090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Tìm hiểu về thuộc tính cơ bản và vai trò của pháp luật Việt Nam

Pháp luật là hệ thống bao gồm những quy tắc xử sự chung được đặt ra bởi Nhà nước, mang tính chất bắt buộc thực hiện. Thuộc tính của pháp luật là những đặc trưng, đặc điểm vốn có, không thể tách rời của pháp luật. Vậy pháp luật là gì? Pháp luật có những thuộc tính cơ bản nào? Vai trò của pháp luật Việt Nam như thế nào? Luật Nguyễn Hưng sẽ giải đáp cụ thể trong bài viết này.

Pháp luật là gì?

Pháp luật là hệ thống bao gồm những quy tắc xử sự chung được đặt ra bởi Nhà nước, mang tính chất bắt buộc thực hiện. Có các biện pháp giáo dục hoặc cưỡng chế để đảm bảo thực hiện theo pháp luật hướng tới mục đích bảo vệ quyền lợi của giai cấp mình và điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.

Thuộc tính của pháp luật là gì?

Thuộc tính của pháp luật là những đặc trưng, đặc điểm vốn có, không thể tách rời của pháp luật. Thông qua thuộc tính của pháp luật, có thể phân biệt được pháp luật với các quy phạm xã hội khác, đó có thể là: quy phạm đạo đức, quy phạm tôn giáo.

Pháp luật gồm những thuộc tính cơ bản nào?
Pháp luật gồm những thuộc tính cơ bản nào?

04 thuộc tính cơ bản của pháp luật

Pháp luật có tính quyền lực nhà nước

Quyền lực nhà nước là một thuộc tính riêng có của pháp luật mà không một quy phạm nào có thể có được. Để có thể thực hiện việc tổ chức và quản lý xã hội, nhà nước cần phải có pháp luật, nhằm mục đích bắt buộc mọi người phải thực hiện. Các quy định của pháp luật có thể do nhà nước đặt ra, cũng có thể được tạo nên từ việc nhà nước thừa nhận những quy tắc ứng xử đã có sẵn từ trong xã hội (đạo đức, phong tục tập quán, tín điều tôn giáo, …) Và với kết cấu là những quy tắc xử sự chung, pháp luật chính là những yêu cầu, đòi hỏi hoặc cho phép của nhà nước đối với các hành vi ứng xử của mọi người trong xã hội. Nói cách khác, pháp luật là sự thể hiện ý chí của nhà nước.

Pháp luật có tính quy phạm phổ biến

Quy phạm có thể hiểu một cách đơn giản là các khuôn mẫu, chuẩn mực. Các quy định của pháp luật được xem như là các quy phạm trong xã hội và nó được biết đến, và sử dụng một cách vô cùng phổ biến. Từ đó, pháp luật định hướng cho nhận thức và hành vi của các chủ thể trong xã hội. Khi rơi vào một tình huống nhất định, dựa vào thuộc tính quy phạm của pháp luật, các chủ thể sẽ được định hướng hành vi cho bản thân mình (nên làm gì, không nên làm gì, và bắt buộc phải làm gì ….) để đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Pháp luật có tính hệ thống

Pháp luật bao gồm nhiều quy định khác nhau nhưng tất cả đều được sắp xếp theo một trật tự, thứ bậc, thống nhất với nhau trong một hệ thống. Chính nhờ tính chất này mà Pháp luật được áp dụng dễ dàng và hiệu quả hơn trong đời sống xã hội.

Pháp luật có tính xác định về hình thức

Pháp luật là một hệ thống các quy tắc được quy định rõ ràng và cụ thể, và được thể hiện trong những hình thức xác định, đó có thể là tập quán pháp, tiền lệ pháp, hay văn bản quy phạm pháp luật. Khi ở dạng thành văn, các quy định, hay các nguyên tắc của pháp luật được quy định một cách rõ ràng, cụ thể, không trừu tượng, đảm bảo cho mọi người có thể đọc được, hiểu được các nội dung mà văn bản đã đề cập đến.

Vai trò của pháp luật
Vai trò của pháp luật

07 vai trò của pháp luật Việt Nam

Pháp luật là công cụ điều tiết và định hướng sự phát triển của các quan hệ xã hội

Pháp luật không sinh ra các quan hệ xã hội nhưng pháp luật như là phương thức hữu hiệu để điều tiết và định hướng các quan hệ xã hội. Pháp luật giúp con người xác định và làm theo những quy tắc ứng xử trong khuân khổ nhất định. Pháp luật còn giúp quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể cho chủ thể tham gia vào quan hệ xã hội cũng như các biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền đó.

Do đó, pháp luật là công cụ điều tiết và định hướng sự phát triển của các quan hệ xã hội.

Pháp luật là cơ sở để đảm bảo an toàn xã hội

Nhờ sự tác động mạnh mẽ, nhiều mặt của pháp luật mà an toàn xã hội được bảo đảm, tính mạng, tài sản, danh dự, uy tín… của con người được bảo vệ. Cùng với việc xác định cách thức xử sự cho các chủ thể, pháp luật nghiêm trị những hành vi gây mất an toàn cho cuộc sống. Bằng pháp luật, nhà nước thể chế hoá những tiêu chuẩn an toàn kĩ thuật, đề ra những biện pháp đảm bảo an toàn, giáo dục con người ý thức tự bảo vệ mình.

