Tại sao tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam liên tục gia tăng trong những năm gần đây? Những nguyên nhân ly hôn của người Việt hiện nay phổ biến là gì? Thống kê trong 5 năm trở lại đây của Luật Nguyễn Hưng thì số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ly hôn nhanh ngày càng gia tăng. Bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ cụ thể về 10 nguyên nhân dẫn tới các vụ ly hôn và một số giải pháp giảm tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam hiện nay.
Thực trạng ly hôn ở Việt Nam hiện nay (theo thống kê từ năm 2018 – 2023)
Hôn nhân là một trong những nền tảng của xã hội, mức độ kết hôn ảnh hưởng trực tiếp đến mức sinh và di cư của dân số Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thực trạng ly hôn ở Việt Nam hiện nay ngày càng phổ biến và có dấu hiệu tăng nhanh, số vụ án ly hôn ở các Tòa án chiếm phần lớn trong tổng các vụ án dân sự.
Ngày 15/12/2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành quyết định về việc ban hành Chế độ báo cáo thống kê công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án trong hệ thống tòa án. Qua đó, dựa vào các báo cáo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao có thể thấy số vụ án ly hôn được giải quyết hằng năm. Cụ thể như sau:
Năm 2018:
Các vụ hôn nhân và gia đình mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là 262.906 vụ (tăng 2.830 vụ so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, ly hôn do mâu thuẫn gia đình chiếm tới 73,6%/ tổng số các vụ án ly hôn.
Năm 2019:
Các vụ hôn nhân và gia đình mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết là 256.793 vụ. Trong đó, ly hôn do mâu thuẫn gia đình chiếm 84,2%/ tổng số các vụ án ly hôn.
Năm 2020:
Báo cáo không tách riêng các vụ án hôn nhân gia đình để thống kê, báo cáo chỉ thống kê chung các vụ việc dân sự, trong đó bao gồm vụ việc hôn nhân gia đình. Theo đó, các Tòa án nhân dân đã thụ lý tổng số 471.581 vụ việc.
Năm 2021:
Các Tòa án đã thụ lý tổng cộng 219.256 vụ việc hôn nhân và gia đình, đã giải quyết xét xử được 199.972 vụ việc, đạt tỷ lệ 91,2%. Các vụ án hôn nhân và gia đình mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết chủ yếu là ly hôn do mâu thuẫn gia đình (162.072 vụ). Năm 2021 mà một năm phòng chống dịch bệnh Covid-19 khó khăn với nhiều đợt giãn cách dài ngày. Vì vậy con số các vụ ly hôn đã được xét xử năm 2021 chưa thể phản ánh chính xác so với thực tế.
Năm 2022:
Các Tòa án đã thụ lý 243.734 vụ việc hôn nhân và gia đình, đã giải quyết, xét xử được 235.763 vụ việc, đạt tỷ lệ 96,73%; trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 241.561 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 233.675 vụ việc; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 2.097 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 2.020 vụ việc; thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 76 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 68 vụ việc . Trong số đó, 70% vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18-30 xuất phát từ những mâu thuẫn do lối sống khác nhau, môi trường khác nhau, những xung đột và bất đồng quan điểm…
Năm 2023:
Không có báo cáo cho thấy số liệu cụ thể vụ việc hôn nhân và gia đình trên toàn cả nước, chỉ có theo từng tỉnh thành. Căn cứ theo Báo cáo số 167/BC-TA tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024 của các Tòa án, có thấy tổng số vụ việc đã giải quyết, xét xử liên quan đến vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động. Các Tòa án đã thụ lý 468.828 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 408.070 vụ việc; đạt tỷ lệ 87.04% vượt 2,04% so với chỉ tiêu Tòa án đề ra (trên 85%).
Năm 2024:
Chưa có số liệu cụ thể. (Đang cập nhật…)
10 nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam gia tăng
Bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Bước vào đời sống hôn nhân, không cặp đôi nào tránh khỏi chuyện mâu thuẫn cãi vã, xung khắc. Tuy nhiên, cách để giải quyết những xung đột đó không phải là dùng bạo lực, hạn chế tối đa hoặc nghiêm cấm bạo lực dưới mọi hình thức, đặc biệt là đối với thành viên trong gia đình. Nếu tình trạng bạo lực cứ lặp đi lặp lại thì gia đình rạn nứt, hôn nhân đổ vỡ sẽ là điều hiển nhiên.
