090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Nhận diện và hạn chế những rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại

Những rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại thường gặp là gì? Cách nhận diện và hạn chế những rủi ro pháp lý ảnh hưởng đến thực hiện hợp đồng thương mại như thế nào? Dưới đây là những rủi ro pháp lý trong hợp đồng thường gặp nhất của một doanh nghiệp trong quá trình hơn 10 năm Luật Nguyễn Hưng cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp khu vực TPHCM và các tỉnh muốn chia sẻ tới quý doanh nghiệp. Hãy cùng xem để hạn chế tối đa được các rủi ro hợp đồng mới trong tương lai nhé!

Những rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại thường gặp

Rủi ro liên quan đến chủ thể tham gia ký kết hợp đồng

Khi tiến hành ký kết hợp đồng, để phòng tránh rủi ro liên quan đến chủ thể thì cần kiểm tra thông tin của chủ thể:

  • Chủ thể tham gia ký kết hợp đồng phải có năng lực pháp luật dân sự và đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;
  • Xác định chủ thể ký hợp đồng có tư cách pháp nhân, có thẩm quyền đại diện tham gia ký kết;
  • Trong trường hợp người ký hợp đồng được ủy quyền thì phải xem phạm vi được ủy quyền của người này, tránh vượt quá phạm vi ủy quyền.
Những rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại
Những rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại

Rủi ro về mặt hình thức của hợp đồng

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Pháp luật luôn ưu tiên sự thỏa thuận của các bên nhưng không được vi phạm pháp luật.

Có một số loại hợp đồng được luật quy định về mặt hình thức, trường hợp các bên khi tham gia giao kết hợp đồng không cẩn thận sẽ gặp rủi ro hợp đồng bị vô hiệu do không đúng hình thức. Rủi ro về mặt hình thức của hợp đồng thường gặp, ví dụ: Hai bên xác lập loại hợp đồng bắt buộc lập thành văn bản nhưng khi giao kết lại không lập thành văn bản; Loại hợp đồng bắt buộc công chứng, chứng thực nhưng lại không thực hiện công chứng, chứng thực.

Rủi ro về nội dung của hợp đồng thương mại

Rủi ro liên quan tới nội dung và điều khoản của hợp đồng

Thông thường, đối tượng của hợp đồng thương mại sẽ liên quan đến hàng hóa, dịch vụ. Trong quá trình thương lương, đàm phán hoặc thực hiện hợp đồng, nội dung và điều khoản cần được kiểm tra cẩn thận về mặt pháp lý, quy định chi tiết các điều khoản để tránh rủi ro khi tranh chấp xảy ra:

  • Đối tượng của hợp đồng là hàng hóa, dịch vụ không đủ điều kiện để thực hiện gia dịch (hàng cấm, hàng bị hạn chế,…. );
  • Khi giao kết hợp đồng cần nêu rõ về chủng loại, số lương, tiêu chuẩn, quy cách đóng gói, vận chuyển, địa điểm giao nhận, phạm vi công việc, kết quả công việc;
  • Số lần thanh toán, phương thức thanh toán, chi phí dịch vụ;
  • Thời gian hợp đồng có hiệu lực, thời gian bắt đầu thực hiện nghĩa vụ, thời gian kết thúc hợp đồng;
  • Mức độ hoàn thành công việc, bảo mật thông tin,…
  • ……..

Xem thêm: Bảo lãnh ngân hàng là gì? Quy định về bảo lãnh thanh toán của ngân hàng

Rủi ro về điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trên thực tế, có nhiều rủi ro xảy ra bất ngờ, mang tính chất khách quan không thể ngăn ngừa trước được, dẫn đến một hoặc hai bên không thể thực hiện hợp đồng hoặc chỉ thực hiện được một phần của hợp đồng. Các bên phải quy định rõ về các trường hợp bất khả kháng và phương án giải quyết trong hợp đồng.

Ví dụ về sự kiện bất khả kháng: thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, chiến tranh, bạo động, phong tỏa,….

Rủi ro về điều khoản phạt vi phạm và điều khoản bồi thường

Luật Thương mại quy định:

  • Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, mức phạt do các bên tự thỏa thuận nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Nếu các bên không thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm không được áp dụng chế tài phạt vi phạm.
  • Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Các bên phải hiểu được 02 chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại khác nhau, nắm rõ quy định về 02 chế tài này khi thỏa thuận, ký kết hợp đồng. Nếu bỏ qua điều khoản này, các bên có thể gặp rủi ro khi phát sinh tranh chấp, phát sinh thiệt hại khi có bên không thực hiện đúng nghĩa vụ.

Rủi ro về điều khoản giải quyết tranh chấp

Điều khoản giải quyết tranh chấp cũng được xem là một điều khoản quan trọng. Các hình thức giải quyết tranh chấp được Luật Thương mại chấp nhận là: Hai bên tự thương lượng; hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải; giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án.

Ngoài ra, khi có đối tác là người nước ngoài, các bên cũng cần quy định rõ trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì sẽ giải quyết theo luật của nước nào.

Xem thêm: Tranh chấp thương mại là gì? Hình thức giải quyết tranh chấp thương mại

Rủi ro liên quan tới khả năng thanh toán

Rủi ro này thường xảy ra phổ biến, khi một bên đã thực hiện xong nghĩa vụ nhưng bên còn lại không thanh toán hoặc thanh toán chậm trễ, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của bên đã thực hiện xong nghĩa vụ.

