Trong những năm gần đây thì nạn trộm chó luôn là một vấn đề gây bức xúc và nhức nhối trong xã hội. Từ nông thôn cho tới thành thị, ở đâu có chó thì ở đó có “cẩu tặc”. Hành vi trộm chó bị xử phạt như thế nào? Hành vi tiêu thụ chó ăn trộm bị xử phạt như thế nào? Đánh kẻ trộm chó có vi phạm pháp luật không? Bị trộm chó thì nên làm gì? Luật Nguyễn Hưng sẽ giải đáp cụ thể trong bài viết này.
Hành vi trộm chó là gì?
Chó là vật nuôi và là tài sản của người nuôi, đối với quan điểm của một số người chó còn được xem là người bạn, thành viên trong gia đình hay được huấn luyện đặc biệt để phục vụ một số công tác xã hội.
Trộm cắp là hành vi lén lút, bí mật lợi dụng sự sơ hở thiếu đề phòng của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ một cách trái pháp luật. Trộm chó là hành vi trộm cắp một hoặc nhiều con chó từ chủ sở hữu của chúng với nhiều mục đích khác nhau.
Hành vi trộm chó bị xử phạt như thế nào?
Vì trộm chó được xem là hành vi trộm cắp tài sản nên người thực hiện hành vi này cũng sẽ chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình.
Trường hợp xử lý về tội trộm cắp tài sản?
Nếu giá trị của tài sản dưới 02 triệu đồng, người phạm tội chưa bị xử lý hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản; hoặc chưa bị kết án về các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, tội trộm cắp tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc Không gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hoặc tài sản không là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. thì sẽ bị phạt vi phạm hành chính (theo khoản 1 Điều 173 bộ luật hình sự 2015_ sửa đổi, bổ sung 2017). Theo điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi trộm cắp tài sản là từ 02-03 triệu đồng nên người trộm chó sẽ bị phạt tiền từ 02-03 triệu đồng.
Trường hợp xử lý về tội cướp tài sản?
Ngoài bị phạt hành chính như đã đề cập ở trên, người thực hiện hành vi trộm chó còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trộm cắp tài sản cụ thể là tại Điều 173 Bộ luật hình sự 2015_ sửa đổi, bổ sung 2017.
Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Qua đây, ta thấy được hành vi trộm cắp tài sản hay cụ thể hơn là hành vi trộm chó, mức khung hình phạt nhẹ nhất là phạt tiền 5.000.000 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Tùy vào trường hợp mà mức hình phạt tăng thêm, cao nhất có thể là phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng, còn có thể bị phạt tù 20 năm.
Hành vi tiêu thụ chó ăn trộm là gì?
Hành vi tiêu thụ chó ăn trộm, biết rõ chó có được từ việc ăn trộm nhưng vẫn tiêu thụ hoặc hứa hẹn tiêu thụ được xem là hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Những con chó được tiêu thụ có thể còn sống hoặc đã bị đánh bả chết, người tiêu thụ có nhiều mục đích khác nhau, đối với từng loại chó khác nhau như: chó cảnh thường sẽ bị bán sống để kiếm lời, chó ta thường sẽ bị giết lấy thịt,…
>> Xem thêm: Tội chứa chấp tiêu thụ tài sản ăn trộm có bị phạt tù không?
Tiêu thụ chó ăn trộm bị xử phạt như thế nào?
Đối với người tiêu thụ chó ăn trộm cũng được xem như tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được pháp luật quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015_ sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đánh kẻ trộm chó có vi phạm pháp luật không?
Khi chúng ta bị mất đồ, tài sản mà phát hiện ngay lúc đó, cảm xúc dễ bộc phát dẫn đến hành vi đánh đập kẻ trộm ngay lúc đó.
Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích
Đôi khi để cảm xúc lấn át lý trí lại không hay, nhiều người vì sợ mất đồ, tiếc của, mà xử sự một cách quá bạo lực đối với người trộm. Nếu như gây thương tích quá nặng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 Bộ luật Hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm tùy vào từng trường hợp. Hơn nữa, nếu tỷ lệ thương tổn càng cao thì người phạm tội phải chịu khung hình phạt càng cao và mức khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người
Đối với trường hợp đánh kẻ trộm chó mà dẫn đến chết người thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015_ sửa đổi, bổ sung 2017, hành vi đánh người trộm chó đến chết có tính chất côn đồ hoặc thuộc một trong các trường hợp tại khoản này sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm là mức khung hình phạt nhẹ nhất, nặng hơn có thể tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, khi quá kích động dẫn đến hành vi giết người thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 125 BLHS 2015 về tội giết người trong trạng thái kích động mạnh.
“Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”.
Nếu trong trường hợp tự vệ chính đáng, ta có thể áp dụng Điều 126 Bộ luật hình sự 2015_ sửa đổi, bổ sung 2017 về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng để bảo vệ quyền lợi của bản thân mình.
“Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.”
Làm gì khi bị trộm chó?
Trộm chó không nhất thiết là vì mục đích làm thịt, còn có thể đem bán làm chó cảnh,… Tốt hay xấu chúng ta cũng rất khó phân biệt được. Cho nên cần có một số biện pháp có thể làm giảm bớt nạn trộm bắt chó.
Vì Việt Nam chưa có quy định hay pháp luật bảo vệ thú nuôi nói chung và loài chó nói riêng nên chưa có biện pháp xử lý cụ thể nào khi chó đã bị bắt mất. Nhưng không chữa được, chúng ta vẫn có thể phòng được, bằng các cách sau:
- Đeo bảng tên cho chó: Khắc tên chó cùng số điện thoại của bạn lên nhé. Việc chó đeo thẻ tên sẽ giúp phân biệt chú chó của bạn với những chú chó vô chủ khác. Vì chó hoang dễ trở thành mục tiêu bị bắt, chủ yếu để bán thịt.
- Luôn khoá cổng: Luôn đóng cửa nẻo cẩn thận, đừng để chó chạy ra ngoài đường rồi lạc mất. Lắp đặt các hệ thống an ninh (như camera theo dõi, chuông báo động …) để đuổi những cặp mắt soi mói của những tên trộm chó. Cách này cũng làm tăng sự an toàn cho gia đình bạn, đặc biệt là những gia đình có con cháu nhỏ.
- Hạn chế để chó ở một mình: Dù biết chúng ta không thể luôn bên cạnh vật nuôi, nhưng hãy cố gắng dành nhiều thời gian bên cạnh chúng.
- Canh chừng người lạ: Không tiết lộ về giá trị, nòi giống, các đợt huấn luyện hay khả năng đặc biệt của thú nuôi. Chó bạn càng “xịn”, thì càng trở nên ngon lành trong mắt những tên trộm.
- Hãy đề phòng khi dắt chó ra ngoài: Thỉnh thoảng, bạn nên thay đổi lộ trình và thời gian dắt chó bởi nhiều khi vật nuôi của bạn đang nằm trong tầm ngắm mà bạn không hề hay biết.
- Chụp ảnh chó thường xuyên và từ nhiều góc độ khác nhau: Hãy ghi chú lại những đặc điểm nhận dạng và huấn luyện chó biết phản ứng với các mệnh lệnh của bạn. Điều này sẽ hữu ích khi chó của bạn đi lạc hoặc bị bắt mất.
- Ngoài ra, hạn chế ăn thịt chó cũng góp phần làm giảm nạn trộm cắp chó. “Không có người mua sẽ không có người bán”, luôn nhớ đến câu slogan này vì những chú chó thân yêu của mọi người.
Nếu bạn bạn cần tư vấn thêm về các vấn đề pháp lý liên quan khác, vui lòng liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.