090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Thuế thu nhập cá nhân là gì? Đặc điểm, vai trò và cách tính

Thuế thu nhập cá nhân là gì? Ai phải đóng thuế thu nhập cá nhân? Vai trò của thuế thu nhập cá nhân là gì? Tại sao người lao động phải nộp thuế thu nhập cá nhân? Cách tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào? Hãy cùng Luật Nguyễn Hưng đi tìm hiểu các vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Thuế thu nhập cá nhân là gì?

Thuế thu nhập cá nhân (Personal income tax) là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp trong một phần tiền lương, hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ.

Thuế thu nhập cá nhân là gì? Đặc điểm, vai trò và cách tính thuế TNCN
Thuế thu nhập cá nhân là gì? Đặc điểm, vai trò và cách tính thuế TNCN

Ai phải đóng thuế thu nhập cá nhân?

Căn cứ theo nội dung được quy định tại Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC xác định các khoản thu nhập chịu thuế như sau:

– Thu nhập từ kinh doanh;

– Thu nhập từ tiền lương, tiền công;

– Thu nhập từ đầu tư vốn;

– Thu nhập từ chuyển nhượng vốn;

– Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản;

– Thu nhập từ trúng thưởng;

– Thu nhập từ bản quyền;

– Thu nhập từ nhượng quyền thương mại;

– Thu nhập từ nhận thừa kế;

– Thu nhập từ nhận quà tặng.

Như vậy, khi người cư trú hoặc không cư trú tại Việt Nam theo Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 119/2014/TT-BTC nêu trên thì sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nếu có phát sinh các khoản tiền, thu nhập theo 10 trường hợp trên.

Bên cạnh đó, căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đối tượng phải nộp thuế TNCN bao gồm:

– Cá nhân có thu nhập tính thuế theo quy định (Lưu ý: Cá nhân không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định và các khoản đóng góp khác như từ thiện, nhân đạo)

– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng.

Như vậy, có thể thấy thuế TNCN không chỉ áp dụng đối với cá nhân mà còn áp dụng đối với hộ kinh doanh.

Xem thêm: Mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng mới nhất

Vai trò của thuế thu nhập cá nhân

Thứ nhất, thuế thu nhập cá nhân có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế xã hội, là một trong những nguồn thu của ngân sách nhà nước. Khi nền kinh tế phát triển, toàn cầu hóa mở rộng thì thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng, do đó, dẫn đến việc thuế thu nhập cũng tăng theo góp phần cho nguồn thu của ngân sách nhà nước. Hiện nay, với việc tự do hóa nền kinh tế thương mại dẫn đến các nguồn thu từ các loại thuế xuất khẩu, nhập khẩu bị ảnh hưởng. Do đó, thuế thu nhập cá nhân đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước.

Thứ hai, thuế thu nhập cá nhân như là công cụ giúp điều tiết vĩ mô, điều tiết giảm bớt thu nhập cho những cá nhân có thu nhập cao và phân phối lại cho những cá nhân có thu nhập thấp, điều này góp phần quan trọng trong việc tăng các chế độ phúc lợi xã hội, nâng cao năng lực hiệu quả xã hội.

Thứ ba, thuế thu nhập cá nhân là khoản tiền phát sinh từ thu nhập chính đáng của cá nhân, do đó, nếu khoản thu nhập nào của cá nhân phát sinh từ nguồn thu nhập bất hợp pháp như: nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế,… thuế thu nhập cá nhân là công cụ góp phần phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật này.

Cuối cùng, thuế thu nhập cá nhân góp phần hạn chế thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp khi các doanh nghiệp kê khai các chi phí phải trả cho cá nhân cao hơn so với thực tế để trốn thuế thì các cá nhân được kê khai tăng thêm phải chịu thêm thuế thu nhập cá nhân với phần phát sinh..

Tại sao người lao động phải nộp thuế thu nhập cá nhân?

