090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Vi phạm hành chính là gì? Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

Khái niệm và đặc điểm của vi phạm hành chính là gì? Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính như thế nào? Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và mức phạt tối đa cho cá nhân và tổ chức ra sao? Những trường hợp nào không bị xử phạt vi phạm hành chính? Tất cả sẽ được Luật Nguyễn Hưng tư vấn giải đáp chi tiết trong bài viết sau đây.

Vi phạm hành chính là gì?

Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Vi phạm hành chính là gì? Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính
Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

Đặc điểm của vi phạm hành chính

Vi phạm hành chính có 04 đặc điểm chính:

– Hành vi trái quy định pháp luật xâm hại đến việc quản lý nhà nước: cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi ngược lại với quy định của pháp luật mà nhà nước đặt ra nhằm mục đích điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.

– Tính có lỗi của hành vi vi phạm: yếu tố này thể hiện ý chí, mặt chủ quan của người vi phạm. Có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện và mong muốn xảy ra là lỗi cố ý hoặc không mong muốn xảy ra nhưng lại để mặc hậu quả xảy ra là lỗi vô ý.

– Vi phạm hành chính được xử phạt theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính hoặc các luật liên quan khác. Luật xử lý vi phạm hành chính quy định các nguyên tắc xử lý vi phạm, các đối tượng bị xử lý, các biện pháp xử lý vi phạm,…

Ví dụ về vi phạm hành chính

– Anh B điều khiển xe gắn máy tham gia giao thông nhưng không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, vượt đèn đỏ ở ngã tư. Hành vi của anh B là hành vi vi phạm hành chính về luật giao thông đường bộ.

Ví dụ về vi phạm hành chính
Ví dụ về vi phạm hành chính

– Công ty H có dự án xây dựng công trình nhà cao tầng, trong quá trình xây dựng phía bên công ty H và bên nhà thầu công trình không thực hiện công việc giám sát thi công theo quy định, dẫn đến có sự sai sót trong thi công, có hành vi vi phạm hành chính về xây dựng.

– Ông D được nhà nước cấp 5 héc ta đất trồng lúa nhưng gia đình ông lại tự ý đổ đất và xây dựng nhà ở tạm trên đất trồng lúa được cấp. Hành vi của ông D là vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

– Trong quá trình hoạt động, công ty K không chuyển đổi hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử theo quy định của pháp luật. Công ty K đã vi phạm quy định hành chính về thuế, hóa đơn.

– Trường trung học phổ thông CMC có hành vi tuyển sinh sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh ở cấp trung học phổ thông, hành vi này là vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Xử phạt vi phạm hành chính là gì?

Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính gồm nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính và nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, gồm:

Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm;

đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;

e) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bao gồm:

a) Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật này;

b) Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

c) Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

d) Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính có thể là cá nhân hoặc tổ chức.

– Cá nhân: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý

– Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra.

Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

– Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính là cá nhân được quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài.

Những trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính

Tại Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định những trường hợp không ra quyết định xử phạt hành chính sau:

Điều 65. Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây:

a) Trường hợp quy định tại Điều 11 của Luật này;

b) Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính;

c) Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật này;

d) Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt;

đ) Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 62 của Luật này.

Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nahf nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật bị tịch thu, tiêu hủy; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.

Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính

Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; trục xuất.

Trong đó, có hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính, có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung.

Mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa đối với cá nhân và tổ chức là bao nhiêu?

Mức phạt tối đa đối với cá nhân

Mức phạt tối đa đối với tổ chức

Lĩnh vực xử phạt

30 triệu đồng 60 triệu đồng Hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bạo lực gia đình; lưu trữ; tôn giáo; thi đua khen thưởng; hành chính tư pháp; dân số; vệ sinh môi trường; thống kê.
40 triệu đồng 80 triệu đồng An ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao thông đường bộ; giao dịch điện tử; bưu chính.
50 triệu đồng 100 triệu đồng  Phòng cháy, chữa cháy; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; bổ trợ tư pháp; y tế dự phòng; phòng, chống HIV/AIDS; giáo dục; văn hóa; thể thao; du lịch; quản lý khoa học, công nghệ; chuyển giao công nghệ; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo trợ, cứu trợ xã hội; phòng chống thiên tai; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; quản lý và bảo tồn nguồn gen; sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng; thú y; kế toán; kiểm toán độc lập; phí, lệ phí; quản lý tài sản công; hóa đơn; dự trữ quốc gia; điện lực; hóa chất; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ; đăng ký kinh doanh.
75 triệu đồng 150 triệu đồng Quốc phòng, an ninh quốc gia; lao động; dạy nghề; giao thông đường sắt; giao thông đường thủy nội địa; bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội.
100 triệu đồng 200 triệu đồng Quản lý công trình thuỷ lợi; đê điều; khám bệnh, chữa bệnh; mỹ phẩm; dược, trang thiết bị y tế; sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón; quảng cáo; đặt cược và trò chơi có thưởng; quản lý lao động ngoài nước; giao thông hàng hải; giao thông hàng không dân dụng; quản lý và bảo vệ công trình giao thông; công nghệ thông tin; viễn thông; tần số vô tuyến điện; báo chí; xuất bản; thương mại; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hải quan, thủ tục thuế; kinh doanh xổ số; kinh doanh bảo hiểm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý vật liệu nổ; bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản.
150 triệu đồng 300 triệu đồng  Quản lý giá; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý, phát triển nhà và công sở; đấu thầu; đầu tư.
200 triệu đồng 400 triệu đồng Sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả.
250 triệu đồng 500 triệu đồng Điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước.
500 triệu đồng 1 tỷ đồng Xây dựng; quản lý rừng, lâm sản; đất đai.
1 tỷ đồng 2 tỷ đồng Quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường.

Trên đây là giải đáp của chúng tôi về: “Vi phạm hành chính là gì? Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính“. Nếu bạn đọc còn các vấn đề vướng mắc cần được tư vấn giải đáp, vui lòng liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ.

Đánh giá

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00