Mâu thuẫn về kinh tế
Đối với xã hội hiện nay, vấn đề kinh tế luôn nhạy cảm. Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, các cặp vợ chồng có thể phát sinh nhiều gánh nặng kinh tế bởi cơm áo gạo tiền. Trong trường hợp một trong hai người chưa ổn định công việc, cuộc sống khó khăn về tài chính, mâu thuẫn này sẽ dễ phát sinh. Nếu tình trạng mâu thuẫn ngày càng kéo dài, giữa vợ chồng không có sự san sẻ, bàn bạc, cùng nhau lên kế hoạch thì có thể cuộc hôn nhân sẽ đi vào bế tắc và dẫn đến kết thúc.
Ngoại tình
Vấn đề ngoại tình thuộc về trách nhiệm chung thủy của mỗi người, không có lí do ngoại tình nào là đúng. Sự chung thủy của đối phương dễ bị lung lay khi vợ chồng có cãi vã, lạnh nhạt, gia đình đang bất ổn,….Khi phát hiện người bạn đời của mình có mối quan hệ mờ ám bên ngoài, người còn lại có thể thất vọng và kèm theo những sự ghen tuông tùy vào mức độ. Nếu sự việc đi đến mức trầm trọng không thể hàn gắn được thì việc ly hôn là tất yếu sẽ xảy ra.
Bất bình đẳng trong đời sống vợ chồng
Việt Nam là một nước thuộc khu vực Đông Nam Á, chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi tư tưởng “Trọng nam khinh nữ”. Nhiều người mặc định rằng phụ nữ luôn ở vị trí thấp hơn nam giới, họ phải quán xuyến việc gia đình, không còn thời gian chăm sóc bản thân, gặp gỡ bạn bè. Nhiều người phụ nữ trong gia đình cảm thấy mệt mỏi, áp lực đối với cuộc sống hôn nhân như vậy, càng kéo dài có thể dẫn đến các uất ức dồn nén và có thể bộc phát khi không thể chịu đựng được, lúc này có thể khiến cuộc hôn nhân rạn nứt.
Chuyện chăn gối không hòa hợp
Có nhiều người lấy lý do này để giải thích cho việc ngoại tình hay ly hôn của mình. Vấn đề tâm sinh lý ảnh hưởng lớn đến đời sống hằng ngày, có thể quyết định tâm trạng và thái độ của đối phương đối với người bạn đời của mình. Tuy nhiên, vấn đề này không phải là vấn đề bế tắc nghiêm trọng, có thể cùng nhau giải quyết tùy vào mức độ không hòa hợp. Tuy nhiên, cũng không ích người cảm thấy không thể tiếp tục cuộc sống hôn nhân vì lí do này, nên đã quyết định kết thúc hôn nhân.
Trái ngược về tính cách và quan điểm sống
Hôn nhân là việc hai người xa lạ gắn kết với nhau trên nền tảng tình yêu, không thể hoàn toàn thấu hiểu và phù hợp. Có những vấn đề chỉ phát sinh khi hai bên bắt đầu chung sống, lúc này họ mới nhận ra có sự khác nhau về tính cách, về cách nhìn nhận giải quyết vấn đề, quan điểm sống hay mục tiêu sống,… những xung khắc về tính cách khiến cho vợ chồng không thể tìm được tiếng nói chung, không thể dung hòa dễ dẫn đến chấm dứt hôn nhân.
Tác động từ người thân
Khi kết hôn thì không còn là mối quan hệ giữa hai người, có nhiều mối quan hệ đi kèm khác như: mẹ chồng nàng dâu, em chồng, họ hàng hai bên,…. Chuyện gia đình lúc này, có thể không còn thuộc về gia đình của vợ chồng, lời ra tiếng vào làm ảnh hưởng đến tâm lý và cách hành xử của vợ chồng. Khi gặp trục trặc, không phải ai cũng cho lời khuyên tốt, không phải lúc nào họ cũng khuyên giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Có những người chỉ cố gắng tác động xấu nhằm phá vỡ hạnh phúc gia đình.
Ngoài ra, còn có những tư tưởng lạc hậu bị đem vào đời sống vợ chồng, các thế hệ khác nhau sẽ có những tư tưởng khác nhau, khi không thể hòa hợp thì sẽ thường xảy ra tranh cãi. Đây cũng là lí do dẫn đến ly hôn.
