090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện

Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn là gì? Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện bị xử lý như thế nào? Dấu hiệu cấu thành tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn ra sao? Bố mẹ có quyền cản trở hôn nhân tự nguyện của con cái không? Hủ tục “bắt vợ” có phạm vào tội cưỡng ép kết hôn hay không? Bồ nhí dùng thủ đoạn ép buộc chồng ly hôn vợ bị xử phạt như thế nào? Đây cũng là những thắc mắc chung của rất nhiều độc giả đã gửi câu hỏi về Luật Nguyễn Hưng nhờ được giải đáp. Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Cưỡng ép kết hôn, ly hôn là hành vi gì?

Theo khoản 9 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:

Cưỡng ép kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với ý muốn của họ.

Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện
Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện

Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện bị xử lý như thế nào?

Cưỡng ép kết hôn, ly hôn được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác để buộc người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ. Cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ, được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác để người khác không thể kết hôn được hoặc không thể duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện tiến bộ.

Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn, hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

Xử phạt hành chính

Căn cứ điểm khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình thì:

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

  1. a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
  2. b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;
  3. c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;

…”

Như vậy, người nào có hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện được quy định tại điều 181 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”

Theo đó, khung hình phạt đối với tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện là người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

Dấu hiệu cấu thành tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn

Khách thể

Hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân xâm phạm chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ được pháp luật bảo vệ.

Chủ thể

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ cũng phải bảo đảm các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12 và 21 Bộ luật Hình sự.

Mặt khách quan

Mặt khách quan có các dấu hiệu sau đây:

Về hành vi:

– Có hành vi cưỡng ép kết hôn: Đây là hành vi buộc người khác (thông thường là con, cháu trong gia đình, họ tộc) phải kết hôn với người (nam hoặc nữ) mà họ không muôn kết hôn với ngươi đó, tức trái với sự tự nguyện của họ.

– Có hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ. Được thể hiện qua các hành vi như: Ngăn cản đôi nam nữ không cho họ kết hôn theo mong muốn của họ, mặc dù họ đã có đầy đủ các điều kiện kết hôn; Ngăn cản người khác duy trì quan hệ vợ chồng hợp pháp (tức quan hệ hôn nhân tự nguyện tiến bộ), nghĩa là làm cho họ phải ly hôn, trái với ý muốn của họ (trên thực tế thường xảy ra tình trạng cha mẹ vợ hoặc chồng buộc con mình phải ly hôn với con dâu hoặc con rể do không thuận thảo, mâu thuẫn với cha mẹ vợ hoặc chồng).

Về thủ đoạn phạm tội:

Tội phạm được thực hiện bằng hình thức hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác để cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện.

Dấu hiệu khác:

Ngoài các dấu hiệu của mặt khách quan nêu trên thì người có hành vi phạm tội còn phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi nêu trên mà còn tiếp tục vi phạm thì mối phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội phạm này.

Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là “cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện” trái với sự tự nguyện của bị hại, thấy trước được hậu quả và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.

Ví dụ về cưỡng ép kết hôn

Ví dụ: A đe dọa B rằng nếu không kết hôn với A thì A sẽ tiết lộ những thông tin bí mật của B nhằm hạ nhục, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của B, làm B lâm vào trạng thái lo sợ nên phải kết hôn trái với ý muốn của mình. Hành vi của A là hành vi cưỡng ép kết hôn.

>> Xem thêm: 4 quyền lợi của người phụ nữ được hưởng khi ly hôn

Một số câu hỏi thường gặp về cưỡng ép kết hôn, ly hôn

Bố mẹ có quyền cản trở hôn nhân tự nguyện của con cái không?

Quyền kết hôn là một trong những quyền nhân thân quan trọng gắn với mỗi người. Pháp luật về hôn nhân và gia đình của mọi quốc gia đều quy định quyền kết hôn của mỗi người, đồng thời định ra những nguyên tắc, điều kiện kết hôn phù hợp với chế độ chính trị, văn hóa, phong tục, tập quán và tôn giáo của quốc gia mình.

Bố mẹ có quyền cản trở hôn nhân tự nguyện của con cái không?
Bố mẹ có quyền cản trở hôn nhân tự nguyện của con cái không?

Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nam nữ khi đáp ứng các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì có thể tự do kết hôn. Cụ thể như sau:

Điều 8: Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.”

Như vậy, khi nam, nữ đủ tuổi kết hôn và đáp ứng các điều kiện trên, thì việc kết hôn là ý chí tự nguyện của đôi bên, không một chủ thể nào có thể ngăn cấm, phản đối dù cho có là bậc sinh thành dưỡng dục đi chăng nữa. Vì khi mất đi ý chí tự nguyện của đôi nam nữ thì việc kết hôn sẽ là trái pháp luật. Việc ngăn cấm của cha mẹ sẽ trở thành nhân tố gây ra hành vi vi phạm pháp luật trong hôn nhân gia đình và sẽ bị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật

Hủ tục “bắt vợ” có phạm vào tội cưỡng ép kết hôn hay không?

Phong tục bắt vợ hay bắt chồng thường diễn ra ở môt số vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được coi là một nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên.

Hủ tục bắt vợ có phạm vào tội cưỡng ép kết hôn hay không?
Hủ tục bắt vợ có phạm vào tội cưỡng ép kết hôn hay không?

Tuy nhiên, phong tục này nếu diễn ra mà không có biểu hiệu thể hiện sự đồng ý của các bên liên quan thì người thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định Điều 157 BLHS hiện hành quy định về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và dẫn tới các hậu quả pháp lý nghiêm trọng, cụ thể:

Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Theo đó, người phạm tội bắt giữ người trái pháp luật có thể bị phạt tù lên đến 07 năm vì hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Bồ nhí dùng thủ đoạn ép buộc chồng ly hôn vợ bị xử phạt như thế nào?

Như đã phân tích ở trên, hành vi ép buộc người khác ly hôn trái với ý muốn của họ là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Thêm vào đó, nếu người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà vẫn tiếp tục cưỡng ép ly hôn thì có thể bị xử lý hình sự về “Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện”, theo đó người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

Trên đây là chia sẻ của Luật Nguyễn Hưng về “Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện”. Nếu còn bất cứ câu hỏi nào về các vấn đề pháp lý khác. Quý khách hãy liên hệ trực tiếp với luật sư tư vấn qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ.

Đánh giá

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00