090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Thừa kế thế vị là gì? Điều kiện để hưởng thừa kế thế vị như thế nào?

Thừa kế thế vị là gì? Để hưởng thừa kế thế vị cần thỏa mãn những điều kiện gì? Khi nào phát sinh trường hợp thừa kế thế vị? Hồ sơ khai nhận hưởng di sản thừa kế thế vị như thế nào? Luật Nguyễn Hưng sẽ giải đáp các vấn đề này chi tiết kèm theo các ví dụ về thừa kế thế vị thực tế trong bài viết sau.

Thừa kế thế vị là gì?

Tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

Thừa kế thế vị là gì?
Thừa kế thế vị là gì?

Vậy, thừa kế thế vị là một trường hợp đặc thù của thừa kế theo pháp luật xảy ra khi con thay thế vị trí của cha hoặc mẹ để nhận di sản thừa kế từ ông bà nội, ông bà ngoại, cụ nội, cụ ngoại nếu cha hoặc mẹ đã chết trước hoặc chết cùng thời điểm với những người này.

Điều kiện để hưởng thừa kế thế vị

Để hưởng thừa kế thế vị cần thỏa mãn những điều kiện như sau:

– Người thừa kế chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì mới phát sinh thừa kế thế vị.

– Những người thừa kế phải có quan hệ thừa kế thứ hai trong hàng thừa kế thứ nhất (là quan hệ thừa kế giữa cha mẹ, con). Trong đó người thế vị phải là người ở đời sau, đồng nghĩa với việc chỉ có con thế vị cha, mẹ để hưởng di sản của ông bà hoặc cụ và không xảy ra trường hợp ngược lại. Người được hưởng thừa kế thế vị ngoài là con đẻ thì có thể là con nuôi theo quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ quy định tại Điều 653 Bộ luật Dân sự.

– Cháu, chắt của người để lại di sản phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi ông, bà, cụ chết mới được hưởng thừa kế thế vị.

Điều kiện được hưởng thừa kế thế vị
Điều kiện được hưởng thừa kế thế vị

Các trường hợp thừa kế thế vị

Các trường hợp thừa kế thế vị bao gồm:

– Cháu thế vị cha hoặc mẹ để hưởng phần di sản của ông bà.

– Chắt thế vị cha hoặc mẹ để hưởng phần di sản của cụ.

Trường hợp được hưởng thừa kế thế vị chỉ phát sinh từ thừa kế theo pháp luật mà không phát sinh từ thừa kế theo di chúc.

Người thừa kế thế vị không được hưởng di sản nếu họ từ chối nhận di sản hoặc bị truất quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 620 và 621 Bộ luật Dân sự.

Ví dụ về thừa kế thế vị

Ví dụ 1: Ông A và bà B kết hôn với nhau có một người con là C. C kết hôn với M và có một người con là H. Năm 2016, C chết vì tai nạn giao thông. Đến năm 2018 thì A chết và không để lại di chúc. Trong trường hợp này thì khi A chết, sẽ chia thừa kế theo pháp luật cho người thừa kế của A là bà B và C. Tuy nhiên, C đã chết trước A nên tài sản mà mà lẽ ra C được hưởng sẽ do H là con của C thừa kế thế vị.

Ví dụ 2: Ông C và bà D kết hôn có một người con trai là B. B kết hôn với H có một người con trai là A. A kết hôn với N và có một người con gái là M. Năm 2019, B và A cùng qua đời vì tai nạn giao thông. Năm 2021, ông C đột ngột qua đời không để lại di chúc, tài sản mà ông C để lại được chia theo pháp luật, theo hàng thừa kế thứ nhất thì bà D (vợ ông C) và người con trai là B được hưởng thừa kế. Nhưng năm 2019, B chết nên phần thừa kế sẽ được chia cho người con của B là A hưởng, cùng năm đó A cũng cũng chết nên phần tài sản đó M sẽ được hưởng (M là con của A, là cháu nội của B và là chắt của ông C).

Vợ có được hưởng thừa kế thế vị của chồng không?

Bộ luật Dân sự không có quy định vợ được hưởng thừa kế thế vị của chồng. Thừa kế thế vị chỉ xảy ra trong trường hợp cháu thế vị cha hoặc mẹ để hưởng phần di sản của ông bà; chắt thế vị cha hoặc mẹ để hưởng phần di sản của cụ. Như vậy, vợ không được hưởng thừa kế thế vị của chồng.

Hồ sơ khai nhận hưởng di sản thừa kế thế vị

Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế thế vị gồm:

Hồ sơ khai nhận di sản của người thừa kế như:

+ Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của từng người thừa kế.

+ Hộ khẩu.

+ Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận tình trạng độc thân hoặc xác nhận độc thân.

+ Hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền khi xác lập giao dịch qua người đại diện.

+ Giấy khai sinh, giấy xác nhận con nuôi, các giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản thừa kế.

+ Giấy chứng tử của cha hoặc mẹ.

Hồ sơ pháp lý của người để lại di sản thừa kế bao gồm:

+ Giấy chứng tử của người để lại di sản hoặc giấy báo tử hay bản án tuyên bố đã chết.

+ Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc giấy xác nhận độc thân.

+ Di chúc.

Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế:

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, do UBND cấp, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên đất, các loại giấy tờ khác về nhà ở; Giấy phép mua bán, chuyển dịch nhà cửa – hợp thức hóa do UBND quận/huyện cấp có xác nhận của Phòng thuế trước bạ và thổ trạch; Văn tự bán nhà được UBND chứng nhận (nếu có); Biên lai thu thuế nhà đất (nếu có)

+ Giấy phép xây dựng (nếu có).

+ Biên bản kiểm tra công trình hoàn thành (nếu có).

+ Bản vẽ do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện, đã được UBND hoặc Phòng Tài nguyên và môi trường xác nhận kiểm tra, quy hoạch (nếu có).

+ Giấy tờ về tài sản khác (Sổ tiết kiệm, giấy đăng ký xe ô tô, …).

Trên đây là tư vấn giải đáp của Luật Nguyễn Hưng. Nếu bạn có thắc mắc về vấn đề thừa kế thế vị, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để được luật sư tư vấn.

Đánh giá

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00