Vì những vai trò của thuế TNCN đã được phân tích ở trên cho thấy được tầm quan trọng của thuế thu nhập cá nhân và trả lời cho câu hỏi: Vì sao phải nộp thuế TNCN?

a) Tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước

Việc nộp thuế thu nhập cá nhân giúp Nhà nước có thêm khoản thu để có thể đảm bảo thực hiện các chế độ phúc lợi theo quy định cũng như đầu tư xây dựng các công trình công cộng (điện, đường, trường, trạm…) phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của nhân dân.

b) Điều tiết thu nhập giảm khoảng cách giàu nghèo

Việc đóng thuế thu nhập cá nhân cũng góp phần thực hiện công bằng xã hội. Bởi vì, những người phải nộp thuế TNCN là những người có mức thu nhập cá nhân cao hơn mức khởi điểm thu nhập chịu thuế, những người đó có thu nhập có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Do đó, việc nộp thuế TNCN chính là để cân bằng mức độ giàu nghèo giữa các tầng lớp góp phần hạn chế sự phân biệt đối xử giữa người giàu và người nghèo.

c) Tăng trưởng nền kinh tế đất nước

Đóng thuế thu nhập cá nhân góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế đồng thời thu hút nguồn nhân lực, đảm bảo đảm sự cạnh tranh trong khu vực.

d) Đảm bảo nguồn thu nhập của cá nhân là hợp pháp

Khi thực hiện thủ tục nộp thuế thu nhập cá nhân người nộp thuế cần thực hiện kê khai các khoản thu nhập. Từ đây, Nhà nước có thể kiểm soát được nguồn thu của các cá nhân có hợp pháp hay không?

Cách tính thuế thu nhập cá nhân 2023

Tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công

Thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công được chia thành 02 đối tượng khác nhau, gồm:

Cá nhân cư trú: là cá nhân thuộc trường hợp sau

+ Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo 01 trong 02 trường hợp:

Trường hợp 1: Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế.

Trường hợp 2: Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú.

+ Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là 01 ngày.

Cá nhân không cư trú: Người nước ngoài không đáp ứng đủ điều kiện của cá nhân cư trú thì được xác định là cá nhân không cư trú.

Trong đó, cá nhân cư trú lại được chia thành 02 trường hợp, đó là cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên và cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng.

Với mỗi đối tượng, mỗi trường hợp trên đều có cách tính thuế thu nhập cá nhân khác nhau.

Tính thuế thu nhập đối với cá nhân cư trú

Ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Để tính được số thuế phải nộp cần phải tính được thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể:

(1) Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ [1]

Trong đó,

Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập – Các khoản được miễn [2]

Căn cứ vào công thức tính thuế trên, để tính được thu nhập tính thuế cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Tính tổng thu nhập

Bước 2: Tính các khoản thu nhập được miễn thuế (nếu có)

Các khoản thu nhập miễn thuế từ tiền lương, tiền công gồm:

– Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định pháp luật.

– Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho hãng tàu nước ngoài hoặc hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế.

Bước 3: Tính thu nhập chịu thuế theo công thức [2]

Bước 4: Tính các khoản giảm trừ

– Giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm).

– Giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, người nộp thuế còn được tính giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo.

Bước 5: Tính thu nhập tính thuế theo công thức [1]

Sau khi tính được thu nhập tính thuế, để xác định được số thuế phải nộp thì người nộp thuế áp dụng phương pháp lũy tiến từng phần hoặc phương pháp tính thuế rút gọn (trình bày ở phần sau).

(2) Thuế suất

Thuế suất từ tiền lương, tiền công đối với cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên được áp dụng theo lũy tiến từng phần theo khoản 2, Điều 22, Luật thuế thu nhập cá nhân 2007, cụ thể:

Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/năm Phần thu nhập tính thuế/tháng Thuế suất
1 Đến 60 triệu đồng Đến 5 triệu đồng 5%
2 Trên 60 đến 120 triệu đồng Trên 5 đến 10 triệu đồng 10%
3 Trên 120 đến 216 triệu đồng Trên 10 đến 18 triệu đồng 15%
4 Trên 216 đến 384 triệu đồng Trên 18 đến 32 triệu đồng 20%
5 Trên 384 đến 624 triệu đồng Trên 32 đến 52 triệu đồng 25%
6 Trên 624 đến 960 triệu đồng Trên 52 đến 80 triệu đồng 30%
7 Trên 960 triệu đồng Trên 80 triệu đồng 35%

Bảng biểu thuế lũy tiến từng phần TNCN

Khi biết được thu nhập tính thuế (1) và dựa vào quy định của pháp luật về thuế suất (2) theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần TNCN có thể tính ra số tiền thuế TNCN phải nộp, ví dụ như sau:

Tháng 6/2023, bà H có thu nhập từ tiền lương, phụ cấp là 25 triệu đồng. Bà H phải nộp 10,5% bảo hiểm bắt buộc theo quy định. Được biết bà H có 01 người phụ thuộc, trong tháng 6 không đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học. Thu nhập chịu thuế của bà H là 25 triệu đồng. Bà H được giảm trừ: gia cảnh cho bản thân 11 triệu + gia cảnh người phụ thuộc là 4,4 triệu + BHXH, BHYT, BHTN (10,5%x25Triệu) là 2,625 triệu, vậy tổng các khoản giảm trừ của bà H là 18,025 triệu đồng. Thu nhập tính thuế của bà H là 25-18,025= 6,975 triệu đồng, thu nhập tính thuế thuộc bậc 2. Số thuế bà H phải nộp như sau: 5.000.000×5%+(6.975.000-5.000.000)x10%= 447.500 triệu đồng.

