090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Hình phạt đối với người phạm tội trốn khỏi nơi giam giữ là gì?

Trốn khỏi nơi giam giữ là gì? Dấu hiệu pháp lý của tội trốn khỏi nơi giam giữ là gì? Hình phạt đối với người phạm tội trốn khỏi nơi giam giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử như thế nào? Trốn khỏi nơi giam giữ nhiều lần có bị tăng hình phạt không? Tất cả sẽ được Luật Nguyễn Hưng giải đáp trong bài viết dưới đây.

Trốn khỏi nơi giam giữ là gì?

Trốn khỏi nơi giam giữ là hành vi của người đang bị giam, giữ đã dùng mọi thủ đoạn để thoát khỏi sự quản lý, giám sát của người có trách nhiệm một cách trái phép.

Trốn khỏi nơi giam giữ là gì?
Trốn khỏi nơi giam giữ là gì?

Dấu hiệu pháp lý của tội trốn khỏi nơi giam giữ

Hành vi trốn khỏi nơi giam giữ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử” được quy định tại Điều 386 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Các dấu hiệu pháp lý của tội này như sau:

Khách thể của tội phạm

Hành vi phạm tội nêu trên đã xâm phạm đến chế độ tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự và chế độ giam, giữ, cải tạo phạm nhân, đồng thời xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan thi hành án hình sự.

Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện qua hành vi của người đang bị giam, giữ, bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử (tại nơi mở phiên tòa) đã dùng mọi thủ đoạn để thoát khỏi sự quản lý của người canh gác, quản lý, dẫn giải.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này được coi là chủ thể đặc biệt, bao gồm những người đang bị giam, giữ hoặc đang bị dẫn giải, đang bị xét xử (tại địa điểm mở phiên tòa).

Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với mỗi cố ý.

Hình phạt đối với người phạm tội trốn khỏi nơi giam giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử

Theo quy định tại Điều 386 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 thì người phạm tội trốn khỏi nơi giam giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử bị xử phạt như sau:

“Điều 386. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử

Người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải.”

Như vậy, người phạm tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi phạm tội.

Trốn khỏi nơi giam giữ nhiều lần có bị tăng hình phạt không?

Hành vi trốn khỏi nơi giam giữ nhiều lần làn hành vi tái phạm do lỗi cố ý và có thể thuộc tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.

Trốn khỏi nơi giam giữ nhiều lần có bị tăng hình phạt không?
Trốn khỏi nơi giam giữ nhiều lần có bị tăng hình phạt không?

Đồng thời, theo quy định tại Điều 56 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án:

“Điều 56. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án

Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.

Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.

Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”

Như vậy, hành vi trốn khỏi nơi giam giữ nhiều lần đã bị xử phạt bằng một bản án mà còn tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội thì Tòa án sẽ xem xét áp dụng tình tiết định khung tăng nặng và tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 55, 56 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Câu hỏi: Phạm nhân Triệu Quân Sự từng trốn khỏi nơi giam giữ 3 lần thì có bị cộng dồn án phạt hoặc tăng hình phạt hay không?

Trả lời:

Trong thời gian thụ án phạt tù, Triệu Quân Sự đã trốn khỏi nơi giam giữ 03 lần, cụ thể:

Lần thứ nhất, năm 2015, khi thụ án tại trại giam quân sự khu vực miền Trung, Quân khu 5, Sự đã vượt ngục và bị bắt, phải nhận thêm 6 năm tù vì “Tội trộm cắp tài sản” và “Tội trốn khỏi nơi giam giữ“.

Đến chiều 3/6/2020, khi đang chấp hành án tù tại Trại giam quân sự khu vực miền Trung, Quân Khu 5 (đóng tại Quảng Ngãi), Triệu Quân Sự trèo qua vọng gác, bám vào đường ống nước xuống đất trốn ra ngoài. Sự bị bắt sau 15 ngày lẩn trốn, khi đang ở một quán trò chơi điện tử tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi. Triệu Quân Sự tiếp tục bị tuyên phạt tổng cộng 6 năm 2 tội “Trốn khỏi nơi giam” và “Trộm cắp tài sản”.

Với lần vượt ngục lần thứ ba vào tháng 5 năm 2022, Triệu Quân Sự bị bắt lại nhanh chóng sau hơn nửa ngày.  Trong lời khai của mình, Sự cho biết đã lấy trộm hai chiếc xe đạp của người dân ven đường và bán đi một chiếc bị hỏng được 100.000 đồng để mua thức ăn trước khi bị phát hiện. Do đó, Triệu Quân Sự có thể bị truy tố về tội “Trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử” và”Trộm cắp tài sản” đối với lần vượt ngục lần 03 này.

Như đã phân tích ở trên, hành vi trốn khỏi nơi giam giữ nhiều lần đã bị xử phạt bằng một bản án mà còn tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội thì Tòa án sẽ xem xét áp dụng tình tiết định khung tăng nặng và tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 55, 56 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Tuy nhiên, trước đây, Triệu Quân Sự đang chấp hành nhiều bản án, với nhiều tội danh, trong đó hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân.

Do đó, theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì hình phạt chung mà Triệu Quân Sự phải chịu vẫn là tù chung thân.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về tội trốn khỏi nơi giam giữ. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác liên quan tới tội trốn khỏi nơi giam giữ, quý khách vui lòng liên hệ với Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ Luật sư.

Đánh giá

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00