip cần mang theo giấy tờ gì?

Căn cứ Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA, khi đi làm CCCD gắn chip tại nơi tạm trú, người dân cần mang theo những giấy tờ sau:

  • Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân cũ (nếu có);
  • Sổ hộ khẩu (bản chính);
  • Giấy khai sinh hoặc các giấy tờ hợp pháp khác trong trường hợp thông tin công dân khai trên Tờ khai đề nghị cấp CCCD gắn chíp có thay đổi so với thông tin trong Sổ hộ khẩu hoặc trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
  • Sổ tạm trú (theo quy định của pháp luật, người tạm trú không bắt buộc mang theo giấy tờ chứng minh về nơi tạm trú của mình. Tuy nhiên, để thuận tiện và tránh những phát sinh khi dữ liệu thông tin về người tạm trú không có đầy đủ trong dữ liệu, các điểm tiếp nhận hồ sơ vẫn yêu cầu người tạm trú phải mang theo Sổ tạm trú bản chính và còn thời hạn sử dụng khi đi làm CCCD.).
Làm căn cước công dân (CCCD) gắn chip cần những gì?
Làm căn cước công dân (CCCD) gắn chip cần những gì?

Trình tự thủ tục làm CCCD gắn chip tại nơi tạm trú 2022

Căn cứ: Điều 12 Thông tư 07/2016/BCA và khoản 2 Điều 1 Thông tư 40/2019/BCA

Bước 1: Điền tờ khai

Công dân điền vào Tờ khai Căn cước công dân. Trường hợp công dân kê khai thông tin theo mẫu Tờ khai Căn cước công dân trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến thì lựa chọn ngày, tháng, năm làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân và gửi Tờ khai đến cơ quan quản lý căn cước công dân nơi công dân đăng ký thường trú trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến. Đối với địa phương tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh thì sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tiếp nhận chuyển hồ sơ về cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền.

Bước 2: Đối chiếu thông tin

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân trong Tờ khai căn cước công dân (trường hợp công dân kê khai trực tuyến thì thu nhận qua thiết bị đọc mã vạch hoặc thiết bị thu nhận thông tin vào hệ thống) với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để xác định chính xác người cần cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân.

Trường hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đi vào vận hành thì yêu cầu công dân xuất trình số hộ khẩu. Trường hợp thông tin trên số hộ khẩu chưa đầy đủ hoặc không thống nhất với thông tin công dân khai trên Tờ khai Căn cước công dân thì yêu cầu công dân xuất trình Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân cũ hoặc các giấy tờ hợp pháp khác về những thông tin cần ghi trong Tờ khai Căn cước công dân.

Trường hợp công dân làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân cấp huyện cần điều chỉnh những thay đổi trong số hộ khẩu mà việc điều chỉnh này thuộc thẩm quyền của Công an cấp huyện và công dân xuất trình đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật về cư trú thì tiếp nhận hồ sơ điều chỉnh những thay đổi trong số hộ khẩu của công dân đồng thời với việc tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân. Cán bộ tiếp nhận chuyển hồ sơ điều chỉnh những thay đổi trong số hộ khẩu của công dân cho bộ phận đăng ký, quản lý cư trú để thực hiện điều chỉnh cho công dân theo quy định. Sau khi điều chỉnh xong thì bộ phận đăng ký, quản lý cư trú chuyển lại Sổ hộ khẩu đã được điều chỉnh cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân.

Bước 3: Chụp ảnh, lấy vân tay

Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để in trên Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân và thẻ Căn cước công dân theo quy định.

Ảnh chân dung của công dân là ảnh chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính; trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự, không được sử dụng trang phục chuyên ngành khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân; riêng đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được phép mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân nhưng phải bảo đảm rõ mặt;

Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân thu nhận vân tay của công dân qua máy thu nhận vân tay; trường hợp ngón tay bị cụt, khèo, dị tật, không lấy được vân tay thì ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó.

