Hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là gì? Các dấu hiệu nhận biết tội phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản như thế nào? Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hoàn thành khi nào? Khung hình phạt tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hiện hành như thế nào? Luật Nguyễn Hưng sẽ tư vấn giải đáp chi tiết kèm theo ví dụ thực tiễn trong bài viết dưới đây.
Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi gì?
Bắt cóc là hành vi vận chuyển, giam giữ một hay nhiều người trái với ý muốn của họ. Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt cóc để đòi tiền chuộc, chiếm đoạt tài sản của người bị bắt cóc hoặc người khác có liên quan đến người bị bắt cóc… Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi cấm, gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến an ninh – trật tự, xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng của người khác.
Các dấu hiệu nhận biết tội phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
Khách thể của tội phạm
Hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, mà còn xâm phạm các quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của con người.
Mặt khách quan của tội phạm
Tội phạm của tội này có các hành vi như:
– Bắt giữ người trái pháp luật, uy hiếp hay tạo áp lực buộc nạn nhân phải giao tài sản. Người phạm tội có thể dung vũ lực, vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm để đe dọa nạn nhân.
– Bắt giữ người để uy hiếp người khác giao tài sản để chuộc người bị bắt giữ, gây sức ép về mặt tinh thần, sức khỏe của người bị bắt giữ nhằm buộc bị hại phải giao tài sản thì người bị bắt giữ mới an toàn.
Chủ thể của tội phạm
Bất kỳ người nào có hành vi phạm tội mà đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, thì đều có thể là chủ thể của loại tội phạm này.
Mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý, nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Nhận thức được hành vi của mình như vẫn cố tình thực hiện.
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hoàn thành khi nào?
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản hoàn thành khi người phạm tội thực hiện được hành vi bắt cóc người khác và có hành vi chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản của người khác hay không thì không phải là căn cứ để định tội.
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định của luật hình sự
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 169 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Người phạm tội có các hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản. Có các tình tiết tăng nặng như: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;… Ngoài ra, số tiền người phạm tội chiếm đoạt được cũng được xem là tình tiết định khung, tình tiết nguy hiểm nhất là làm chết người.
>> Xem thêm: Bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ bị xử lý như thế nào?
Khung hình phạt tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
Tại Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định cụ thể về từng trường hợp và các khung hình phạt tương ứng như sau:
Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11 % đến 30%;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo đó, người chuẩn bị phạm tội hay người phạm tội đều sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào mức độ. Mức phạt cao nhất đối với tội này là phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung than. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền, phạt quản chế, cấm cư trú hoặc tịch thu tài sản.
Dàn dựng bắt cóc để tống tiền thì phạm tội gì?
Câu hỏi: Thưa luật sư, tôi có thuê anh A về việc đóng giả làm người bắt cóc tôi để đòi một số tiền chuộc từ ba mẹ tôi. Sau đó anh A bị công an bắt giữ khi đang nhận tiền chuộc từ ba mẹ của tôi. Vậy anh A có bị quy vào tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản không? Anh A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Rất mong nhận được giải đáp từ luật sư!
Trả lời:
Trong trường hợp này, do cả 02 thống nhất việc dàn dựng bắt cóc nên không có hành vi vận chuyển, giam người trái với ý muốn, cũng không có việc dung vũ lực, uy hiếp con tin giao nộp tài sản. Do đó, không cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trường hợp này, anh và anh A đã tạo ra một tình huống giả nhằm uy hiếp tin thần của ba mẹ anh với mục đích chiếm đoạt tài sản. Hành vi này có thể cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản,…”. Ngoài ra, anh cũng có thể bị liên quan đến tội này với vai trò đồng phạm vì đã cùng bàn bạc, lên kế hoạch, phân công công việc.
Trên đây là tư vấn của Luật Nguyễn Hưng về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Hy vọng qua bài viết mang tới những kiến thức hữu ích dành cho quý khách. Nếu quý khách đang có những vấn đề đề pháp lý khác cần được tư vấn. Vui lòng liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.