Để ngăn ngừa rủi ro này, các bên cần có điều khoản phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và giải quyết tranh chấp khi xảy ra tình trạng chậm thanh toán.

Rủi ro do đối tác vi phạm nghĩa vụ hợp đồng

Vi phạm nghĩa vụ là việc mà bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.

Rủi ro liên quan tới phụ lục hợp đồng

Trong quá trình kí hợp đồng hoặc sau khi kí hợp đồng, nếu nhận thấy có những vấn đề chưa rõ, có phát sinh cần thay đổi hoặc cần bổ sung thêm các điều khoản thì hai bên có thể kí thêm phụ lục hợp đồng. Phụ lục hợp đồng là một phần của hợp đồng không thể tách rời, nếu tách rời thì phụ lục hợp đồng không có giá trị.

Nhận diện những rủi ro pháp lý ảnh hưởng đến thực hiện hợp đồng thương mại

Trong quá trình thực hiện hợp đồng có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra, nguyên nhân xuất phát thường nằm ở quá trình đàm phán và soạn thảo. Một số rủi ro pháp lý thường gặp và cách hạn chế:

  • Kiểm tra chủ thể ký hợp đồng, người đại diện hoặc người được ủy quyền ký hợp trong phạm vi cho phép;
  • Đối tượng của hợp đồng phải giao dịch được, không nằm trong trường hợp bị cấm hoặc hạn chế giao dịch;
  • Xác định được nội dung hợp đồng, bản chất hợp đồng để lựa chọn hình thức hợp đồng cho đúng;
  • Hình thức và nội dung của hợp đồng không đúng có thể dẫn đến hợp đồng vô hiệu;
  • Các điều khoản của hợp đồng chưa quy định chặt chẽ, cụ thể và chi tiết;
  • Các điều khoản về phạt vi phạm thường không được nhắc đến;
  • Các trường hợp bất khả kháng;
  • ……

Các nguyên nhân dẫn đến những rủi ro pháp lý có thể là nguyên nhân chủ quan từ chính các bên trong hợp đồng mua bán hoặc có thể là nguyên nhân khách quan đến từ bên ngoài. Khi nhận diện được nguyên nhân rủi ro, các bên có thể chủ động phòng ngừa, lên kế hoạch cụ thể, có cái nhìn tổng thể hơn về quyền và nghĩa vụ của mình/của đối tác trong phạm vi hợp đồng để soạn thảo các nội dung một cách chính xác, chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của mình và không vi phạm pháp luật.

Các biện pháp hạn chế tối đa những rủi ro pháp lý trong hợp đồng

  • Kiểm tra thông tin để đảm bảo hợp đồng không bị vô hiệu: Chủ thể giao kết hợp đồng có tư cách giao dịch, đầy đủ năng lực hành vi dân sự; đối tượng mua bán được phép lưu thông, trao đổi hàng hóa bình thường, những hàng hóa thuộc trường hợp kinh doanh có điều kiện thì cần chuẩn bị thêm giấy phép; nội dung các điều khoản không trái pháp luật; hình thức hợp đồng theo luật định.
  • Nghiên cứu các điều khoản trong hợp đồng cẩn thận, rà soát kỹ về tính hợp pháp, hợp lý của các điều khoản. Các điều khoản cần được ghi chi tiết để đề phòng rủi ro khi xảy ra tranh chấp: Giá cả cần ghi rõ cụ thể số tiền, được tính theo thời giá hay giá cố định, đơn vị tính, hình thức thanh toán, thời hạn thanh toán; địa điểm giao hàng, chi phí giao hàng, chi phí kho bãi (nếu có); điều khoản về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại; các trường hợp bất khả kháng; hình thức giải quyết khi xảy ra tranh chấp;…
  • Ngoài ra để xử lý triệt để các rủi ro trong hợp đồng, các doanh nghiệp nên sử dụng luật sư tư vấn pháp luật thường xuyên.
Tư vấn soạn thảo hợp đồng thương mại hạn chế rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp
Tư vấn soạn thảo hợp đồng thương mại hạn chế rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp

Tham khảo: Dịch vụ tư vấn pháp luật thường xuyên cho doanh nghiệp tại TPHCM

Cách xử lý trong trường hợp rủi ro vẫn xảy ra

Khi xảy ra tranh chấp, việc đầu tiên cần làm là rà soát lại hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký, đối chiếu các điều khoản về quyền lợi và nghĩa vụ của từng bên đối với hợp đồng. Hình thức giải quyết tranh chấp bằng cách thương lượng sẽ được ưu tiên, nếu các bên không thống nhất đi đến kết quả cuối cùng thì xem lại điều khoản giải quyết tranh chấp để xác định cơ quan có thẩm quyền.

Thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng được xác định như thế nào?

Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau trong mỗi trường hợp khác nhau mà thời điểm chuyển rủi ro cũng sẽ khác nhau. Ví dụ trong trường hợp giao nhận hàng hóa, các bên có thỏa thuận địa điểm giao hàng, bên bán vận chuyển hàng hóa đến địa điểm giao nhận đã thỏa thuận, người nhận hàng của bên mua tiếp nhận hàng hóa thì lúc này rủi ro  về hàng hóa sẽ chuyển qua cho bên mua.

Trên đây là bài chia sẻ của Luật Nguyễn Hưng về “Nhận diện và hạn chế những rủi ro pháp lý trong hợp đồng thương mại“. Hy vọng quý doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để hạn chế những rủi ro không đáng có trong các hợp đồng kinh doanh, thương mại trong tương lai. Chúc thành công!

Trân trọng ./.

Đánh giá

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00