Bước 4: Công dân đóng lệ phí cấp CCCD gắn chip theo quy định

Cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân, trả thẻ Căn cước công dân và số hộ khẩu (nếu có) theo thời gian và địa điểm trong giấy hẹn. Nơi trả thẻ Căn cước công dân là nơi làm thủ tục cấp thẻ; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì công dân ghi cụ thể địa chỉ nơi trả thẻ tại Tờ khai căn cước công dân. Cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ trả thẻ Căn cước công dân tại địa điểm theo yêu cầu của công dân bảo đảm đúng thời gian và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát theo quy định.

Các câu hỏi thường gặp khi làm CCCD gắn chip

Đổi từ Căn cước công dân sang thẻ chip có đổi số không?

Theo Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Căn cước công dân quy định: Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Như vậy, nếu công dân đang sử dụng CMND loại 9 số thì khi đổi sang CCCD sẽ thay đổi thành 12 số. Còn số thẻ CCCD 12 số vẫn được giữ nguyên kể cả khi người dân đổi sang thẻ CCCD gắn chip điện tử.

Đổi từ Căn cước công dân sang thẻ chip có đổi số không?
Đổi từ Căn cước công dân sang thẻ chip có đổi số không?

Có bắt buộc đổi CCCD gắn chip không, hạn chót khi nào?

Theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 06/2021/TT-BCA thì thẻ cước công dân đã được cấp trước ngày 23/01/2021 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Chứng minh nhân dân có thời hạn rất dài, lên đến 15 năm. Đối với những người vừa được cấp chứng minh nhân dân cuối tháng 01/2021 thì 15 năm nữa (tháng 01/2036) những thẻ này mới hết hạn sử dụng. Lúc này, người dân mới bắt buộc phải đổi sang CCCD gắn chip.

Như vậy, không bắt buộc tất cả người dân phải đổi sang căn cước công dân, nếu bạn đang sử dụng chứng minh nhân dân và chưa có nhu cầu đổi sang cước công dân thì bạn có thể tiếp tục sử dụng đến khi hết hạn chứng minh nhân dân.

Bị thu hồi sổ hộ khẩu thì làm CCCD gắn chíp thế nào?

Theo khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 quy định khi cơ quan đăng ký cư trú thu hồi Sổ hộ khẩu thì phải điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, cũng như không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu. Như vậy, trường hợp sổ hộ khẩu đã bị thu hồi và thông tin của công dân đã có sẵn trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người đó vẫn làm được Căn cước gắn chip.

Không có sổ tạm trú thì có được làm CCCD ở TP.HCM?

Có sổ tạm trú hoặc giấy thông báo tạm trú thì công an mới xác nhận được người dân có đang tạm trú ở địa phương hay không, từ đó mới có cơ sở để cấp CCCD được. Trường hợp chưa có sổ tạm trú thì tốt nhất nên liên hệ công an phường nơi người dân đang tạm trú để công an có thể hướng dẫn, tránh việc công dân phải đi lại nhiều lần. Theo đó, công phường sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể, xem lý do vì sao chưa được cấp sổ tạm trú, thiếu điều kiện nào. Từ đó, công an sẽ hướng dẫn thủ tục để người dân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ tạm trú.

>> Xem thêm: Phân biệt nguyên quán, quê quán, thường trú, trú quán, nơi sinh

Có Căn cước công dân gắn chip rồi có cần Sổ hộ khẩu nữa không?

Căn cước công dân gắn chip là một công cụ quản lý hành chính và dân cư mới với nhiều ưu việt. Ngoài tính bảo mật cao, căn cước gắn chip còn tích hợp nhiều thông tin của người dân. Do đó, khi người dân đi làm các thủ tục hành chính, về nguyên tắc, chỉ cần xuất trình Căn cước gắn chip, mọi thông tin của công dân sẽ được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Như vậy, với khoảng 30 thủ tục hành chính đang yêu cầu Sổ hộ khẩu hiện nay, người dân sẽ không còn phải mang theo Sổ khi đi làm các thủ tục này, thay vào đó, chỉ cần mang theo căn cước công dân gắn chip.

Người bị tai nạn mất cả 2 tay thì có làm được CCCD gắn chíp không?

Trường hợp người bị tai nạn mất cả hai tay vẫn có thể làm Căn cước công dân và cán bộ thực hiện có trách nhiệm mô tả và nhập thông tin về tình trạng vân tay không thu nhận được.

