Xét xử kín là gì? Quy định về xét xử kín tại hiến pháp 2013 và bộ luật tố tụng hình sự 2015 như thế nào? Ý nghĩa của xét xử kín là gì? Những trường hợp nào được xét xử kín? Có thể yêu cầu Tòa xử kín không? Luật Nguyễn Hưng sẽ giải đáp các câu hỏi chi tiết kèm theo các vị dụ thực tiễn trong bài viết dưới đây.
Xét xử kín là gì?
Xét xử kín nghĩa là không phải mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trái ngược với xét xử công khai. Ngoài Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng cần thiết thì không còn ai ở lại trong phòng xét xử nếu là án xử kín mà chỉ có thể trở lại sau quá trình xét xử kín để nghe tuyên án công khai.
Quy định về xét xử kín
Quy định về xét xử kín tại Hiến pháp 2013
Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Hiến pháp 2013: “Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai”.
Tại khoản 3 Điều 103 Hiến pháp 2013 quy định về nguyên tắc xét xử thì “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp cần giữa bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.
Qua quy định trên, ta thấy Tòa án có thể xét xử kín trong một số trường hợp đặc biệt nhưng khi tuyên án phải được công khai. Việc xét xử kín vẫn phải đảm bảo tính khách quan, công bằng và đúng theo nguyên tắc và trình tự của luật định.
Quy định về xét xử kín tại Bộ luật tố tụng Hình sự 2015
Theo Điều 25 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 quy định “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.
Ngoài ra tại Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 còn có một số quy định sau về xét xử kín:
- Tại điểm b khoản 1 Điều 255 quy định trong quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ghi rõ xét xử công khai hay xét xử kín.
- Tại điểm c khoản 1 Điều 279 quy định về Giải quyết yêu cầu, đề nghị trước khi mở phiên tòa “ Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải giải quyết các yêu cầu, đề nghị của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng về việc xét xử theo thủ tục rút gọn, xét xử công khai hoặc xét xử kín;…”
- Tại Điều 327: “Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án. Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.”
- Tại khoản 2 Điều 423: “ Trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì Tòa án có thể quyết định xét xử kín.”
Khi xét xử một vụ án, tại quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm sẽ xác định rõ hình thức xét xử là công khai hoặc xét xử kín. Trong trường hợp xét xử kín khi đọc bản án, chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.
Ý nghĩa của xét xử kín
Việc xét xử kín nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của đương sự, bị cáo hay lợi ích của nhà nước trong một số trường hợp đặc biệt.
Đối với những bí mật của nhà nước cần được xử lý một cách nghiêm minh nhưng điều đó ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước nên những trường hợp đặc thù này cần được xét xử kín nhằm đảm bảo thông tin không bị lan truyền quá nhiều, công khai trong cộng đồng và ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước.
Đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi, để tránh gây áp lực về mặt tâm lý và tinh thần của trẻ trong giai đoạn phát triển ảnh hưởng đến tương lai thì việc xét xử kín đóng vai trò rất quan trọng nhằm bảo đảm quyền con người và quyền trẻ em, tránh những tác động tiêu cực đến trẻ và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên.
Những trường hợp nào được xét xử kín?
Những trường hợp được xét xử kín được pháp luật quy định bao gồm:
Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc
Những trường hợp điển hình liên quan đến bí mật của nhà nước hay thuần phong mỹ tục của dân tộc thường được xét xử kín có thể nói đến như làm sai quy định nhà nước gây thất thoát nguồn ngân sách hay tham nhũng.
Bảo vệ người dưới 18 tuổi, chưa thành niên
Các trường hợp nhằm bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi như vụ án hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm, dâm ô…ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ nên thường được xét xử kín.
Giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự
Nếu đương sự yêu cầu giữ kín bí mật về đời tư cá nhân thì trong một số trường hợp với lý do chính đáng Tòa án có thể xét xử kín.
Yêu cầu Tòa xử kín như thế nào?
Nếu vụ án thuộc những trường hợp được xét xử kín, đương sự có quyền gửi yêu cầu đến Tòa án xét xử vụ án đó để yêu cầu xét xử kín. Dựa vào cơ sở yêu cầu của đương sự, Tòa án sẽ cân nhắc, xem xét, quyết định và khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa sẽ ghi rõ hình thức xét xử.
Ví dụ về xét xử kín
Ví dụ 1: Điển hình như trong vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” sẽ được xét xử kín để đảm bảo giữ bí mật nhà nước. Tuy nhiên, khi tuyên án thì tòa án sẽ tuyên công khai theo quy định của pháp luật.
Ví dụ 2: Trong vụ án ly hôn, tranh chấp chia tài sản khi ly hôn, Tòa án có thể xét xử kín khi xem xét yêu cầu của đương sự với lý do để đảm bảo quyền cá nhân, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh, bí mật gia đình.
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, về xét xử kín. Vui lòng liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.