090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật mới nhất

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định như thế nào trong bộ luật hình sự? Các phương thức của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hiện nay như thế nào? Có khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi người phạm tội trả lại tiền cho người bị hại không? Tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như thế nào? Luật Nguyễn Hưng sẽ tư vấn giải đáp chi tiết trong nội dung bài viết sau đây.

Quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự như sau:

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a,b,c và d khoản 1 Điều này.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a,b,c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a,b,c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

>>> Xem thêm: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Các yếu tố cấu thành của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Mặt khách quan của tội phạm

Người phạm tội có hành vi khách quan là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi gian dối có thể là đưa ra thông tin giả, thông tin sai sự thật bằng lời nói hoặc chữ viết, hành động nhằm lấy lòng tin và chiếm đoạt tài sản của họ. Hành vi dùng thủ đoạn gian dối có mối quan hệ nhân quả với việc chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.

Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phạm lỗi cố ý. Người phạm tội ngay từ đầu đã có ý định chiếm đoạt tài sản, sau đó mới lên kế hoạch để lừa đảo.

Mặt khách thể của tội phạm

Hành vi của người phạm tội xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Mặt chủ thể của tội phạm

Bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm Hình sự đều có thể là chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thực tiễn của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở nước ta hiện nay

Lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng

Các đối tượng thường dùng các phương thức lừa đảo như: lập hồ sơ giả, sử dụng tài sản thế chấp không thuộc quyền sở hữu của mình để móc nối vay tiền ngân hàng; lợi dụng việc thuê nhà, thuê đất kinh doanh để làm giả sổ đỏ sang tên nhằm mục đích vay tiền ngân hàng rồi chiếm đoạt,….

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua ngân hàng
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua ngân hàng

Lừa đảo trong lĩnh vực tài chính

Thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách sử dụng giấy tờ giả để vay tín dụng tại các tổ chức tín dụng; lập công ty ảo để vay tiền, huy động vốn từ những công ty tài chính.

Lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán

Lợi dụng việc các hộ kinh doanh cần tiền để làm ăn, các đối tượng thường tìm đến đề xuất cho vay với điều kiện là thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thay vì ký hợp đồng cho vay, giấy vay tiền thì các đối tượng này cho người vay ký giấy ủy quyền, hợp đồng ủy quyền đối với bất động sản. Sau đó, các đối tượng này mang đi chuyển nhượng, thế chấp,….Các đối tượng còn đưa ra thông tin sai lệch về thông tin thửa đất để nhận tiền của khách hàng rồi bỏ trốn.

Lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động

Lừa đảo thông qua việc môi giới, tổ chức đưa lao động đi nước ngoài; thành lập công ty ma, nhận tiền của khách hàng sau đó không thực hiện nghĩa vụ mà bỏ trốn; quảng bá xuất khẩu sai sự thật để đưa người lao động ra nước ngoài để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ,….

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua tin nhắn rác và mạng xã hội facebook, zalo

Các đối tượng tinh vi, tạo ra các đương link nguy hiểm, xây dựng thông tin quảng cáo, khuyến mãi giả. Chỉ cần nạn nhân tò mò, nhấp vào đường link, đăng nhập tài khoản, lợi dụng lúc này các đối tượng sẽ chiếm quyền quản trị tài khoản để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet

Lừa đảo thông qua hình thức Vishin

Người phạm tội thực hiện lừa đảo bằng cách sử dụng gói dịch vụ gọi điện qua internet hoặc dùng sim rác để giả danh là người của cơ quan chức năng, yêu cầu nạn nhân phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng khác của người phạm tội.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo mô hình kinh doanh đa cấp – đa cấp tiền ảo

Với hình thức này, nạn nhân sẽ bị dụ dỗ đầu tư vào những kế hoạch lừa đảo, kế hoạch không có thực để tham gia đầu tư. Người tham gia trước sẽ thuyết phục, lôi kéo người sau tham gia, lợi nhuận người tham gia trước nhận được chính là số tiền đầu tư của người tham gia sau, không có lợi nhuận thực tế nào.

>> Tham khảo bài viết: Lừa dối khách hàng là gì? Tội lừa dối khách hàng bị xử lý thế nào?

Có khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi người phạm tội trả lại tiền cho người bị hại không?

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác, hậu quả của tội này là thiệt hại về tài sản. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào có hậu quả về tài sản thì mới cấu thành tội phạm, đối với một số hành vi lừa đảo có tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn thì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể được cấu thành khi người phạm tội thực hiện xong hành vi phạm tội nhưng không chiếm đoạt được tài sản.

Căn cứ Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không nằm trong số những tội khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Do đó, nếu nhận thấy có dấu hiệu cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra vẫn sẽ khởi tố, việc người phạm tội trả lại tiền cho nạn nhân chỉ có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ.

Tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như thế nào?

Khi nhận thấy quyền sở hữu tài sản của mình bị xâm phạm bởi hành vi lừa đảo, nạn nhân có quyền tố cáo hành vi của người phạm tội đến cơ quan chức năng. Việc tố cáo có thể được trình bày bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Cách xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng

Khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng thì đầu tiên phải thu thập bằng chứng, thu thập càng nhiều thì càng có lợi cho quá trình điều tra.

Có thể nộp đơn tố cáo hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan điều tra nơi người phạm tội sinh sống hoặc cơ quan điều tra nơi nạn nhân đang sinh sống. Sau khi tiếp nhận tin báo, cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh và thực hiện các nghiệp vụ để điều tra tội phạm.

Trên đây là bài viết về các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cách xử lý. Nếu bạn đang gặp các vướng mắc về các vấn đề pháp lý khác cần được luật sư tư vấn. Vui lòng liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.

Đánh giá

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00