Nghị quyết là gì? Thẩm quyền ban hành nghị quyết là ai? Nội dung của nghị quyết có mấy loại? Hiệu lực của nghị quyết được áp dụng như thế nào? Tất cả các câu hỏi này sẽ được Luật Nguyễn Hưng giải đáp chi tiết và dễ hiểu trong nội dung bên dưới.
Nghị quyết là gì?
Nghị quyết là một văn bản quy phạm pháp luật, văn bản này thường là kết quả của những cuộc họp, hội nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi bàn bạc, đưa ra ý kiến, thống nhất thì sẽ biểu quyết và thông qua.
Thẩm quyền ban hành nghị quyết
Có nhiều chủ thể được quyền ban hành nghị quyết. Căn cứ luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các chủ thể có quyền ban hành nghị quyết:
- Nghị quyết của Quốc hội.
- Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã.
Nội dung của nghị quyết
Nội dung của nghị quyết tùy thuộc vào chủ thể ban hành và mục đích ban hành nghị quyết, có thể chia nội dung nghị quyết thành 02 loại:
Nội dung của nghị quyết quy phạm pháp luật
Thông thường những nghị quyết mang tính quy phạm được ban hành để quyết định các chủ trương, chính sách của nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội hay được dùng để giải thích nội dung của Hiến pháp hay các văn bản luật.
Ví dụ như: Quốc hội ban hành nghị quyết về tỷ lệ phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
Xem thêm: Văn bản dưới luật
Nội dung của nghị quyết áp dụng pháp luật
Nội dung này thường đưa ra cụ thể, hướng dẫn áp dụng pháp luật vào các trường hợp cụ thể, phát sinh trong nội bộ, trong phạm vi và lĩnh vực quản lý.
Ví dụ như: Quốc hội ban hành nghị quyết tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần luật, nghị quyết của Quốc hội đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quyền con người, quyền công dân; nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng luật, giám đốc việc xét xử.
Hiệu lực của nghị quyết
Hiệu lực của nghị quyết không được quy định riêng. Căn cứ vào Điều 151 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì:
Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương; không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.
Nghị quyết có phải là văn bản quy phạm pháp luật không?
Căn cứ Điều 4 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Nghị quyết là một trong những văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Nghị quyết được ban hành bởi những chủ thể có thẩm quyền, mang tính bắt buộc, được lặp đi lặp lại nhiều lần và được nhà nước đảm bảo thực hiện.
Ví dụ về nghị quyết
- Nghị quyết số 01/2010/NQ – HĐTP ngày 22/10/2010, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật hình sự.
- Nghị quyết số 02/2021/UBTVQH15 ngày 22/9/2021, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, phpas lệnh năm 2021.
- Nghị quyết số 15/2021/NQ – HĐND ngày 24/8/2021, nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quy định về mức chi xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nghị quyết số 12/2021/NQ – HĐND ngày 24/8/2021, nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Qua nội dung ở trên và các ví dụ thực tế về nghị quyết thì chắc hẳn quý đọc giả đã hiểu rõ hơn khái niệm về nghị quyết và các vấn đề liên quan tới nghị quyết. Nếu quý đọc giả có bất cứ câu hỏi nào về các vấn đề liên quan tới pháp luật. Đừng ngần ngại gửi ngay câu hỏi tới Luật Nguyễn Hưng để được giải đáp miễn phí nhé.