Thời hiệu là gì? Có những loại thời hiệu nào? Cách tính thời hiệu như thế nào? So sánh thời hiệu và thời hạn theo quy định của Bộ luật Dân sự. Luật Nguyễn Hưng sẽ giải đáp cụ thể các vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Thời hiệu là gì?
Theo khoản 1 Điều 149 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định”. Nói cách khác, thời hiệu là khoảng thời gian thời gian do luật quy định được xác định từ thời điểm bắt đầu đên thời điểm kết thúc mà khi kết thúc khoảng thời gian đó thì phát sinh một hậu quả pháp lý nhất định đối với chủ thể. Hậu quả pháp lý của thời hiệu có thể là chủ thể được hưởng một quyền dân sự; được miễn việc thực hiện nghĩa vụ dân sự; mất quyền khởi kiện vụ án dân sự; mất quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự.
Có những loại thời hiệu nào?
Thời hiệu được chia làm 5 loại cụ thể:
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:
Không truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tính từ ngày phạm tội đã qua những thời hạn: 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt từ 2 năm tù trở xuống hoặc hình phạt khác nhẹ hơn; 10 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm; 15 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;
Thời hiệu thi hành bản án hình sự:
Không buộc người bị kết án phải chấp hành bản án, nếu tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật đã qua những thời hạn: 5 năm đối với các trường hợp xử phạt từ năm năm tù trở xuống; 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên năm năm đến mười lăm năm; 15 năm đối với trường hợp xử phạt tù từ trên mười lăm năm đến hai mươi năm;
Thời hiệu hưởng quyền dân sự:
Là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự;
Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự:
Là thời hạn mà khi kết thúc nó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn thực hiện nghĩa vụ đó;
Thời hiệu khởi kiện:
Là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện, nếu thời hiệu đó kết thúc thì chủ thể mất quyền khởi kiện. Tuy nhiên, riêng đối với thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không áp dụng đối với các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Cách tính thời hiệu
Cách tính thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự
Theo Điều 151 Bộ luật dân sự 2015 quy định thời hiệu hưởng quyền dân sự và miễn trừ nghĩa vụ dân sự được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu. Như vậy, thời hiệu được xác định là “ngày”.
Về nguyên tắc, hai loại thời hiệu này có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc; nếu có sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu được tính lại từ đầu, sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt (Điều 153 BLDS). Căn cứ vào đặc điểm của pháp luật về thời hiệu mà khi pháp luật quy định chủ thể được hưởng quyền hoặc miền trừ nghĩa vụ dân sự theo thời hiệu, thì chỉ sau khi thời hiệu đó kết thúc, việc hưởng quyền hoặc miễn trừ nghĩa vụ có hiệu lực (Điều 152 BLDS).
Cách tính thời hiệu khởi kiện
Theo khoản 1 Điều 154 Bộ Luật dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày người người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
Thời điểm quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là thời điểm người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ nhưng họ đã không thực hiện. Ví dụ: các bên thỏa thuận về thời điểm trả nợ trong hợp đồng vay nhưng đến thời điểm đó bên vay không trả, kể từ thời điểm này bên cho vay có quyền khởi kiện trước tòa án yêu cầu bên vay phải trả nợ.
Trường hợp các bện không quy định thời hạn thực hiện nghĩa vụ, thì tuỳ theo tính chất của từng quan hệ mà pháp luật cổ những quy định riêng như “bất cứ lúc nào”, “ngay lập tức”, “khoảng thời gian hợp lý”, hoặc “khi có yêu cầu”,…Chỉ sau khi kết thúc thời hạn đó mới coi là thời điểm vi phạm và bắt đầu tính thời hiệu. Trong một số trường hợp, thời điểm vi phạm là thời điểm xác lập quan hệ (tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu) hoặc là thời điểm xảy ra một sự kiện nào đó (thời điểm mở thừa kế)…
Cách tính thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
Theo Khoản 2 Điều 154 BLDS 2015 thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Cách tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo khoản 3, Điều 27 Bộ luật hình sự 2015: “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện”. Cũng tại khoản 2 Điều này, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
– Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng.
– Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;
– Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng;
– Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
+ Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt từ một năm tù trở lên thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ tính lại kể từ ngày phạm tội mới (Khoản 3, Điều 27 BLHS 2015);
+ Nếu trong thời hạn nói trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính; thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ (Khoản 3, Điều 27 BLHS 2015).
Cách tính thời hiệu thi hành bản án hình sự
Theo Điều 60 Bộ luật Hình sự 2015, thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên. Theo khoản 2 điều này quy định thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án như sau:
– 05 năm đối với các trường hợp: phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 03 năm trở xuống;
– 10 năm đối với các trường hợp: phạt tù từ trên 03 – 15 năm;
– 15 năm đối với các trường hợp: phạt tù từ trên 15 – 30 năm;
– 20 năm đối với các trường hợp: phạt tù chung thân hoặc tử hình.
Đối với pháp nhân thương mại: Thời hiệu thi hành bản án hình sự là 05 năm.
Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:
– Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
– Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp BLDS, luật khác có liên quan quy định khác.
– Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
– Trường hợp khác do luật quy định.
So sánh thời hiệu và thời hạn
Tiêu chí | Thời hiệu | Thời hạn |
Khái niệm | Là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định | Là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác |
Đơn vị tính | Năm | Bất kỳ đơn vị nào (ngày, tháng, năm…) hoặc một sự kiện có thể xảy ra |
Phân loại | Bao gồm 4 loại:
1/ Thời hiệu hưởng quyền dân sự; 2/ Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự; 3/ Thời hiệu khởi kiện; 4/ Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự 4/ Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; 5/ Thời hiệu thi hành bản án hình sự. |
Dựa vào chủ thể quy định có 3 loại: 1/ Thời hạn do luật định;
2/ Thời hạn thỏa thuận theo ý chí của các bên; 3/ Thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định khi xem xét, giải quyết các vụ việc cụ thể. |
Thời điểm bắt đầu | Ngày bắt đầu của thời hiệu có tính vào thời hiệu | Ngày bắt đầu của thời hạn không tính vào thời hạn |
Gia hạn | Thời hiệu hết thì không được gia hạn, không được rút ngắn hoặc kéo dài (do thời hạn do pháp luật quy định). | Thời hạn đã hết có thể gia hạn, kéo dài thời hạn. |
Chủ thể áp dụng | Các cơ quan nhà nước, chủ yếu là Toà án, Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát | Cơ quan nhà nước
Cá nhân, tổ chức |
Trường hợp áp dụng | Cơ quan nhà nước áp dụng để giải quyết các yêu cầu, tranh chấp theo luật định. | Trong giao dịch dân sự giữa cá nhân, tổ chức với nhau
Cơ quan nhà nước áp dụng để giải quyết vấn đề cụ thể |
Hậu quả pháp lý | Không phải gánh chịu hậu quả pháp lý | Chủ thể tham gia giao dịch dân sự đó phải gánh chịu hậu quả bất lợi nào đó. |
Cơ sở pháp lý | Điều 149 đến 157 Bộ luật dân sự 2015 | Điều 144 đến 148 Bộ luật dân sự 2015 |
Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Nguyễn Hưng về “Thời hiệu là gì? So sánh thời hiệu và thời hạn“. Hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích dành cho bạn. Trong quá trình tìm hiểu thông tin, nếu bạn còn những thắc mắc nào cần được giải đáp. Hãy liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.
Trân trọng ./.