Hiện nay thực trạng nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn diễn ra khá phổ biến và có xu hướng ngày càng tăng. Nam nữ sống chung mà không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật không? Những hậu quả của việc sống chung mà không đăng ký kết hôn thường gặp như: quan hệ hôn nhân, cấp dưỡng nuôi con, khai sinh cho con, phân chia tài sản… Hãy cùng Luật Nguyễn Hưng đi tìm hiểu chi tiết về các vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Thực trạng nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hiện nay
Thực trạng nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hiện nay khá phổ biến và có xu hướng ngày càng tăng. “Chung sống như vợ chồng” là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn theo luật quy định. Việc nam, nữ sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn có thể phát sinh nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, thông thường sẽ do ý chí tự nguyện của hai bên, họ cảm thấy việc đăng ký kết hôn là không cần thiết hoặc có thể những người cùng giới tính chung sống với nhau mà không thể đăng ký kết hôn. Có những nơi còn bị ảnh hưởng bởi các phong tục tập quán, việc kết hôn của những người dân tộc thiểu số diễn ra theo phong tục riêng của họ và họ không quan tâm đến việc đăng ký kết hôn.
Theo các báo cáo, thống kê gần nhất của các cơ quan về tình trạng nam, nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn diễn ra phổ biến ở một số địa phương có đồng bào dân tộc ít người, vùng xa. Có trường hợp đủ điều kiện đăng ký kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn, hay trường hợp không đủ điều kiện đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi, vi phạm về giới tính,… việc kết hôn của những người này chỉ dựa trên sự tự nguyện của một bên hoặc hai bên và sự chứng kiến, thừa nhận của gia đình, cộng đồng dân cư.
Xem thêm: Tội phá thai trái phép bị xử lý như thế nào theo Bộ luật Hình sự?
Hậu quả khó lường của việc nam nữ sống chung mà không đăng ký kết hôn
Không được pháp luật công nhận quan hệ hôn nhân
Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Khi đăng ký kết hôn thì sẽ bắt đầu thời kỳ hôn nhân, phát sinh các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, bao gồm các quyền về tài sản, con cái hay quan hệ nhân thân.
Nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có thể sẽ không được đảm bảo về các quyền và nghĩa vụ trong thời kỳ hôn nhân theo quy định của pháp luật, căn cứ khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 “nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng àm không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.”
Ảnh hưởng tới thủ tục làm khai sinh cho con
Hiện nay, chưa có quy định không được làm giấy khai sinh cho con khi chưa đăng ký kết hôn. Theo đó, nam nữ sống chung với nhau có con mà chưa đăng ký kết hôn vẫn được làm giấy khai sinh cho con theo quy định của Luật Hộ tịch. Tuy nhiên, khi đăng ký khai sinh mà chưa có đăng ký kết hôn thì cán bộ Hộ tịch sẽ không ghi phần thông tin của người cha vào giấy khai sinh của con, trường hợp này được xem như trẻ chưa xác định được cha, nếu muốn ghi tên người cha trên giấy khai sinh của con thì cần phải thực hiện thêm thủ tục nhận cha cho con căn cứ theo Điều 15, Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch.
Do đó, việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn cũng có ảnh hưởng khi thực hiện đăng ký khai sinh cho con.
Quyền yêu cầu cấp dưỡng nuôi con
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này. Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Khi nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì sẽ không được pháp luật công nhận quan hệ vợ chồng, con chung của hai người tuy có quan hệ huyết thống nhưng muốn yêu cầu cấp dưỡng nuôi con thì phải chứng minh có quan hệ cùng huyết thống với bên có nghĩa vụ cấp dưỡng, phải thực hiện việc thủ tục xác nhận cha mẹ và con.
Trên thực tế, khi một bên muốn trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì việc yêu cầu cấp dưỡng rất khó thực hiện được. Ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đứa trẻ và người trực tiếp nuôi dưỡng đứa trẻ.
Vấn đề phân chia tài sản, thừa kế
Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan vì không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là quan hệ hôn nhân và Luật Hôn nhân và gia đình không quy định về vấn đề này. Theo đó, tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc về người đó, tài sản chung sẽ được chia theo thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.
Pháp luật chủa ghi nhận quyền thừa kế di sản giữa vợ chồng sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Do đó, nếu không đăng ký kết hôn thì không được công nhận quan hệ hôn nhân và không phải là người thừa kế theo pháp luật, trừ khi có di chúc của người để lại di sản.
Áp lực từ xã hội và gia đình
Hiện nay, tình trạng nam nữ chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn khá phổ biến, họ không được pháp luật công nhận và bảo vệ. Khi xảy ra những mâu thuẫn “cơm không lành, canh không ngọt” thì ngoài việc chung sống với nhau thì họ không có sự ràng buộc nào về mặt pháp lý, không có các quyền nhân thân giữa vợ chồng, không được đại diện vợ chồng thực hiện các giao dịch trong cuộc sống.
Nhiều gia đình phản đối chuyện sống chung mà không đăng ký kết hôn, hàng xóm hoặc những người xung quanh đôi khi cũng có lời ra tiếng vào vì chuyện nam nữ chung sống mà chưa được pháp luật công nhận. Tùy vào quan điểm mỗi người sẽ có góc nhìn khác về vấn đề này, có những người không muốn ràng buộc bởi pháp lý và cũng có những người mong muốn được pháp luật bảo vệ cho mối quan hệ hôn nhân của mình.
Nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật không?
Pháp luật không bắt buộc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng phải đăng ký kết hôn, việc kết hôn là do nam, nữ tự nguyện quyết định nên hành vi trên không vi phạm pháp luật, trừ trường hợp cấm quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình.
Tuy nhiên, việc nam nữ chung sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có thể dẫn đến rủi ro khi phát sinh các tranh chấp hay các quan hệ pháp luật khác vì không phát dinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân, gia đình và xã hội.
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về “Những hậu quả của việc sống chung mà không đăng ký kết hôn“. Hy vọng qua bài viết này quý độc giả sẽ có những thông tin hữu ích để tránh gặp phải những trường hợp khó xử tương tự. Nếu còn bất cứ vấn đề gì thắc mắc bạn có thể liên hệ trực tiếp với Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ Luật sư.