Sự kiện bất khả kháng là gì? Khi nào một sự kiện được xem là bất khả kháng? Các sự kiện bất khả kháng nào thường gặp trong hợp đồng? Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi có sự kiện bất khả kháng có vi phạm pháp luật không? Tất cả sẽ được Luật Nguyễn Hưng tư vấn giải đáp cụ thể trong bài viết này kèm theo các ví dụ về sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng được miễn trách nhiệm.
Sự kiện bất khả kháng là gì?
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.
Khi nào một sự kiện được xem là bất khả kháng?
Để một sự biến là một trường hợp “bất khả kháng”, theo Bộ luật Dân sự năm 2015, phải có 03 điều kiện:
Thứ nhất: sự kiện xảy ra một cách khách quan
Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định tiêu chí để xác định một sự kiện được xem là xảy ra một cách khách quan. Tuy nhiên, có thể suy luận một cách hợp lý rằng, một sự kiện xảy ra một cách khách quan khi sự kiện đó xảy ra không theo ý chí của các bên. Sự kiện này có thể là sự kiện tự nhiên như thiên tai, nhưng cũng thể là do con người gây ra như hành động của một người thứ ba. Về tính “khách quan”, trong thực tế giới hạn giữa “khách quan” và “không khách quan” đôi khi rất mỏng manh. Để xác định yếu tố khách quan thì điều quan trọng là xác định bên vi phạm có lỗi chủ quan hay chủ ý để xảy ra sự kiện bất khả kháng hay không.
Thứ hai: sự kiện xảy ra không thể lường trước được
Tương tự việc xác định một sự kiện được xem là xảy ra một cách khách quan, Bộ luật dân sự năm 2015 không quy định tiêu chí để xác định một sự kiện được xem là xảy ra không thể lường trước được. Diễn giải một cách đơn giản, một sự kiện là xảy ra không thể lường trước được khi sự kiện đó xảy ra nằm ngoài dự đoán của các bên. Vấn đề đặt ra là thời điểm hợp lý mà các bên phải lường trước được việc một sự kiện bất khả kháng có thể xảy ra khi Bộ luật dân sự năm 2015 không có quy định về vấn đề này. Có thể thấy các cam kết và nghĩa vụ trong hợp đồng được các bên đưa ra dựa trên hoàn cảnh, điều kiện và yếu tố khách quan tại thời điểm giao kết hợp đồng. Do đó, có thể suy luận một cách hợp lý rằng, sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện mà các bên không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Thứ ba: sự kiện xảy ra không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép
Bên cạnh các điều kiện yêu cầu sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện xảy ra khách quan và không thể lường trước được, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện không thể khắc phục được mặc dù bên có nghĩa vụ đã nỗ lực áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép để khắc phục tác động của sự kiện đến việc thực hiện hợp đồng.
Theo đó, bên có nghĩa vụ phải áp dụng mọi biện pháp trong khả năng cho phép để thực hiện các cam kết và nghĩa vụ ghi nhận tại hợp đồng và không thể trông chờ việc xảy ra một trở ngại khách quan để làm căn cứ miễn trách nhiệm thực hiện hợp đồng.
>> Xem thêm: Nhận diện và hạn chế những rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại
Một số sự kiện bất khả kháng thường gặp trong hợp đồng
Một số sự kiện bất khả kháng thường gặp như:
– Những hiện tượng do thiên nhiên gây ra (thiên tai) như lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần,…
– Những hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn,…
– Những sự kiện xảy ra do các bên thỏa thuận trong hợp đồng là sự kiện bất khả kháng như: thiếu nguyên liệu, mất điện, lỗi mạng,…
Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi có sự kiện bất khả kháng có vi phạm pháp luật không?
Pháp luật không quy định về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng khi có sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, căn cứ khoản 1 Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng:
“Điều 428. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng
Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Như vậy, khi các bên không có thỏa thuận về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng khi có sự kiện bất khả kháng thì không được đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Dịch Covid-19 có phải là “Sự kiện bất khả kháng” trong hợp đồng không?
Để xác định dịch Covid – 19 có phải là “Sự kiện bất khả kháng” trong hợp đồng hay không cần làm rõ 03 yếu tố cấu thành “Sự kiện bất khả kháng:
– Thứ nhất, sự kiện xảy ra một cách khách quan: Mặc dù nguồn gốc của dịch bệnh Covid – 19 còn gây tranh cãi nhưng đến nay được xem là xảy ra một cách khách quan. Việc ban hành, áp dụng các văn bản phòng, chống dịch Covid – 19 cũng được xem là khách quan.
– Thứ hai, sự kiện xảy ra không thể lường trước được: Dịch bệnh Covid – 19 xảy ra là ngoài ý muốn của các bên trong hợp đồng và các bên không thể lường trước được.
