090 2077 959 - (028) 6650 6738 - (028) 6650 8738
·
vplsnguyenhung@gmail.com
·
Thứ 2 - Thứ 7 08:00-17:00
Bấm gọi Luật sư

Xâm phạm quyền riêng tư của người khác bị xử lý như thế nào?

Quyền riêng tư là gì? Quyền riêng tư được pháp luật bảo vệ như thế nào? Xâm phạm quyền riêng tư của người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Vợ tự ý đọc tin nhắn điện thoại của chồng có vi phạm pháp luật không? Hãy cùng Luật Nguyễn Hưng đi tìm hiểu cụ thể trong bài viết sau đây.

Quyền riêng tư là gì?

Quyền riêng tư là quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân.

Tại Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định:

“Điều 21.

Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”

Như vậy, quyền riêng tư là quyền của mọi cá nhân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và được pháp luật bảo vệ.

Xâm phạm quyền riêng tư của người khác bị xử lý như thế nào?
Xâm phạm quyền riêng tư của người khác bị xử lý như thế nào?

Quyền riêng tư được pháp luật bảo vệ như thế nào?

Hiện nay, nước ta chưa có luật riêng quy định về bảo vệ quyền riêng tư. Tuy nhiên, Việt Nam đã công nhận và bảo hộ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong các văn bản quy phạm pháp luật như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và pháp luật chuyên ngành.

Cụ thể, tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn; Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật… Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình…

Điều 46 Luật Giao dịch Điện tử 2005 quy định:

Điều 46. Bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn các biện pháp bảo mật phù hợp với quy định của pháp luật khi tiến hành giao dịch điện tử.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Như vậy, quyền riêng tư mặc dù không được ban hành một đạo luật riêng nhưng hiện nay pháp luật cũng đã có những quy định bảo vệ một trong những quyền cơ bản và dễ bị xâm phạm nhất của công dân. Theo đó, một người khi xâm phạm đến quyền riêng tư của người khác thì sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự, tùy vào mức độ vi phạm của hành vi đó.

Xâm phạm quyền riêng tư của người khác bị xử lý như thế nào?

Xử phạt hành chính

Đối với trách nhiệm hành chính, điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định mức phạt tiền cụ thể:

“Điều 102. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;”

Như vậy, người nào xâm phạm quyền riêng tư của người khác nhằm đe dọa, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp hành vi vi phạm cấu thành nên tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì người thực hiện hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định sau:

Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;

c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;

d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;

đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

đ) Làm nạn nhân tự sát.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, người nào xâm phạm quyền riêng tư của người khác mà đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác thì có thể bị phạt tù lên đến 03 năm.

>> Xem thêm: Tội xâm phạm chỗ ở của người khác có bị xử lý hình sự không?

Vợ tự ý đọc tin nhắn điện thoại của chồng có vi phạm pháp luật không?

Hiện nay, có nhiều người vợ vẫn lén lút vào đọc trộm tin nhắn trên điện thoại, facebook, zalo của chồng để xem liệu chồng có ngoại tình, làm điều gì sai trái hay không,… Tuy nhiên, việc xem trộm tin nhắn trên điện thoại là hành vi xâm phạm quyền riêng tư của người khác và có thể bị xử phạt hành chính nếu hành vi này nhằm đe dọa, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người bị xâm phạm quyền riêng tư.

Thêm vào đó, nếu hành vi nêu trên đã bị xử phạt phạt hành chính mà còn vi phạm thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự.

Trên đây là tư vấn giải đáp của chúng tôi về vấn đề xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Nếu quý khách có bất kỳ thắc mắc nào cần sự giải đáp hỗ trợ, vui lòng liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ Luật sư.

Đánh giá

Bài Viết Mới Nhất:

Hãy để luật sư giúp bạn!

Nếu bạn cần bất kỳ trợ giúp nào, xin vui lòng liên hệ ngay với Văn phòng luật sư Nguyễn Hưng và Cộng sự.

Gọi ngay : 090 2077 959

vplsnguyenhung@gmail.com Thứ 2 – Thứ 7 08:00-17:00