Công dân có phải làm lại thẻ CCCD mới khi tẩy nốt ruồi hoặc sẹo trên mặt trùng với đặc điểm nhận dạng trên CCCD không?

Trường hợp vết sẹo hoặc nốt ruồi là đặc điểm nhân dạng được ghi trên CMND, CCCD có thay đổi thì phải làm thủ tục đổi CMND, CCCD.

Đổi từ CMND sang CCCD gắn chip có phải đổi số không?

Nếu công dân đang sử dụng CMND loại 9 số thì khi đổi sang CCCD sẽ thay đổi thành 12 số, đối với công dân đang sử dụng CMND loại 12 số thì pháp luật không có quy định rõ ràng, tuy nhiên trên thực tế số thẻ CMND 12 số vẫn được giữ nguyên kể cả khi người dân đổi từ CMND sang thẻ CCCD gắn chip.

Đổi từ CCCD sang CCCD gắn chip có phải đổi số không?

Khi đổi thẻ CCCD mã vạch sang thẻ CCCD gắn chip, 12 số trên thẻ CCCD mã vạch cũng sẽ được giữ nguyên.

Mã định danh có phải là số căn cước công dân không?

Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên. Trên thực tế thì đây là số căn cước công dân trên thẻ căn cước của công dân.

Sử dụng một lúc cả CMND, CCCD, CCCD gắn chíp có sao không?

Pháp luật không có quy định cụ thể đối với trường hợp sử dụng một lúc cả CMND,CCCD CCCD gắn chip.

Những loại giấy tờ cần cập nhật khi làm thẻ CCCD gắn chip?

Khi đổi Chứng minh nhân dân (CMND) sang Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, mọi giao dịch đã xác lập có sử dụng số CMND 9 số cũ vẫn có giá trị pháp lý. Tuy nhiên để thực hiện các giao dịch mới thuận tiện, tránh gặp rắc rối thì công dân nên thực hiện các cập nhật, sửa đổi thông tin trên một số giấy tờ như: Hộ chiếu, tài khoản ngân hàng, giấy tờ nhà đất, bảo hiểm y tế,… để thuận tiện đối chiếu khi cần.

Thay đổi thường trú có cần làm lại CCCD gắn chip không?

Theo quy định của Luật Căn cước công dân thì thay đổi nơi thường trú không thuộc trường hợp phải đổi CCCD.

CCCD gắn chip có thời hạn bao lâu?

Theo quy định của pháp luật thì hạn sử dụng của Căn cước công dân sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của người được cấp. Có ba mốc thời gian hết hạn của thẻ Căn cước công dân là 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

CCCD gắn chip có được đem đi cầm cố được không?

Hành vi cầm cố, nhận cầm cố thẻ Căn cước công dân là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Hành vi làm giả CCCD gắn chip bị phạt như thế nào?

Nếu chưa đến mức xử lý hình sự, thì người nào làm giả Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân giả có thể bị phạt hành chính từ 04 – 06 triệu đồng theo Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Bao nhiêu tuổi được làm CCCD gắn chip?

Theo quy định của Luật Căn cước công dân thì công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.

Người trên 60 tuổi có phải làm CCCD gắn chip không?

Nếu công dân đổi CCCD gắn chip khi đủ 60 tuổi, thời hạn sử dụng thẻ của họ là suốt đời, sử dụng đến khi mất mà không cần phải thực hiện thủ tục đổi thẻ thêm bất cứ lần nào trừ trường hợp thẻ CCCD bị mất, hay bị hư hỏng…

Hạn chót làm CCCD gắn chip là khi nào?

Trước khi CMND hoặc CCCD hết hạn thì công dân cần đi cấp đổi sang CCCD gắn chip. Hiện nay không có bất cứ văn bản pháp quy nào quy định chấm dứt giá trị sử dụng của thẻ chứng minh nhân dân hay căn cước công dân mã vạch (không gắn chip). Do đó các thẻ này vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Với chứng minh nhân dân loại cũ có giá trị sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp. Với các căn cước công dân 12 số mã vạch, thời hạn sử dụng được ghi ở mặt trước của thẻ căn cước.

Chúc các bạn thành công! Nếu quý khách đang có những vấn đề đề pháp lý khác cần được tư vấn. Vui lòng liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.

Đánh giá

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00