090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Quy định bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất khi thu hồi đất

Bồi thường đất và tài sản khi thu hồi đất hoặc giải phóng mặt bằng là một trong những vấn đề dễ nảy sinh tranh chấp nhất trong lĩnh vực pháp luật về đất đai. Những vấn đề về điều kiện được bồi thường khi thu hồi đất, cách tính tiền khi thu hồi đất, cách tính bồi thường tài sản gắn liền với đất luôn nhận được rất nhiều thắc mắc quan tâm của nhiều người. Bài viết sau đây Luật Nguyễn Hưng sẽ giải đáp tư vấn chi tiết về quy định bồi thường về đất và tài sản gắn liên với đất khi bị thu hồi đất.

Điều kiện được bồi thường khi thu hồi đất

Căn cứ khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai 2013 về điều kiện được bồi thường đất có quy định như sau:

Để được bồi thường về đất thì cá nhân, hộ gia đình cần đáp ứng các điều kiện sau:

– Đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm.

– Có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa được cấp.

Ngoài ra, 1 trường hợp dù không đủ điều kiện cấp sổ đỏ vẫn được bồi thường về đất là: Đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 1.7.2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, người sử dụng đất cũng cần lưu ý rằng chỉ được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng và diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp.

Quy định bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất khi thu hồi đất
Quy định bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất khi thu hồi đất

Cách tính tiền bồi thường khi thu hồi đất

Người dân cần nắm rõ cách tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất sẽ tự tính được số tiền bồi thường nhận được/m2.

Theo Điểm đ Khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai 2013, Khoản 5 Điều 4 Nghị định 44/2014/NĐ-CP và Khoản 4 Điều 3 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, giá đất cụ thể được xác định bằng phương pháp hệ số điều chỉnh.

Giá đất áp dụng đối với trường hợp tính tiền bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi được tính như sau:

Giá trị của thửa đất cần định giá (1m2) = Giá đất trong bảng giá đất x Hệ số điều chỉnh giá đất.

Cách tính bồi thường tài sản gắn liền với đất

Khi Nhà nước thu hồi đất, ngoài khoản bồi thường về đất thì trong một số trường hợp người sử dụng đất còn được bồi thưởng về tài sản gắn liền với đất.

Bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi thu hồi đất

Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

Trường hợp phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì bồi thường theo thiệt hại thực tế.

– Đối với nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất không thuộc trường hợp trên, khi Nhà nước thu hồi đất mà bị tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được bồi thường thiệt hại theo quy định của Chính phủ.

– Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với đất đang sử dụng không thuộc hai trường hợp trên thì mức bồi thường tính bằng giá trị xây dựng mới của công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất

– Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:

+ Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;

+ Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất;

+ Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại;

+ Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

– Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:

+ Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường;

+ Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm; trường hợp có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra; mức bồi thường cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Bồi thường chi phí di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất

– Khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển tài sản thì được Nhà nước bồi thường chi phí để tháo dỡ, di chuyển, lắp đặt; trường hợp phải di chuyển hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất còn được bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường trên.

Tuy nhiên, người sử dụng đất sẽ không được bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất nếu rơi vào một trong các trường hợp sau đây:

– Tài sản gắn liền với đất thuộc một trong các trường hợp thu hồi đất sau:

+ Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;

+ Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;

+ Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật Đất đai 2013 mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;

+ Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;

+ Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;

+ Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng;

+ Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;

+ Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn.

– Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình xây dựng khác không còn sử dụng.

Tham khảo: Luật sư chuyên về tranh chấp đất đai uy tín chuyên nghiệp tại TPHCM.

Những câu hỏi thường gặp về bồi thường đất

Không có giấy tờ chứng minh quyển sử dụng có được bồi thường đất không?

Như đã nêu ở mục 1, trường hợp dù không đủ điều kiện cấp sổ đỏ vẫn được bồi thường về đất là: Đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 1.7.2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Có mấy trường hợp không được bồi thường về đất khi thu hồi đất?

Có 22 trường hợp theo quy định tại Điều 82 Luật đất đai.

22 trường hợp thu hồi đất mà không được bồi thường về đất
22 trường hợp thu hồi đất mà không được bồi thường về đất

Trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại

  • Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, trừ trường hợp đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất;
  • Đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất;
  • Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng;
  • Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn;
  • Đất nhận khoán để sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;

Đất được Nhà nước giao để quản lý

  • Đất được giao cho tổ chức để quản lý;
  • Đất được giao cho Chủ tịch UBND cấp xã quản lý sử dụng vào mục đích công cộng;
  • Đất được giao cho cộng đồng dân cư quản lý;

Thu hồi đất do vi phạm pháp luật và do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất

  • Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;
  • Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;
  • Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;
  • Đất không được chuyển nhượng, tặng cho mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;
  • Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;
  • Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;
  • Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành (Ví dụ: Không nộp thuế, tiền sử dụng đất…);
  • Đất không được sử dụng;
  • Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng hoặc chậm tiến độ;
  • Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;
  • Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;
  • Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;
  • Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn;

Xem thêm: 4 trường hợp thu hồi đất nhưng không được bồi thường về đất

Không đủ điều kiện cấp sổ đỏ

  • Không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ đỏ) theo quy định của Luật Đất đai 2013, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai.

Tiền bồi thường có được tính theo giá thị trường không?

Không. Căn cứ vào khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013 thì việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Như vậy, theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành thì đất bị thu hồi sẽ được đền bù theo giá Nhà nước chứ không phải giá thị trường.

Người dân có được thỏa thuận về giá bồi thường không?

Không. Vì người sử dụng đất dù có đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định của Luật Đất đai nhưng không phải là chủ sở hữu đất đai nên không có đủ 03 quyền năng của chủ sở hữu tài sản, gồm: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Vì không phải là chủ sở hữu nên khi Nhà nước thu hồi đất người sử dụng đất không có quyền thỏa thuận, quyết định giá bồi thường về đất.

Khi nào bồi thường bằng đất, khi nào bồi thường bằng tiền?

Việc Nhà nước bồi thường bằng đất hay bằng tiền phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như còn đất ở trong phạm vi xã, phường, thị trấn có đất bị thu hồi hoặc còn quỹ đất hay không hoặc nhu cầu của người sử dụng đất.

Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Nguyễn Hưng về “Quy định bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất khi thu hồi đất“. Hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin bổ ích dành cho bạn. Trong quá trình tìm hiểu thông tin, nếu bạn còn những thắc mắc nào cần được giải đáp. Hãy liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.

Đánh giá

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00