Kết hôn khi còn quá trẻ
Vì một số lý do nào đó, hiện nay có rất nhiều cuộc hôn nhân với tuổi đời còn quá trẻ. Họ chưa được trang bị đầy đủ về mặt tinh thần lẫn thể chất khi bước vào hôn nhân, chưa phân biệt được đâu là cuộc sống khi yêu và đâu là cuộc sống sau khi kết hôn. Người trẻ đa phần quá đề cao bản thân, yêu bản thân quá nhiều nhưng lại không quan tâm, nhìn nhận để thấu hiểu người bạn đời của mình, hôn nhân được xây dựng không chỉ bởi tình yêu mà còn là sự đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ, quan tâm, chăm sóc nhau. Chính vì chưa có cái nhìn chính chắn nên các cặp đôi trẻ thường phát sinh mâu thuẫn ngay từ những ngày, tháng đầu chung sống.
Phụ nữ độc lập về tài chính
Xã hội tiến bộ, bình đẳng giới ngày càng được nâng cao, phụ nữ không còn quanh quẩn ở nhà, ở bếp, chăm con, chăm chồng. Nếu ngày xưa, người đàn ông là trụ cột chính, là lao đông chính trong gia đình thì phụ nữ ngày nay vẫn có thể là lao động chính, trình độ của họ ngày càng cao và khả năng kiếm tiền không thua kém đàn ông.
Khi phụ nữ độc lập, họ nhận ra bình đẳng giới rất quan trọng, mọi thứ đều bình đẳng, yêu bản thân mình hơn và sẵn sàng từ bỏ nếu nhận thấy cuộc hôn nhân của mình không đạt được mục đích hôn nhân, họ sẵn sàng chấm dứt mà không bị bất cứ lí do nào ràng buộc.
Ảnh hưởng dịch Covid-19
Dịch Covid-19 xuất hiện hơn 02 năm gần đây, là nguyên nhất bất khả kháng và là dịch bệnh toàn cầu. Hầu như mọi hoạt động đều bị đình trệ, hàng hóa ứ đọng, chúng ta đã trải qua giai đoạn “ngăn sông cấm chợ”, dừng tất cả mọi hoạt động, trừ các hoạt động thiết yếu được nhà nước cho phép hoạt động. Trong giai đoạn này, tình trạng thất nghiệp tăng cao, nhiều cơ sở phải chấm dứt hoạt động, chưa kể con người có thể bị nhiễm bệnh,… Tâm lý và thể chất trong giai đoạn này đều bất ổn, nghiêm trọng hơn là trầm cảm, không có thu nhập nhưng vẫn phải gánh nhiều khoản chi sẽ khiến mâu thuẫn về tiền bạc đẩy lên cao trào. Gia đình lúc này là chỗ dựa duy nhất, vợ chồng cần phải chia sẻ gánh nặng cho nhau, tâm sự, quan tâm nhau, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hôn nhân và có thể đổ vỡ.
Khi nào thì nên quyết định ly hôn?
Ly hôn là việc không ai mong muốn xảy ra, nhưng có những trường hợp không thể hàn gắn dù đã cố gắng rất nhiều, có nhiều lí do có thể thấu hiểu, cảm thông, tha thứ nhưng có những lỗi lầm không thể mãi nhắm mắt làm ngơ.
Khi không còn tình cảm, không muốn gắn bó với nhau nữa
Kết hôn một thời gian, tình cảm vợ chồng có thể bị giảm sút, hao mòn bởi nhiều lí do và các yếu tố bên ngoài tác động. Đời sống vợ chồng dần trở nên lạnh nhạt, dần tách biệt với nhau, không còn gắn bó xây dựng gia đình nữa.
Có nhiều lí do khiến cho vợ chồng không còn tình cảm, không còn muốn gắn bó như: Mâu thuẫn từ bên trong gia đình nhưng không thể giải quyết được, có mối quan hệ bên ngoài và người còn lại không thể tha thứ được,….dẫn đến mục đích hôn nhân không đạt được, lúc này nhiều người sẽ chọn giải pháp là chấm dứt hôn nhân để mỗi người có một hướng đi riêng.
