Khái niệm văn bản pháp luật là gì? Do những chủ thể có thẩm quyền như thế nào ban hành? Đặc điểm của các loại văn bản pháp luật ra sao? Trong bài viết dưới đây của Luật Nguyễn Hưng sẽ giải đáp cho cả nhà một cách ngắn gọi và dễ hiểu nhất.
Văn bản pháp luật là gì?
Văn bản pháp luật là văn bản dùng để thể hiện ý chí của chủ thể có thẩm quyền ban hành, được ban hành theo trình tự, thủ tục và hình thức pháp luật quy định. Văn bản pháp luật khi ban hành sẽ mang tính bắt buộc và đảm bảo bằng quyền lực của nhà nước.
Đặc điểm của văn bản pháp luật
Văn bản pháp luật do những chủ thể có thẩm quyền ban hành
Chủ thể có thẩm quyền ban hành bao gồm: Cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp hoặc một số chủ thể khác như người đứng đầu các cơ quan nhà nước, thủ trưởng,… Các văn bản pháp luật phải đảm bảo được ban hành bởi những chủ thể có thẩm quyền trên, nếu không sẽ không có giá trị pháp lý.
Văn bản pháp luật có hình thức do pháp luật quy định
Văn bản pháp luật được cấu thành bởi hai yếu tố là tên gọi và thể thức văn bản:
– Tên gọi: Có nhiều loại văn bản pháp luật khác nhau, do đó sẽ có những tên gọi riêng cho từng loại văn bản như: Hiến pháp, bộ luật, luật, nghị định, nghị quyết, thông tư,… Không có tên gọi bắt buộc, duy nhất cho văn bản pháp luật, chỉ có tên gọi chung nhằm phân loại cho từng loại văn bản.
– Thể thức văn bản: Tuy có nhiều tên gọi khác nhau nhưng văn bản pháp luật có quy định cách trình bày giống nhau, theo khuôn mẫu nhất định. Vì mang ý chí của nhà nước, do đó phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nội dung với hình thức, đảm bảo sự liên kết trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Văn bản pháp luật chứa đựng ý chí của chủ thể
Chủ thể là các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật. Văn bản pháp luật chứa đựng ý chí của các chủ thể trên như: cấm, hạn chế, bắt buộc thực hiện, được phép thực hiện hay những ý chí mệnh lệnh khác mà chủ thể ban hành muốn hướng tới.
Văn bản pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục nhất định
Văn bản pháp luật tuy có nhiều loại, mỗi loại sẽ có những yêu cầu riêng nhưng đều được ban hành theo một trình tự, thủ tục nhất định đối với từng loại, nhằm hướng đến việc tạo ra một văn bản có tính chuyên môn cao, các bước soạn thảo phải thông qua kiểm tra, giám sát, tạo ra sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật.
Văn bản pháp luật mang tính bắt buộc và được nhà nước đảm bảo thực hiện.
Văn bản pháp luật là văn bản chứa đựng ý chí của chủ thể ban hành, do đó mang tính bắt buộc. Nhà nước áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo cho việc thực hiện văn bản, có nhiều biện pháp như: Tuyên truyền, giáo dục hoặc cưỡng chế. Các cá nhân, tổ chức có liên quan buộc phải thống nhất thực hiện văn bản, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đủ, không đúng thì có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Xem thêm: Văn bản dưới luật là gì?
Các loại văn bản pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, chứa đựng những quy tắc xử sự chung, điều chỉnh những mối quan hệ pháp luật. Được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thử tục quy định trong luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Văn bản áp dụng pháp luật
Khác với văn vản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật chỉ điều chỉnh những trường hợp cụ thể, chứa đựng những mệnh lệnh cá biệt nhưng cũng phải được ban hành bỏi những chủ thể có thẩm quyền và ban hành theo đúng trình tự, thủ tục luật định.
Văn bản hành chính
Văn bản hành chính mang tính quy phạm hành chính nhà nước, văn bản hành chính do cấp trên ban hành xuống cấp dưới nhằm phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Văn bản hành chính cũng có thể được dùng để giải thích, hướng dẫn, triển khai thực hiện văn bản pháp luật.
Ví dụ về văn bản pháp luật
– Bộ luật lao động 2019.
– Luật đất đai 2013.
– Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP hương dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của bộ luật tố tụng dân sự.
– Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
– Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cở sở và học sinh trung học phổ thông.