Đá gà là trò chơi dân gian khá phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam, phần lớn trò chơi này được tổ chức theo hình thức cá cược, có người thắng người thua và cá cược bằng tiền, lợi ích vật chất, tương tự như hành vi đánh bạc, mà đánh bạc trái phép là hành vi bị nhà nước nghiêm cấm. Người tổ chức đá gà ăn tiền bị xử lý thế nào? Người xem đá gà ăn tiền mà không cá cược thì có bị xử phạt không? Người đem gà đi chơi đá gà mà không tham gia cá cược thì có bị xử phạt không? Chơi đá gà ăn tiền có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Tất cả sẽ được Luật Nguyễn Hưng giải đáp trong bài viết bên dưới.
Chơi đá gà ăn tiền có phạm pháp không?
Đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới nhiều hình thức, trong đó có đá gà với mục đích được thua bằng tiền, hiện vật, lợi ích vật chất mà không được nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc có những trường hợp được cho phép nhưng thực hiện không đúng quy định trong giấy phép được cơ quan nhà nước cấp. Như vậy, hành vi chơi đá gà ăn tiền là hành vi phạm pháp.
Người tổ chức đá gà ăn tiền bị xử lý như thế nào?
Trường hợp bị xử phạt hành chính
Người chơi đá gà ăn tiền có thể bị phạt hành chính theo khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021 với mức phạt tiền là 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và người tổ chức đá gà ăn tiền có thể bị phạt tiền theo khoản 4 Điều này với mức số tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, người chơi và người tổ chức đá gà còn phải chịu hình phạt bổ sung như bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. (khoản 6 và khoản 7 Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP).
Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Người tổ chức đá gà ăn tiền cũng giống như người tổ chức đánh bạc trái phép được quy định tại Điều 322 Bộ luật hình sự 2015_ sửa đổi, bổ sung 2017.
“Điều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền Sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương, tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Như vậy, mức hình phạt cao nhất đối với hành vi tổ chức đánh bạc là bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tích thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Người xem đá gà ăn tiền mà không cá cược thì có bị xử phạt không?
Đối với hành vi xem đá gà mà không cá cược thì khi cơ quan điều tra tổ chức bắt quả tang một vụ đánh bạc, thường có rất nhiều người trong đó có người tham gia đánh bạc, tổ chức đánh bạc và xem đánh bạc. Sau khi lập biên bản bắt người có hành vi phạm tội quả tang, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm giữ (03 ngày) theo khoản 1 Điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 để điều tra người đó có hay không có hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc. Nếu không đủ căn cứ khởi tố thì Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sẽ trả tự do cho người bị tạm giữ, không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc (hoặc tội tổ chức đánh bạc).
Người xem đá gà ăn tiền và có cá cược số tiền 5.000.000 đồng thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Người xem đá gà ăn tiền và có cá cược số tiền 5.000.000 đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 321 Bộ luật hình sự 2015_sửa đổi, bổ sung 2017: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Người đem gà đi chơi đá gà mà không tham gia cá cược thì có bị xử phạt không?
Vì đá gà là một môn thể thao, trò chơi dân gian, người đem gà chỉ chơi mà không tham gia cá cược thì nếu bị cơ quan điều tra bắt quả tang, quyết định tạm giam 03 ngày theo khoản 1 Điều 118 BLTTHS 2015 để điều tra làm rõ. Hết thời hạn tạm giữ, nếu không có đủ căn cứ khởi tố về tội đánh bạc (tổ chức đánh bạc) thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì sẽ trả tự do cho người bị tạm giữ.
Nếu bạn bạn cần tư vấn thêm về các vấn đề pháp lý liên quan khác, vui lòng liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.