Không còn thấy hạnh phúc khi bên nhau
Bước vào hôn nhân là để cả hai trở nên tốt hơn, cuộc sống hạnh phúc hơn, nhưng không ích người lại vỡ mộng khi nhận ra người bạn đời của mình trở nên vô tâm, không có trách nhiệm với gia đình, vẫn còn ham chơi và không có tinh thần cầu tiến.
Trong hôn nhân, cần sự chân thành, nhiệt tình và nhẫn nại của cả hai, phải cùng nhau phát triển, chia sẻ, định hướng cho đối phương và là tiền đề để khắc phục những khó khăn, áp lực trong hôn nhân hay trong đời sống.
Khi không còn thấy hạnh phúc khi bên nhau, bạn đang cần tìm luật sư tư vấn ly hôn giỏi và dày dạn kinh nghiệm, hãy tham khảo ngay dịch vụ ly hôn nhanh trọn gói tại Luật Nguyễn Hưng.
Khi cảm thấy sức khỏe, an toàn bị đe dọa
Hôn nhân không thể tồn tại khi mỗi ngày đều bị chì chiết, tra tấn xúc phạm, đến một lúc nào đó sức khỏe và sự chịu đựng vượt quá giới hạn và hôn nhân sẽ chấm dứt.
Ly hôn trong trường hợp này là sự giải thoát khỏi bạo lực gia đình, không thể tiếp tục hôn nhân khi bản thân cảm thấy bị đe dọa sức khỏe hay tính mạng.
Khi đối phương làm suy kiệt tài chính gia đình
Mỗi người đều có thể bị cám dỗ bởi những thú vui phù phiếm bên ngoài xã hội, khi đối phương có dấu hiệu nghiện những thứ làm tiêu hao tài chính của gia đình mà không chịu dừng lại dù đã cho cơ hội thay đổi, làm nhiều cách khắc phục nhưng người đó vẫn tiếp tục những thú vui riêng thì cũng không nên mất thời gian đối với cuộc hôn nhân này.
Những thú vui như cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm… nếu đối phương không hợp tác cai nghiện hay có dấu hiệu sửa đổi, khắc phục thì sớm muộn gì gia đình cũng sẽ rơi vào bế tắc.
Có ảnh hưởng xấu đến con cái
Một đứa trẻ cần được nuôi dưỡng và lớn lên trong một môi trường lành mạnh, an toàn. Nếu một gia đình xuất hiện bạo lực, có những hành vi nguy hiểm cho trẻ hay có dấu hiệu của việc ngoại tình thì không còn là môi trường lí tưởng cho sự phát triển của trẻ, sẽ ảnh hưởng lâu dài đến việc hình thành nhân cách, suy nghĩ và có thể khiến trẻ hành động sai lệch khi trưởng thành.
Khi gặp phải trường hợp này, chúng ta nên cân nhắc thấu đáo để khắc phục vấn đề hoặc chấm dứt hôn nhân.
Một số giải pháp giảm tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam hiện nay
Để giảm thiểu tỷ lệ hôn nhân thì việc quan trọng nhất vẫn là gia đình. Gia đình phải biết quan tâm, dành thời gian cho gia đình, cùng nhau xây dựng tổ ấm của mình. Đứng trước những khó khăn, áp lực từ nhiều phía, các thành viên trong gia đình nên chia sẻ với nhau, cùng nhau giải quyết, trò chuyện một cách khéo léo trên tinh thần xây dựng. Vợ chồng phải thường xuyên hâm nóng tình cảm, đừng thờ ơ với nhau và cũng đừng xem hôn nhân là câu chuyện của riêng một người.
Ngoài ra, các giải pháp tác động bên ngoài cũng cần được quan tâm như:
- Chính quyền địa phương cần tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống phù hợp với thuần phong mỹ tục.
- Nhà trường cũng nên tổ chức các buổi giáo dục tâm sinh lý thanh thiếu niên.
- Các cơ quan, hiệp hội ở cấp xã, phường nâng cao công tác hòa giải ngay khi các mâu thuẫn mới bắt đầu phát sinh.
Hy vọng qua bài viết này các bạn đã hiểu hơn về “10 nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam hiện nay tăng cao“, khi nào thì nên quyết định ly hôn. Nếu bạn cần hỗ trợ các vấn đề về pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để được giải đáp. Hoặc gửi yêu cầu tư vấn về email vplsnguyenhung@gmail.com. Rất mong nhận được sự hợp tác!
Bộ phận tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình – Luật Nguyễn Hưng.
Trân trọng./.