Kết hôn trong phạm vi 3 đời là vi phạm điều cấm của pháp luật. Trường hợp nam và nữ có họ hàng gần (trong phạm vi 3 đời) nảy sinh tình cảm với nhau thường xảy ra ở các những vùng nông thôn, nơi mà tập trung đa số các gia đình là anh em bà con có cùng huyết thống ở gần nhau. Vậy cách tính huyết thống trong phạm vi 3 đời như thế nào? Vì sao pháp luật lại cấm kết hôn trong phạm vi 3 đời? Hành vi kết hôn trong phạm vi 3 đời bị xử lý như thế nào? Hãy cùng Luật Nguyễn Hưng đi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Cách tính huyết thống trong phạm vi 3 đời
Tại khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định:
Những người có họ trong phạm vi 3 đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ 3.
Như vậy, phạm vi ba đời bao gồm:
– Đời thứ nhất: Cha, mẹ
– Đời thứ hai: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha
– Đời thứ ba: Anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
Cấm kết hôn trong phạm vi 3 đời được pháp luật quy định như thế nào?
Kết hôn trong phạm vi 3 đời là vi phạm điều cấm của pháp luật, cụ thể tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định:
“2. Cấm các hành vi sau đây:
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.”
Như vậy, việc những người có họ trong phạm vi 3 đời kết hôn với nhau là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Xem thêm: Tảo hôn là gì?
Vì sao pháp luật lại cấm kết hôn trong phạm vi 3 đời?
Trên mọi lĩnh vực, những quy định mà pháp luật cấm thực hiện thì đều dựa trên sự ảnh hưởng và hậu quả của hành vi đó gây ra. Việc kết hôn trong phạm vi 3 đời cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, và sẽ gây ra những hậu quả như con sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, tăng áp lực và chi phí xã hội, cụ thể:
Con sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao
Kết hôn trrong phạm vi 3 đời là hôn nhân giữa những người có dòng máu trực hệ, cận huyết thống. Trẻ em sinh ra từ những người có dòng máu trực hệ, cận huyết thống sẽ rất dễ bị dị tật, các bệnh di truyền, tình trạng sức khỏe kém, thể chất và trí tuệ bị hạn chế. Thực tế y học đã chứng minh hôn nhân cận huyết thống tạo cho những gen lặn bệnh lý ở chồng và vợ kết hợp với nhau sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh Thalas- semia…
Ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội
Đối với xã hội, hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, gây suy giảm giống nòi.
Nếu pháp luật không có quy định cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời thì thế hệ trẻ tương lai có nguy cơ mắc các bệnh về dị tật cao hơn, chất lượng dân số đi xuống. Đặc biệt, ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa ít được tiếp cận đến các thông tin, nguồn nhân lực ở các vùng này sẽ ngày càng khan hiếm, đứng trước nguy cơ suy thoái giống nòi.
Tăng áp lực và chi phí xã hội
Với số lượng lớn những trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, Nhà nước phải tối đa nguồn bảo trợ xã hội đối với những trẻ em này nhằm bảo vệ quyền lợi cho họ, cũng như đảm bảo quyền lợi về an sinh xã hội và hỗ trợ kinh tế. Ngoài ra, Nhà nước còn phải xây dựng những cơ sở riêng để chăm sóc, nuôi dưỡng những người là nạn nhân của việc kết hôn trực hệ cận huyết thống này.
Như vậy, có thể thấy hệ lụy mà việc kết hôn trong phạm vi ba đời đem đến là rất nặng nề, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình mà còn cả toàn xã hội. Do đó việc pháp luật cấm kết hôn trong phạm vi 3 đời là rất cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển của mỗi cá nhân nói riêng và xã hội nói chung.
Xem thêm: Những hậu quả của việc sống chung mà không đăng ký kết hôn
Hành vi kết hôn trong phạm vi 3 đời bị xử lý như thế nào?
Hôn nhân giữa những người có họ trong phạm vi ba đời là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật. Do đó, cuộc hôn nhân này bị coi là kết hôn trái pháp luật và sẽ bị hủy theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Thêm vào đó, việc kết hôn trong phạm vi 3 đời còn bị xử phạt hành chính. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt như sau:
“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;”
Như vậy với hành vi kết hôn giữa những có họ trong phạm vi ba đời có thể bị phạt tiền với mức cao nhất là 20 triệu đồng.
Ngoài ra, người kết hôn trong phạm vi 3 đời và có hành vi giao cấu với nhau còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội loạn luân” theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, cụ thể:
“Điều 184. Tội loạn luân
Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Trên đây là bài chia sẻ “Vì sao pháp luật lại cấm kết hôn trong phạm vi 3 đời?“. Hy vọng qua bài viết này quý độc giả sẽ có thêm những thông tin hữu ích. Nếu còn bất cứ vấn đề gì thắc mắc bạn có thể liên hệ trực tiếp với Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ Luật sư.