Người nghiện ma túy dưới 18 tuổi được pháp luật quy định như thế nào? Người dưới 18 tuổi nghiện ma túy có bắt buộc phải đi cai nghiện không? Thẩm quyền quyết định đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc là ai? Trình tự quyết định đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc là gì? Thủ tục xin cai nghiện ma túy tại gia đình đối với người dưới 18 tuổi ra sao? Luật Nguyễn Hưng sẽ giải đáp chi tiết các câu hỏi này trong bài viết dưới đây.
Người nghiện ma túy dưới 18 tuổi được hiểu như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015, người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên. Đồng thời, theo khoản 12 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy 2021 thì người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này. Ngoài ra, theo Thông tư liên tịch số 17/2017, sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi tự mình hoặc nhờ người khác đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể mình dưới bất kỳ hình thức nào nhằm thỏa mãn nhu cầu sử dụng chất ma túy.
Qua các quy định trên, ta thấy được người nghiện ma túy dưới 18 tuổi là người chưa thành niên có hành vi tự mình hoặc nhờ người khác đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể mình dưới bất kỳ hình thức nào để thỏa mãn nhu cầu sử dụng ma túy.
Người dưới 18 tuổi nghiện ma túy có bắt buộc phải đi cai nghiện không?
Theo khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy 2021, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
- Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
- Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.
Thẩm quyền quyết định đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc
Theo khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15, thẩm quyền quyết định đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc thuộc về Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện) nơi người bị đề nghị cư trú hoặc nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị.
Trình tự quyết định đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc
Bước 1: Nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc( điều 9 Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15)
- Khi nhận được hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội chuyển đến, Tòa án phải vào sổ giao nhận; trường hợp hồ sơ không đủ tài liệu theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật Phòng, chống ma túy thì Tòa án trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do.
- Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật Phòng, chống ma túy, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết.
Bước 2: Phân công Thẩm phán xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc( Điều 10 Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15)
- Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 9 của Pháp lệnh này, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thẩm phán được phân công phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
- Thẩm phán được phân công phải từ chối xem xét, quyết định nếu có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
- Trường hợp Thẩm phán được phân công không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoặc thuộc trường hợp phải từ chối xem xét, quyết định thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán khác xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Bước 3: Thông báo về việc thụ lý hồ sơ( Điều 12 Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15)
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Tòa án phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý hồ sơ cho Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị và Viện kiểm sát cùng cấp.
- Văn bản thông báo phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo;
- Tên, địa chỉ Tòa án đã thụ lý hồ sơ;
- Số, ngày, tháng, năm thụ lý hồ sơ;
- Họ và tên Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị;
- Họ và tên, nơi cư trú của người bị đề nghị;
- Đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Bước 4: Kiểm tra hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc( Điều 13 Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15)
- Thẩm phán được phân công phải kiểm tra hồ sơ về các nội dung sau đây:
- Tài liệu trong hồ sơ đề nghị theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật Phòng, chống ma túy;
- Thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Trường hợp cần làm rõ tình trạng sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống, học tập của người bị đề nghị, Thẩm phán có thể tham vấn ý kiến của chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, căn cứ vào kết quả kiểm tra hồ sơ, Thẩm phán phải quyết định về một trong các nội dung sau đây:
- Yêu cầu bổ sung tài liệu;
- Đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Bước 5: Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc( Điều 17 13 Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15)
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Quyết định mở phiên họp phải có các nội dung chính sau đây:
a) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị đề nghị;
b) Họ và tên cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị;
c) Họ và tên Trưởng phòng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị;
d) Đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
đ) Ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên họp trực tiếp hoặc trực tuyến;
e) Họ và tên Thẩm phán và Thư ký phiên họp;
g) Họ và tên người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị;
h) Họ và tên người phiên dịch (nếu có);
i) Họ và tên những người khác được yêu cầu tham gia phiên họp.
Chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi mở phiên họp, quyết định mở phiên họp phải được gửi cho những người quy định tại các điểm a, b, c, g, h và i vừa nêu ở trên và Viện kiểm sát cùng cấp.
>>> Xem thêm các bài viết liên quan về ma túy:
- Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy bị xử phạt như thế nào?
- Lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy phạm tội gì?
- Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy bị xử lý như thế nào?
Thủ tục xin cai nghiện ma túy tại gia đình đối với người dưới 18 tuổi
Thủ tục xin cai nghiện ma túy tại gia đình đối với người dưới 18 tuổi cụ thể tại Điều 28 Nghị định 116/2021/NĐ-CP như sau:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xác định nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên (sau đây gọi tắt là người nghiện ma túy) phải đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Trường hợp, người không có nơi cư trú ổn định thì đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện việc cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Thủ tục, hồ sơ đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thực hiện theo quy định của Chính phủ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi người nghiện ma túy tham gia điều trị hoặc chấm dứt điều trị, cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện có trách nhiệm thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nghiện đó đăng ký để quản lý hoặc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.
- Địa điểm cai nghiện tự nguyện: tại gia đình ( điểm a khoản 3 Điều 28 Nghị định này)
- Hồ sơ đăng ký cai nghiện tự nguyện gồm:
- 01 bản đăng ký cai nghiện tự nguyện theo Mẫu số 22 Phụ lục II Nghị định này;
- 01 bản sao Phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền;
- 01 bản phôtô một trong các loại giấy tờ tùy thân: căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy khai sinh (đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi) của người nghiện ma túy.
- Trình tự thực hiện đăng ký cai nghiện tự nguyện:
- Người nghiện ma túy, người đại diện hợp pháp của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 4 Điều này tại điểm tiếp nhận đăng ký cai nghiện của Ủy ban nhân dân cấp xã; xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân để đối chiếu.
- Người tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, đối chiếu giấy tờ tùy thân và vào sổ đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện theo Mẫu số 23 Phụ lục II Nghị định này. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, người tiếp nhận hướng dẫn người đăng ký hoàn thiện, bổ sung hồ sơ đăng ký cai nghiện tự nguyện.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Nguyễn Hưng về vấn đề “người nghiện ma túy dưới 18 tuổi có phải bắt buộc đi cai nghiện không?“. Quý bạn đọc có nhu cầu tìm luật sư tư vấn luật hình sự vui lòng liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.