Pháp luật là cơ sở để giải quyết tranh chấp trong xã hội

Các quy định trong hệ thống pháp luật được xem như là kết quả của quá trình “chọn lọc, đào thải” một cách tự nhiên các cách xử sự trong xã hội. Chính vì vậy, pháp luật được xem như một loại chuẩn mực công cộng được thừa nhận rộng rãi nhất trong toàn xã hội. Với ưu thế đó, pháp luật là chuẩn mực chung, có hiệu quả nhất để các cá nhân, tổ chức trong xã hội tự giải quyết các tranh chấp trong đời sống.

Pháp luật là phương tiện bảo đảm và bảo vệ quyền con người

Pháp luật quy định trách nhiệm của nhà nước cũng như toàn xã hội trong việc bảo đảm cho các quyền con người được hiện thực hoá. Đồng thời, pháp luật quy định các biện pháp nhằm bảo vệ quyền con người khỏi bị xâm hại.

Quyền, tự do của cá nhân luôn phải được đặt trong sự tôn trọng quyền, tự do của người khác, tôn trọng và tuân thủ những quy tắc chung của cộng đồng, mỗi người vừa tôn trọng cái chung, vừa có điều kiện để tự do hành động nhằm đáp ứng lợi ích riêng của mình. Pháp luật là phương tiện để mỗi cá nhân phải ràng buộc đối với cá nhân khác và xã hội. Một mặt cá nhân được làm tất cả trừ những việc bị pháp luật cấm, mặt khác, họ không được làm những gì có hại cho người khác, cho cộng đồng.

Do đó, pháp luật là phương tiện bảo đảm và bảo vệ quyền con người.

Pháp luật là phương tiện bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công bằng và tiến bộ xã hội

Pháp luật thừa nhận quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người. Bằng pháp luật, nguyên tắc phân phối theo lao động, theo mức vốn và các nguồn lực khác góp vào sản xuất kinh doanh, theo mức độ cống hiến đối với xã hội được bảo đảm. Pháp luật bảo đảm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các giai tầng xã hội, nhất là những người ở vị thế xã hội yếu hơn. Thông qua pháp luật, người có công thì được thưởng, kẻ có tội phải bị trừng phạt, công càng lớn, thưởng càng lớn, tội càng lớn, phạt càng nặng.

Pháp luật bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội

Phát triển bền vững là mục tiêu mà mọi quốc gia hướng đến. Chỉ có phát triển bền vững mới tạo được sự ổn định và nền tảng tốt nhất cho mỗi đất nước. Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội theo chiều hướng vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm phát triển xã hội, vừa bảo vệ môi trường.

Pháp luật đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo ra những tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của xã hội. Pháp luật tạo ra cơ chế thúc đẩy sản xuất phát triển mạnh mẽ, qua đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội… Pháp luật góp phần ngăn ngừa những hiện tượng dẫn đến khủng hoảng kinh tế – xã hội, đồng thời, nó cũng góp phần quan trọng trong việc khắc phục khủng hoảng, đảm bảo sự phát triển liên tục, kéo dài của nền kinh tế. Pháp luật quy định các biện pháp bảo vệ và cải thiện môi trường, khai thác và sử dụng hợp lí, tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Nhờ có pháp luật mà sự phát triển kinh tế đã được kết hợp chặt chẽ với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Pháp luật góp phần bảo tồn và phát huy các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giữ gìn các giá trị truyền thống dân tộc không chỉ cho hôm nay mà còn cho mai sau.

Vai trò giáo dục của pháp luật

Pháp luật tác động lên ý thức của con người và điều chỉnh hành vi của họ qua việc giáo dục pháp luật. Pháp luật đưa ra nhận thức, tư tưởng để người dân có thể học và noi theo, đồng thời việc giáo dục giúp nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng và làm thay đổi hành vi của các chủ thể trong xã hội. Pháp luật là cơ sở hình thành ý thức tuân thủ pháp luật, thái độ tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật, tạo nên những thói quen suy nghĩ và hành động tốt, hợp pháp. Pháp luật giáo dục ý thức công dân, làm hình thành ở mỗi người ý thức về trách nhiệm, bổn phận của cá nhân đối với cộng đồng, công dân đối với đất nước.

Qua bài viết này trên quý đọc giả đã hiểu rõ hơn về các thuộc tính cơ bản và vai trò của pháp luật Việt Nam. Hy vọng nội dung bài viết đem lại những kiến thức hữu ích dành cho mọi người. Mọi thắc mắc liên quan tới pháp luật cần được giải đáp vui lòng liên hệ với Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 hoặc gửi câu hỏi về email: vplsnguyenhung@gmail.com để nhận được sự tư vấn hỗ trợ.

4/5 - (1 đánh giá)

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00