090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Giải đáp nhanh những câu hỏi về trợ cấp thất nghiệp 2024

Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có được hưởng chế độ bảo hiểm y tế không?

Căn cứ theo Điều 51 Luật việc làm năm 2013 và Khoản 6 Điều 2 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP thì người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Và người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được tổ chức bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Việc hưởng chế độ bảo hiểm y tế đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ chấm dứt khi người này bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Khoản 11 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP.

Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa năm 2024 là bao nhiêu?

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa sẽ phụ thuộc vào khu vực hưởng, được chia ra làm 2 nhóm, như sau:

Nhóm 1 là khu vực nhà nước, theo Khoản 1 Điều 50 của Luật việc làm năm 2013 thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Theo đó, căn cứ theo Khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 24/2023/NĐ-CP thì mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng. Như vậy, đối với nhóm này, mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là bằng 1.800.000 đồng x 5 = 9.000.000 đồng.

Nhóm 2 là khu vực doanh nghiệp, theo Khoản 1 Điều 50 của Luật việc làm năm 2013 không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Theo đó, căn cứ theo Khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 38/2022/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu sẽ chia theo 4 vùng tương ứng như sau:  Vùng I – 23,4 triệu đồng; Vùng II – 20,8 triệu đồng; Vùng III – 18,2 triệu đồng; Vùng IV – 16,25 triệu đồng. Theo đó, ta thấy được đối với nhóm này mức trợ cấp thất nghiệp tối đa là 23,4 triệu đồng.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính như thế nào?

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật việc làm năm 2013.  Theo đó, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp 1 năm được hưởng mấy tháng trợ cấp thất nghiệp?

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, đóng bảo hiểm thất nghiệp 1 năm sẽ được hưởng 03 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp theo Khoản 2 Điều 50 Luật việc làm năm 2013.

Nghỉ việc 1 năm có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

Nghỉ việc 1 năm vẫn có thể được hưởng bảo hiểm thất nghiệp nếu đáp ứng được điều kiện về thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập theo Khoản 1 Điều 46 Luật việc làm năm 2013. Nếu không đáp ứng được thời hạn 03 tháng trên, người lao động sẽ không đáp ứng được điều kiện để nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo Khoản 1 Điều 17 của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP. Trong trường hợp không đáp ứng được thì số tiền trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không đến nhận được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp căn cứ theo Khoản 6 Điều 18 của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.

>> Tham khảo: 13 trường hợp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp NLĐ cần lưu ý

Trong thời gian thất nghiệp đã tìm được việc làm có được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Trong thời gian thất nghiệp đã tìm được việc làm sẽ không được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì xét theo Điểm b Khoản 3 Điều 51 Luật việc làm năm 2013 thì đối tượng tìm được việc làm thuộc trường hợp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Xác định người lao động “có việc làm” sẽ dựa theo những trường hợp được liệt kê tại Điểm b khoản 1 Điều 21 được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp vào những ngày của tháng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp của cả tháng đó, xét theo Khoản 4 Điều 21 của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP.

Người lao động có được chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Người lao động được quyền chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp. Căn cứ theo Khoản 1 Điều 22 của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hồ sơ và thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng được quy định cụ thể tại Điều 22 của Nghị định này và Khoản 10 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP.

Nhận trợ cấp thất nghiệp có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?

Trợ cấp thất nghiệp không phải đóng thuế thu nhập cá nhân xét theo Tiết b.6 Điểm b Khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 111/2013/TT-BTC.

Nghỉ việc đi nghĩa vụ quân sự có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Đối tượng nghỉ việc đi nghĩa vụ quân sự sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì xét theo điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Điều 49 Luật việc làm năm 2013, đối tượng đi nghĩa vụ quân sự rơi vào trường hợp ngoại trừ của Khoản 4 Điều. Ngoài ra, nếu như trong trường hợp đang được hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi thì cũng bị chấm dứt nếu thực hiện đi nghĩa vụ quân sự, căn cứ theo Điểm c Khoản 3 Điều 53 Luật việc làm năm 2013.

Bị kỷ luật buộc thôi việc có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Với quy định pháp luật hiện hành, trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì căn cứ theo các trường hợp được liệt kê tại Khoản 1 Điều 49 Luật việc làm năm 2013 về chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì không có liệt kê ngoại lệ của việc bị kỷ luật buộc thôi việc sẽ được hưởng trợ cấp. Tuy nhiên, Luật việc làm dự thảo đang có quy định bổ sung trường hợp này được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Điểm b Khoản 1 Điều 111 Luật việc làm dự thảo.

Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chết thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa hay không?

Căn cứ theo Điểm k Khoản 3 Điều 53 Luật việc làm năm 2013 thì trường hợp người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp chết thì bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Quy định về tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp như thế nào?

Quy định về tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Khoản 1 Điều 53 Luật việc làm năm 2013 và được hướng dẫn bởi Điều 19 và Điều 20 Nghị định 28/2015/NĐ-CP. Theo đó, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp phải thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định tại Điều 52 Luật Việc làm. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày người lao động không đến thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định, trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định về việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Quyết định về việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp được trung tâm dịch vụ việc làm gửi: 01 bản đến Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để thực hiện tạm dừng chi trả trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động; 01 bản đến người lao động. Quyết định về việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Trong thời gian tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, việc tạm dừng này vẫn có thể chấm dứt và người lao động vẫn được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu vẫn còn thời gian được hưởng theo quyết định thì tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật việc làm năm 2013.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được hình thành từ nguồn nào?

Căn cứ theo Điều 5 của Nghị định số  28/2015/NĐ-CP thì Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được hình thành từ 3 nguồn chính: Thứ nhất, các khoản đóng và hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013; Thứ hai, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Thứ ba, Nguồn thu hợp pháp khác, bao gồm: tiền lãi chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định; các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng như thế nào?

Xét theo Khoản 3 Điều 57 Luật việc làm 2013 thì Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng vào các hoạt động sau: Chi trả trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp; Chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội; Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng Quỹ.

Bài viết trên đây là những tư vấn giải đáp những thắc mắc của khách hàng gửi câu hỏi về Luật Nguyễn Hưng nhờ được tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để được giải đáp.

5/5 - (1 đánh giá)

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00