– Thứ ba, sự kiện xảy ra không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép: Nếu áp dụng các biện pháp khắc phục mà vẫn thực hiện được hợp đồng thì không được coi là bất khả kháng. Do vậy, dịch bệnh Covid – 19 có phải là sự kiện bất khả kháng hay không thì phải xem xét từng hợp đồng cụ thể, từng ngành nghề kinh doanh, địa điểm ảnh hưởng và khả năng áp dụng các biện pháp khắc phục của các bên.
Ví dụ sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng được miễn trách nhiệm
– Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 294 Luật thương mại 2005, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Điều này có nghĩa là hợp đồng có quy định hay không thì khi xảy ra sự kiện bất khả kháng dẫn tới việc vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm vẫn được miễn trách nhiệm.
Ví dụ 01: Ngày 06/12/2020, Công ty A ký hợp đồng mua bán của công ty khai khác và mua bán khoáng sản B 05 tấn quặng. Hai bên thỏa thuận ngày 05/1/2022 sẽ giao hàng. Tuy nhiên, ngày 01/01/2022 Thủ tướng Chính phủ có quyết định khai thác và mua bán quặng trong cả nước. Do đó, đến ngày 05/01/2022 bên B không thể giao hàng được cho bên A. Ở ví dụ này có thể thấy hợp đồng không thực hiện được là do có quyết định của người có thẩm quyền nên hai bên không thể thực hiện được. Đây được coi là sự kiện bất khả kháng được miễn trách nhiệm trong hợp đồng thương mại.
Ví dụ 02: Trong trường hợp đối với hợp đồng cho thuê nhà ở kinh doanh, khi Chính phủ ra Chỉ thị tạm ngừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhiều tỉnh (trừ các hình thức kinh doanh các mặt hàng thiết yếu) đã gây ra khó khăn cho các chủ cửa hàng, họ phải đóng cửa, công việc kinh doanh bị tạm dừng, không có thu nhập, do đó họ không còn đủ khả năng để thanh toán tiền nhà hàng tháng. Vì vậy, dịch bệnh Covid-19 chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc các chủ cửa hàng không thể thực hiện nghĩa vụ, có thể coi đây là một sự kiện bất khả kháng giúp người thuê nhà được miễn trách nhiệm dân sự khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán của mình theo khoản 2 Điều 351 Bộ Luật Dân Sự 2015.
– Bất khả kháng là yếu tố miễn trừ trách nhiệm hợp đồng cơ bản mà hầu hết các hệ thống pháp luật thừa nhận. Hoạt động xây dựng là một hoạt động mà thời gian thực hiện kéo dài và bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thời tiết. Bởi vậy, việc thực hiện các nghĩa vụ theo HĐXD, đặc biệt là nghĩa vụ của nhà thầu bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố thời tiết như mưa, bão, lũ, sóng thần…
Ví dụ 03: Công ty A ký kết hợp đồng xây dựng nhà ở với bên thầu xây dựng là Công ty B, theo nội dung hợp đồng, bên B có trách nhiệm hoàn thành xong công việc trong vòng 03 tháng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện hợp đồng được 01 tháng thì xuất hiện bão, lũ lụt kéo dài 02 tuần khiến cho công trình đang xây dựng bị hư hỏng nặng. Đây là sự kiện bất khả kháng xảy ra mà các bên không thể lường trước được. Do đó đây được coi là sự kiện bất khả kháng được miễn trách nhiệm trong hợp đồng xây dựng.
Kinh nghiệm đề phòng rủi ro khi soạn hợp đồng
Khi soạn thảo hợp đồng cần có thỏa thuận rõ ràng về các trường hợp bất khả kháng:
– Bất khả kháng có thể do hiện tượng thiên nhiên: Lũ, lụt, hỏa hoạn, động đất, sóng thần ..
– Bất khả kháng có thể do hiện tượng xã hội: Chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi của chính phủ …
– Có thể đưa ra các sự kiện chính liên quan đến hợp đồng ký kết như:mất điện, hỏng máy, bên cung cấp vật tư chậm trễ giao hàng,… là sự kiện bất khả kháng để miễn trách nhiệm.
Dịch vụ tư vấn, rà soát, soạn thảo hợp đồng
Dịch vụ tư vấn pháp luật thường xuyên cho Doanh Nghiệp của Luật Nguyễn Hưng là dịch vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các quy định pháp luật, hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó, Luật Nguyễn Hưng còn hỗ trợ quý khách hàng là doanh nghiệp tư vấn, rà soát, soạn thảo hợp đồng. Nắm bắt được nhu cầu của Quý khách hàng, Luật Nguyễn Hưng cung cấp các gói tư vấn pháp luật nhằm hỗ trợ thường xuyên/dài hạn, hiệu quả cho Doanh nghiệp phát triển bền vững.
Luật Nguyễn Hưng với đội ngũ luật sư am hiểu về nhiều lĩnh vực pháp luật, đối với từng vụ việc cụ thể chúng tôi sẽ sắp xếp luật sư chuyên ngành phù hợp và có thâm niên công tác lâu năm để hỗ trợ Quý khách hàng.