090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Truy nã tội phạm là gì? Thẩm quyền ra quyết định truy nã là ai?

Khái niệm truy nã tội phạm là gì? Đối tượng bị truy nã là những ai? Cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ các điều kiện nào? Lệnh truy nã có hiệu lực bao lâu? Ai có quyền bắt giữ người bị truy nã? Luật Nguyễn Hưng sẽ giải đáp cụ thể trong bài viết dưới đây.

Truy nã tội phạm là gì?

Truy nã tội phạm là hoạt động tố tụng hình sự của lực lượng công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm phát hiện; tìm kiếm, bắt giữ người có hành vi phạm tội đang lẩn trốn; theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ cho công tác điều tra; truy tố, xét xử, thi hành án phạt tù hoặc tử hình. Cơ quan điều tra ra quyết định để truy tìm tung tích của người vi phạm pháp luật hình sự (đã có hoặc chưa có bản án xét xử của tòa án) khi người đó bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu. Truy nã được thực hiện bằng quyết định truy nã.

Truy nã tội phạm là gì?
Truy nã tội phạm là gì?

Đối tượng bị truy nã là những ai?

Căn cứ Điều 2 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã, thì đối tượng bị truy nã bao gồm:

  • Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu;
  • Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn;
  • Người bị kết án phạt tù bỏ trốn;
  • Người bị kết án tử hình bỏ trốn.
  • Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.

Căn cứ ra quyết định truy nã

Cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Có đủ căn cứ xác định đối tượng quy định tại Điều 2 của Thông tư này đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả;

– Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn.

Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã.

Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy nã

Khi có đủ căn cứ xác định bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu mà trước đó Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam mà không bắt được thì Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định truy nã.

Trường hợp chưa có lệnh bắt bị can; bị cáo để tạm giam thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam mà Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án ra ngay quyết định truy nã.

Như vậy, khi có đủ căn cứ truy nã theo quy định của pháp luật thì Cơ quan điều tra có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định truy nã.

Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã.

Lệnh truy nã có hiệu lực bao nhiêu lâu?

Pháp luật hiện nay chưa có quy định về thời hạn có hiệu lực của lệnh truy nã. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

– 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

– 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

– 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

– 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Đồng thời, nếu trong thời hạn nêu trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Như vậy, thời gian truy nã không được tình vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, mục đích của lệnh truy nã là truy tìm đối tượng để bắt họ chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của họ. Do đó, có thể suy luận hợp lý rằng, lệnh truy nã có hiệu lực đến khi người bị truy nã ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Một số câu hỏi liên quan tới truy nã tội phạm

Ai có quyền bắt giữ người bị truy nã?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Ai có quyền bắt giữ người bị truy nã?
Ai có quyền bắt giữ người bị truy nã?

Người bị truy nã đi đầu thú sẽ được giải quyết như thế nào?

Điều 16 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã, quy định cụ thể về giải quyết trường hợp người bị truy nã ra đầu thú như sau:

Điều 16. Giải quyết trường hợp người bị truy nã ra đầu thú

Khi có người bị truy nã đến đầu thú thì các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất biết để cử người đến tiếp nhận và lập biên bản về việc người bị truy nã ra đầu thú. Trường hợp người bị truy nã ra đầu thú tại cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân các cấp thì các cơ quan này phải lập biên bản về việc người bị truy nã ra đầu thú và giải ngay người đó đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Khi tiếp nhận người bị truy nã ra đầu thú, Cơ quan điều tra phải lập biên bản về việc người bị truy nã ra đầu thú (nếu cơ quan bàn giao chưa lập biên bản) và lấy lời khai về hành vi phạm tội, quá trình trốn, lý do đầu thú và những vấn đề khác có liên quan.

Người phạm tội bị truy nã ra đầu thú thì được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự.

Người có quyết định thi hành án phạt tù bỏ trốn bị truy nã ra đầu thú nhưng đang bị bệnh hiểm nghèo (có kết luận của Hội đồng y khoa Bệnh viện cấp tỉnh trở lên), phụ nữ có thai (có xác nhận của Bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên), người đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người lao động duy nhất trong gia đình (có xác nhận của chính quyền địa phương) nếu phải chấp hành án phạt tù thì gia đình sẽ lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thì Tòa án có thể cho tạm hoãn chấp hành án phạt tù theo quy định tại Điều 61 Bộ luật hình sự.”

Không tố giác người đang bị truy nã thì có bị xử phạt hay không?

Căn cứ Điều 2 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã, thì đối tượng bị truy nã bao gồm:

– Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu;

– Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn;

– Người bị kết án phạt tù bỏ trốn;

– Người bị kết án tử hình bỏ trốn;

– Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.

Như vậy, có thể thấy, đối tượng bị truy nã là tội phạm đang bị truy tố hoặc đã bị kết án mà bỏ trốn.

Do đó, căn cứ Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về không tố giác tội phạm:

Điều 19. Không tố giác tội phạm

Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.

Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.”

Như vậy, không tố giác người đang bị truy nã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về “Truy nã tội phạm là gì? Thẩm quyền ra quyết định truy nã là ai?“. Nếu quý khách hàng cần giải đáp vướng mắc về các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ với Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để gặp trực tiếp luật sư tư vấn.

Đánh giá

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00