Gửi tiết kiệm ngân hàng là kênh đầu tư phổ biến nhất hiện nay. Gửi tiết kiệm ngân hàng có thực sự an toàn? Ngân hàng có phá sản được không? Nếu ngân hàng phá sản người gửi tiết kiệm có lấy lại được tiền không? Những câu hỏi này sẽ được Luật Nguyễn Hưng giải đáp cụ thể trong bài viết sau đây.
Ngân hàng có phá sản được không?
Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản (Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014). Theo đó, một ngân hàng có thể bị coi là phá sản khi ngân hàng đó rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán, không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính với khách hàng.
Để một ngân hàng có thể phá sản thì là một điều khá khó khăn, bởi lẽ khi phía ngân hàng thương mại hoạt động không tốt thì phía ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo nhiều biện pháp để cứu vãn. Do đó, trên thực tế tại Việt Nam hiện nay chưa có ngân hàng nào bị phá sản.
Xem thêm: Bảo lãnh ngân hàng là gì?
Ngân hàng phá sản người gửi tiết kiệm có lấy lại được tiền không?
Nếu ngân hàng phá sản người gửi có thể sẽ không rút lại được toàn bộ số tiền mình đã gửi mà chỉ nhận lại được một khoản tiền bảo hiểm đền bù. Cụ thể:
Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi thì khi các ngân hàng nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi (trừ ngân hàng chính sách). Căn cứ tại Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm thì số tiền tối đa bảo hiểm trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (cả gốc và lãi) của một người tại một ngân hàng khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng.
Như vậy, khi ngân hàng phá sản, người gửi tiết kiệm sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 125.000.000 đồng.
Thêm vào đó, bên cạnh việc nhận tiền bảo hiểm, người gửi sẽ có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Trái phiếu ngân hàng là gì?
Làm thế nào khi để giảm thiểu rủi ro mất tiền khi gửi tiết kiệm ngân hàng?
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy pháp luật đã có những quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro khi gửi tiền tại ngân hàng, người gửi tiết kiệm cần lưu ý:
– Kiểm tra chi tiết nội dung trên sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi: Khách hàng có thể gặp rủi ro khi nhân viên ngân hàng vô tình nhập nhầm số tiền bạn gửi hoặc cố ý chiếm đoạt tiền nếu khách hàng không phát hiện ra do không kiểm tra sổ tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi đó không có đầy đủ thông tin.
– Phải gửi tiền trực tiếp tại quầy: Đây là quy chế về tiền gửi, được quy định rõ tại các ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có một số trường hợp đặc biệt với khách hàng VIP thường được các nhân viên quen biết hỗ trợ mở tài khoản tiền gửi mà không đến ngân hàng thực hiện thủ tục theo quy định. Việc này vô cùng nguy hiểm, vì trong nhiều trường hợp, nhân viên ngân hàng không nộp tiền vào tài khoản của khách hàng hoặc không đưa đẩy đủ các giấy tờ cần thiết cho khách hàng ký, hoặc sau ký xong giấy tờ giao dịch thì nhân viên ngân hàng vẫn có thể tráo hồ sơ.
– Không ký sẵn chứng từ trống: với các mẫu giấy trắng đã có chữ ký của khách hàng, nhân viên ngân hàng vẫn có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau, thậm chí tin nhắn rút tiền cũng không được gửi đến số điện thoại mà khách hàng đã ký.
– Bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận: Bên cạnh mẫu chữ ký và giấy tờ tùy thân thì sổ tiết kiệm là giấy tờ quan trọng chứng minh số tiền khách hàng đã gửi vào ngân hàng. Do đó, người gửi phải cất giữ sổ tiết kiệm cẩn thận, khi mất phải thông báo ngay cho ngân hàng.
Hy vọng bài viết trên mang lại những kiến thức hữu ích dành cho quý độc giả. Trong quá trình tìm hiểu thông tin, nếu bạn còn những thắc mắc nào cần được giải đáp. Hãy liên hệ với Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ Luật sư.