Tội phạm công nghệ cao ở Việt Nam hiện nay gia tăng nhanh chóng, ngày càng tinh vi và hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 tới nay lực lượng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao đã phát hiện khởi tố 474 vụ án với 1.071 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nhiều nhất phải kể tới tội đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, tín dụng đen… Vậy tội phạm công nghệ cao là gì? Đặc trưng của tội phạm công nghệ cao như thế nào? Các hình thức xử lý tội phạm công nghệ cao ra sao? Hãy cùng Luật Nguyễn Hưng đi tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Tội phạm công nghệ cao là gì?
Theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
Thêm vào đó, khoản 1 Điều 3 Nghị định 25/2014/NĐ-CP quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao thì tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao.
Như vậy, có thể hiểu rằng, tội phạm công nghệ cao là tội phạm cố ý sử dụng tri thức, kiến thức, kỹ năng, công cụ và phương tiện công nghệ thông tin tác động trái pháp luật đến thông tin, dữ liệu, tín hiệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính. Tội phạm sử dụng công nghệ cao không phải là một tội danh độc lập được quy định trong Bộ luật Hình sự mà đó là tổ hợp của những tội phạm sử dụng tri thức về công nghệ cao để xâm phạm các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.
Đặc trưng của tội phạm công nghệ cao
Tội phạm công nghê cao sử dụng công cụ riêng phạm tội
Công cụ, phương tiện phạm tội của tội phạm công nghệ cao là đặc thù, bởi lẽ tội phạm sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật, móc móc hiện đại tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội của mình. Tội phạm công nghệ cao có thể tấn công website của các tổ chức, chính phủ; sử dụng mạng xã hội thực hiện các hành vi xâm phạm đến an ninh quốc gia; Sử dụng các phần mềm gián điệp để đánh cắp, phá hoại dữ liệu làm ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế, chính trị quốc gia…
Tội phạm công nghệ cao có trình độ nhất định
Bằng các kỹ năng và kiến thức của mình, tội phạm công nghệ cao sử dụng phần mềm bảo mật để ẩn danh các máy chủ, che giấu vị trí của mình và định tuyến thông tin liên lạc của họ qua nhiều quốc gia để trốn tránh phát hiện trực tiếp và thực hiện tội phạm ở các quốc gia khác nơi chúng không thể bị truy tố. Các loại tấn công phổ biến nhất được thực hiện bởi các băng nhóm này là lừa đảo bằng mã độc, máy tính ma và phần mềm độc hại nhằm tấn công mạng, giả định, tống tiền trực tuyến, gian lận thẻ tín dụng và thậm chí các hoạt động rửa tiền quốc tế. Do đó, các tội phạm công nghệ cao thường có trình độ nhất định để thực hiện hành vi phạm tội của mình.
Phân loại tội phạm công nghệ cao
Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông hiện nay được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 từ Điều 285 đến Điều 294 và có thể chia thành 02 nhóm:
Nhóm 1: Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông gây tổn hại tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của hệ thống máy tính (từ Điều 285 – Điều 289) như:
+ Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật;
+ Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;
+ Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử…
Nhóm hai: Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội (từ Điều 290 – Điều 294) như:
+ Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản;
+ Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản;
+ Tội cố ý gây nhiễu có hại.
Tình hình tội phạm công nghệ cao ở Việt Nam
Tại Việt Nam, tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng nhanh chóng, diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Số các vụ án mà đối tượng lợi dụng mạng internet để thực hiện hành vi tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng nhiều, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân hàng nghìn tỷ đồng. Số lượng bị can bị khởi tố thông qua các vụ vi phạm mà công an Việt Nam đã triệt phá cho thấy tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng hoạt động tinh vi theo nhóm được tổ chức chuyên nghiệp và có sự liên kết giữa tội phạm trong nước và cả nước ngoài.
Ví dụ về tội phạm công nghệ cao
Ví dụ: Bằng thủ đoạn thu thập tài khoản Facebook và thông tin họ tên, ngày, tháng, năm sinh của các chủ tài khoản facebook, tiếp đó dò mật khẩu bằng cách ghép tên và ngày tháng năm sinh đã thu thập được. Từ đó, anh A đã truy cập vào tài khoản FB của chị H và sử dụng tài khoản này (nhằm che dấu thông tin thật của A) nhắn tin để đặt mua quần áo của cửa hàng chị T và ngỏ ý muốn thanh toán tiền trước. Sau đó anh A lấy lý do là chuyển tiền từ nước ngoài, nên để nhận được tiền, anh A đã thông qua tài khoản fb của chị H gửi một đường link dẫn tới một trang web có giao diện giống của ngân hàng rồi hướng dẫn chị T truy cập đường link, nhập tài khoản, mật khẩu để đăng nhập tài khoản InternetBanking, lấy mật mã OTP của chị T. Tiếp đó, A dùng điện thoại của mình để truy cập vào tài khoản InternetBanking của chị T và chuyển hết toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng của chị T vào tài khoản ngân hàng do A đã chuẩn bị từ trước. A đã dùng công cụ là mạng xã hội và trang weh ảo để thực hiện việc chiếm đoạt tiền của chị T, hành vi của A là tội phạm công nghệ cao và đủ yếu tố cấu thành tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 290 Bộ luật Hình sự.
Các hình thức xử lý tội phạm công nghệ cao
Người thực hiện hành vi phạm tội hoặc các vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 từ Điều 285 đến Điều 294, hoặc bị xử lý hành chính; nếu gây thiệt hại, phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bị lừa đảo chuyển tiền qua Internet Banking có lấy lại được không?
Nếu chẳng may bị lừa đảo chuyển tiền qua Internet Banking, người bị hại có thể tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tùy thuộc vào hành vi phạm tội mà tố giác tội phạm công nghệ cao đến cơ quan chức năng để cơ quan chức năng khởi tố, điều tra và xử lý tội phạm. Từ đó, người phạm tội phải bồi thường thiệt hại và trả lại tiền đã lừa đảo lại cho người bị hại.
Lời kết
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về “tội phạm công nghệ cao“. Hy vọng nội dung bài viết đem lại những thông tin hữu ích dành cho quý độc giả. Nếu quý độc giả còn những câu hỏi liên quan đến tội phạm công nghệ cao cần được tư vấn giải đáp. Hãy gọi ngay Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận tư vấn từ luật sư. Đội ngũ luật sư tại Luật Nguyễn Hưng luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc của quý khách.