090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Tội phạm là gì? Có mấy loại tội phạm? Yếu tố cấu thành tội phạm?

Tội phạm là một thuật ngữ điển hình trong pháp luật hình sự. Vậy tội phạm là gì, tội phạm có mấy loại và các yếu tố cấu thành tội phạm như thế nào? Hãy cùng Luật Nguyễn Hưng đi tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây.

Tội phạm là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có nêu rõ khái niệm về tội phạm như sau:

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Tội phạm là gì? Có mấy loại tội phạm? Yếu tố cấu thành tội phạm?
Tội phạm là gì?

Như vậy, hiểu đơn giản thì tội phạm là những hành vi nguy hiểm cho xã hội do chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý/vô ý, trái với Bộ luật hình sự và chủ thể thực hiện hành vi này phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác.

Ví dụ về tội phạm:

A – 18 tuổi (đủ năng lực trách nhiệm hình sự) thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là chiếc xe đạp có giá trị 05 triệu đồng. Hành vi của A là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và xâm phạm tới quyền sở hữu tài sản của người khác, trái với quy định của Bộ luật hình sự và phạm tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự. Theo đó, A phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự với các khung hình phạt là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Có mấy loại tội phạm trong pháp luật hình sự?

Việc phân loại tội phạm Theo đó, Điều 9 Bộ luật hình sự quy định tội phạm được phân thành bốn loại dựa vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Cụ thể:

Tội phạm ít nghiêm trọng

Theo khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự, tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.

Tội phạm nghiêm trọng

Theo khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự, tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù.

Tội phạm rất nghiêm trọng

Theo khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự, tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Theo khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Yếu tố cấu hành tội phạm?

Từ khái niệm tội phạm có thể thấy rõ có bốn yếu tố cấu thành tội phạm gồm: Chủ thể, Khách thể, Mặt khách quan, Mặt chủ quan. Khi đáp ứng đầy đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm này thì chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của mình.

Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm, gồm: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của hành vi nguy hiểm cho xã hội, tính trái pháp luật của hành vi, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi – hậu quả, công cụ, hoàn cảnh, thời gian, địa điểm phạm tội.

Ví dụ: A thực hiện hành vi cướp giật tài sản – túi xách của B trên đường, A đã chuẩn bị sẵn công cụ phạm tội là xe máy để khi đi qua B thì cướp giật túi xách của B. Hành vi của A là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, dẫn tới hậu quả là tài sản của B bị chiếm đoạt bất hợp pháp. Hành vi này phạm tội cướp giật tài sản quy định tại Điều 171 Bộ luật hình sự.

Mặt chủ quan của tội phạm

Mặt chủ quan của tội phạm là những biểu hiện tâm lý bên trong của tội phạm, được phản ánh qua lỗi, mục đích, động cơ phạm tội. Trong đó, lỗi ở đây gồm lỗi cố ý và lỗi vô ý.

Cố ý phạm tội là cố ý trong các trường hợp sau:

Cố ý phạm tội gồm cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp, được quy định tại Điều 10 Bộ luật hình sự như sau:

+ Cố ý trực tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Ví dụ: A biết việc dùng dao đâm vào ngực của B có thể gây thương tích hoặc tước đoạt tính mạng của B nhưng A vẫn thực hiện hành vi này và mong muốn hậu quả xảy ra.

+ Cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Ví dụ: A và B đang ẩu đá với nhau, trong quá trình xô đẩy A thấy cục gạch ở bên cạnh nên đã cầm cục gạch để ném vào đầu của B, sau đó A bỏ đi và B tử vong. Như vậy, việc cầm gạch tấn công và giết B không nằm trong dự định ban đầu của A, tuy nhiên A vẫn biết việc cầm gạch ném vào đầu B có thể khiến B mất mạng nhưng vẫn thực hiện.

Như vậy, hai hình thức lỗi này có sự khác nhau về ý chí phạm tội: Đối với lỗi cố ý trực tiếp thì người phạm tội mong muốn cho hậu quả xảy ra, còn đối với lỗi cố ý gián tiếp người phạm tội không mong muốn cho hậu quả xảy ra nhưng vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra.

>> Xem thêm: Lỗi cố ý gián tiếp là gì? Phân biệt lỗi cố ý trực tiếp và gián tiếp

Vô ý phạm tội bao gồm các trường hợp sau:

Vô ý phạm tội gồm hai trường hợp là vô ý do quá tự tin và vô ý do cẩu thả, được quy định tại Điều 11 Bộ luật hình sự như sau:

+ Vô ý do quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Ví dụ: A là bác sĩ có chuyên môn phẫu thuật, do tự tin vào tay nghề nên trong quá trình phẫu thuật đã không kịp thời xử lý sự cố xảy ra trong quá trình phẫu thuật dẫn tới bệnh nhân chết. A nhận thức được việc không xử lý sự cố xảy ra có thể khiến cho bệnh nhân chết nhưng vì tự tin vào tay nghề của mình nên cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

+ Vô ý do cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Ví dụ: Người vứt que diêm cháy dở sau khi châm thuốc ngay chỗ bơm xăng có thể hoàn toàn không nghĩ đến khả năng sẽ gây hoả hoạn. Trong trường hợp này, người phạm tội mặc dù phải thấy được việc dùng lửa không cẩn thận (vứt que diêm cháy dở ngay chỗ bơm xăng) có thể dẫn tới hỏa thuận nhưng không nghĩ rằng có thể gây ra sự cố cháy nổ.

Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại và được Bộ luật Hình sự bảo vệ. Ví dụ khách thể của tội phạm có thể là sức khỏe, tính mạng, uy tín, danh dự, nhân phẩm của con người; quyền sở hữu tài sản; quyền tài sản khác; an ninh quốc gia; an toàn giao thông;…

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, theo quy định của Bộ luật hình sự, đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Năng lực trách nhiệm hình sự: Là khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của người phạm tội. Điều 21 Bộ luật hình sự quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuổi chịu trách nhiệm hình sự: Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự, Người từ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự với tất cả mọi tội phạm, Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

Như vậy, chủ thể được coi là tội phạm phải đáp ứng đủ hai điều kiện là có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Lời kết

Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Nguyễn Hưng về “Tội phạm là gì? Có mấy loại tội phạm? Yếu tố cấu thành tội phạm?“. Hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích dành cho bạn. Trong quá trình tìm hiểu, nếu bạn còn những thắc mắc nào cần được giải đáp. Hãy liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.

Đánh giá

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00