Không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng

Căn cứ điểm i, khoản 1, Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động mà có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập (khấu trừ luôn trước khi trả tiền).

Nói cách khác, cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng mà có thu nhập từ tiền lương, tiền cồng mỗi lần nhận từ 02 triệu đồng trở lên phải nộp thuế với mức 10%, trừ trường hợp làm cam kết theo Mẫu 08/CK-TNCN nếu đủ điều kiện.

Số thuế phải nộp được tính như sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 10% x Tổng thu nhập trước khi trả.

Tính thuế thu nhập đối với cá nhân không cư trú

Cá nhân không cư trú thì không được tính giảm trừ gia cảnh nên chỉ cần có thu nhập chịu thuế sẽ phải nộp thuế thu nhập (thu nhập chịu thuế > 0 mới phải nộp thuế).

Nói cách khác, chỉ cần có thu nhập từ tiền lương, tiền công sẽ phải nộp thuế với mức thuế suất 20%/thu nhập chịu thuế; trường hợp có đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo, khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo quy định thì được trừ khoản này.

Theo Khoản 1 Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định số thuế thu nhập đối với cá nhân không cư trú được tính theo công thức sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 20% x Thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế trong trường hợp này được xác định bằng tổng tiền lương, tiền thù lao, tiền công, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền công, tiền lương mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.

Tính thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản

Theo quy định hiện nay (cụ thể tại Điều 22 Nghị định 65/2013/NĐCP) Thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 25% trên thu nhập tính thuế. Trường hợp người nộp thuế không xác định hoặc không có hồ sơ để xác định giá vốn và chứng từ hợp pháp xác định các chi phí liên quan làm cơ sở xác định thu nhập tính thuế thì áp dụng thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng.

Tiền thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản hai bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng chuyển nhượng bên có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Chứng từ nộp thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản là một điều kiện để cơ quan có thẩm quyền xem xét và tiến hành làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên mua.

Giải đáp câu hỏi thường gặp về thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân bao nhiêu phần trăm?

Tuỳ thuộc vào đối tượng cư trú, mức lương hay nguồn gốc thu nhập sẽ tương ứng với mức thuế suất khác nhau, Quý bạn đọc có thể tham khảo thêm ở cách tính thuế TNCN ở mục 5.

Lương bao nhiêu phải đóng thuế thu nhập cá nhân?

Như đã phân tích ở mục 5, trong trường hợp người lao động có 1 người phụ thuộc tương đương mức lương trên 15,4 triệu đồng/tháng (sau khi đã được trừ các khoản bảo hiểm) mới phải nộp thuế. Nếu có 2 người phụ thuộc tương đương mức lương trên 19,8 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế.

Những trường hợp được giảm thuế thu nhập cá nhân?

Người nộp thuế dược xét giảm thuế theo năm tính thuế trong trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế. Mức thuế được giảm tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

Không nộp thuế thu nhập cá nhân bị phạt thế nào?

Từ ngày 05/12/2020, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành sẽ tăng mức phạt khi không nộp thuế thu nhập cá nhân, thay vì tính theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp như trước đây thì hiện nay áp dụng mức 0,05%/ngày.

Như vậy, quy định mới đã tăng mức phạt khi không nộp thuế thu nhập cá nhân nên người nộp thuế cần phải nộp hồ sơ khai thuế tháng hoặc quý, hồ sơ quyết toán năm và nộp thuế vào ngân sách theo đúng thời hạn.

Thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài tính thế nào?

Người nước ngoài không đáp ứng đủ điều kiện của cá nhân cư trú thì được xác định là cá nhân không cư trú. Theo quy định tại Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân x với thuế suất 20%.

Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Nguyễn Hưng về vấn đề “Thuế thu nhập cá nhân là gì? Đặc điểm, vai trò và cách tính“. Hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích dành cho bạn. Trong quá trình tìm hiểu, nếu bạn còn những thắc mắc nào cần được giải đáp. Hãy liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.

5/5 - (1 đánh giá)

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00